Chăm sóc, phát triển thể trạng trẻ em dân tộc thiểu số

Lê Thanh Xuân

(Dân trí) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 góp phần chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số tốt hơn về thể trạng, tri thức...

Chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số tốt hơn

Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Chương trình sẽ góp phần chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số tốt hơn về thể trạng, tri thức và kỹ năng; đồng thời, đảm bảo trẻ em được tiếp cận dịch vụ xã hội tốt nhất.

Một số dự án trong Chương trình có các mục tiêu nhằm đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em, tăng cường các biện pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; giải quyết các vấn đề về trẻ em; bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.

Chăm sóc, phát triển thể trạng trẻ em dân tộc thiểu số - 1

Đảm bảo trẻ em dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ xã hội (Ảnh: Hữu Đức).

Cụ thể, đó là các Dự án 5: Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Tổ chức thực hiện Chương trình sẽ góp phần chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số tốt hơn về thể trạng, tri thức và kỹ năng; đồng thời, đảm bảo trẻ em được tiếp cận dịch vụ xã hội tốt nhất.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định một số nội dung hỗ trợ bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) đánh giá đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng. Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, chương trình đã tạo được sự đồng thuận lớn trong toàn xã hội.

Đại biểu rất phấn khởi trước một số kết quả bước đầu như ở chương trình dự án 5, 7, 8 đã góp phần thực hiện quyền trẻ em và đảm bảo các biện pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp các em tiếp cận được các dịch vụ một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, đại biểu Châu Quỳnh Dao băn khoăn ở Dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng, chống suy dinh dưỡng của trẻ em, trong đó có 2 chỉ tiêu chưa đạt.

Chăm sóc, phát triển thể trạng trẻ em dân tộc thiểu số - 2

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Ảnh: Phạm Thắng).

Cụ thể là chỉ tiêu về trẻ suy dinh dưỡng, trẻ dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân đang là 15,8%, trong khi kế hoạch mục tiêu giao là phải dưới 15% và trẻ thấp còi là 25% trong khi kế hoạch giao dưới 15%.

Năm 2020 Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam là một trong số 34 quốc gia phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ em và cũng kể từ đó nước ta đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc cải thiện cũng chưa khả quan. Viện Dinh dưỡng quốc gia đã từng nhận định, vùng núi phía Bắc và nhiều vùng dân tộc thiểu số khác có hơn 70% trẻ em chưa được ăn đúng, ăn đủ.

Nói về nguyên nhân, theo đại biểu Châu Quỳnh Dao, đây là những vùng khó khăn "cái no lo chưa tới", thì khó nghĩ đến đa dạng thực phẩm, đủ chất.

"Đâu đó vẫn còn tập quán chăm sóc trẻ một cách lạc hậu; đâu đó vẫn còn yếu tố về môi trường, vệ sinh cá nhân", nữ đại biểu nói.

Mặc dù Chính phủ rất quan tâm đến chương trình "giếng sạch cho buôn, giếng khoan về bản", song đại biểu cho hay, tỷ lệ người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn còn rất thấp.

Đại biểu dẫn chứng như ở Tây Nguyên là 26,6%, vùng núi phía Bắc là 31%, trong khi so với trung bình của cả nước là 51%. Nguyên nhân do đây là vùng địa hình bị chia cắt, dân cư thưa thớt cho nên hệ thống đường dẫn ống cũng gặp nhiều trở ngại, đây cũng là một mối lo lớn.

Nguyên nhân tiếp nữa được đại biểu chỉ ra là hệ thống y tế thiếu cán bộ chuyên sâu về sản nhi ở tuyến dưới, cơ sở vật chất, trang thiết bị để chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em cũng chưa đáp ứng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong báo cáo giám sát đề ra và đặc biệt chú trọng phân bổ hợp lý cho công tác truyền thông để nâng cao nhận thức vai trò, tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trẻ em.

Chăm sóc, phát triển thể trạng trẻ em dân tộc thiểu số - 3

Nỗ lực cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh minh họa: Hữu Đức).

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cũng cần thực hiện tốt y tế cơ sở, y tế dự phòng theo đúng tinh thần Nghị quyết 99 năm 2023 của Quốc hội. Trong đó, tập trung sàng lọc để phát hiện kịp thời, sớm vấn đề các nguy cơ ảnh hưởng đến suy dinh dưỡng trẻ em để có biện pháp hỗ trợ.

"Đặc biệt, tháo gỡ, ưu tiên, tạo cơ chế đấu thầu để bổ sung vi chất bổ dưỡng và thuốc tiêm phòng trẻ em để không làm mất đi cơ hội vàng để đảm bảo được phát triển hoàn thiện về thể chất", đại biểu Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh.

Một điểm nữa, đại biểu cho rằng cần phân bổ ngân sách hợp lý và có một cơ chế thể