Bài toán giải quyết vấn đề lao động trẻ em vùng biên giới, dân tộc thiểu số

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Việc ngăn chặn lao động trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng biên vẫn là thách thức cho quản lý, bảo vệ trẻ em. Do hoàn cảnh khó khăn, trẻ em tại miền núi bỏ học, đi làm việc kiếm sống xảy ra nhiều hơn.

Do đặc thù địa lý và phong tục tập quán của dân tộc thiểu số, trẻ em ở tỉnh miền núi, biên giới Lào Cai có xu hướng bỏ học giữa chừng để lao động, mưu sinh cùng gia đình. Những năm gần đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động sớm ở địa phương.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tại nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số, trẻ em vùng biên luôn có xu hướng đi làm cùng bố hoặc tham gia vào các công việc làm thuê thời vụ như gùi hàng, tham gia canh tác nông nghiệp.

Bài toán giải quyết vấn đề lao động trẻ em vùng biên giới, dân tộc thiểu số - 1

Nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động sớm

Chính vì thiếu thốn về vật chất, tiền nên trẻ em vùng biên, dân tộc đến trường có bữa được bữa không. Việc làm kiếm ra tiền trước mắt khiến nhiều trẻ em, người thân vui với hiện tại, không nghĩ đến việc này ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em.

Tại Bát Xát, Lào Cai, gia đình anh Thào Đức Huy sau 12 năm quyết chí cho con đi học, đến nay các con đã đến tuổi trưởng thành, có công việc tốt, phụ giúp cho gia đình, làng bản. Anh kể quãng thời gian đấu tranh với việc cho con đi học và đi lên Sapa gùi hàng mà thấy nhói lòng.

"Gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhà 6 miệng ăn, một mẹ già, hai vợ chồng và 3 đứa con nhỏ nheo nhóc. Kể lại quãng thời gian hai vợ chồng phải vượt núi, băng rừng gùi hàng thuê hàng chục cây số/ngày chỉ để kiếm chưa được 100.000 đồng về rau cháo nuôi mẹ già, con ăn học thấy thấm thía hơn cảnh vượt khó, thoát nghèo. Gùi hàng nông sản, nặng gần bằng mình trong 3 năm liền, khiến vợ tôi ảnh hưởng xương, khớp, sau này phải nghỉ, tôi tiếp tục công việc ấy 8 năm và cho đến khi đứa lớn nhất vào lớp 9 thì thôi. Rất may sau đó, nhà nước cho tiền làm nhà, mua gia súc, hai vợ chồng chăn nuôi thêm và có của ăn của để cho con tiếp tục học hết cấp ba, rồi trường nghề... giờ chưa khấm khá, nhưng nhìn các con trưởng thành là mãn nguyện".

Bài toán giải quyết vấn đề lao động trẻ em vùng biên giới, dân tộc thiểu số - 2

Quyền cơ bản nhất với trẻ em là được sống, vui chơi, học tập. Các em được đảm bảo không phải lao động kiếm tiền, ít nhất đến năm 15 tuổi.

Ông Huy kể, biến cố lớn nhất là năm 2006, khi thấy mẹ nghỉ làm, một mình tôi gùi hàng kiếm sống lo cho gia đình, hai đứa đầu bỏ học ba tháng, trốn nhà đi làm thuê. Tôi bỏ việc để đi tìm, mãi mới bảo được chúng về, hóa ra chúng theo đám bạn đi phục vụ chạy bàn quán ăn ở Sapa, mỗi ngày cũng được cho 300.000 đồng để phụ giúp bố mẹ. Tuy nhiên, tôi thuyết phục con về và bảo đi học lấy cái chữ, đó mới là cách thoát nghèo. Hiện tại, ba đứa con của tôi, 1 đứa học đại học, hai đứa học trường nghề, hai đứa có gia đình, cuộc sống trông lên chưa bằng ai, nhưng trông xuống không ai bằng. Chúng mới xây giúp hai vợ chồng tôi chiếc nhà sàn, đẹp, thế là mãn nguyện với tháng năm vất vả.

Về công tác tuyên truyền hướng dẫn bà con biên giới, đồng bào dân tộc không sử dụng trẻ em làm việc, chính quyền các địa phương như huyện Bát Xát có phong trào "Mỗi cơ quan, đơn vị gắn với một địa chỉ nhân đạo", thông qua các hình thức vận động gây quỹ như "Chung sức vì nhân đạo", "Bữa ăn miễn phí", "Hạt tóc vàng nhân đạo"…

Bài toán giải quyết vấn đề lao động trẻ em vùng biên giới, dân tộc thiểu số - 3

Tình trạng bỏ học, đi học nửa chừng về làm việc không còn xảy ra.

Chính vì các chủ trương này, nhiều năm qua đã có hàng nghìn trẻ mồ côi, trẻ em gia đình neo đơn, diện đặc biệt khó khăn được đến trường, tình trạng lao động trẻ em trong hoạt động thương mại biên giới, sản xuất nông nghiệp không còn diễn ra nhiều như các năm trước đây. Tình trạng bỏ học, đi học nửa chừng về làm việc không còn xảy ra.

Theo báo cáo của Chương trình quốc gia về xóa bỏ lao động trẻ em trong lĩnh vực du lịch tại Khu vực miền núi dân tộc ít người của Tổ chức lao động quốc tế ILO tiến hành tại thị xã Sapa (tỉnh Lào Cai) cho thấy.

Sa Pa có dân số là 52.899 người, thuộc 7 nhóm dân tộc, trong đó, người H'Mông chiếm 51.6%, người Dao chiếm 23,0%, người Kinh chiếm 17.9%... Tổng số trẻ em của huyện là 23.761 em, trong đó trẻ em từ 5 - 17 là 16.821, sống tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn nghèo (khoảng 89,06%).

Sapa hiện có 538 trẻ em lao động trong lĩnh vực nặng nhọc, chiếm 21,8% tổng số trẻ em từ 5-17 tuổi ở địa bàn, trong đó tỷ lệ trẻ em gái là 10.3%2. Những công việc trẻ em tham gia bao gồm: bán hàng rong, phục vụ trong nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, khuân vác đồ cho khách du lịch, làm hướng dẫn viên du lịch.

Những trẻ em được khảo sát tham gia lao động khi còn nhỏ tuổi, đa số các em (66.54%) ở độ tuổi 5-14, trong đó nhóm tuổi 12-14 chiếm 44.24%. Cũng theo kết quả khảo sát, hầu hết công việc trẻ em làm đều có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Khoảng 72.3% trẻ được phỏng vấn cho biết các em phải làm việc trong những điều kiện không thuận lợi.

Bài toán giải quyết vấn đề lao động trẻ em vùng biên giới, dân tộc thiểu số - 4

Khoảng 72.3% trẻ được phỏng vấn cho biết các em phải làm việc trong những điều kiện không thuận lợi.

Những điều kiện làm việc tại thời điểm điều tra có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bình thường về tính cách, tâm lý và sức khỏe tinh thần của trẻ em. Một số việc có thể dẫn tới những nguy cơ trẻ bị lạm dụng tình dục, nhất là những trẻ em gái từ 13-17 tuổi.

Trong số trẻ em được khảo sát, có một số lượng không nhỏ trẻ em chưa bao giờ đi học hoặc đã bỏ học. Cụ thể, số trẻ em đang tham gia lao động nặng nhọc, độc hại đã bỏ học chiếm tỷ lệ cao nhất trong số trẻ em được khảo sát (40,52%); đặc biệt trong đó có 34 em (chiếm 18,5% trẻ bỏ học) tái mù chữ. Số trẻ em chưa bao giờ đến trường trong mẫu điều tra tương đối cao. Đa số các em bỏ học khi bước vào cấp 2. Lý do chính khiến trẻ em bỏ học là do nghèo, học kém gây chán học, trường học cách xa nhà, và quan niệm coi học tập là không cần thiết.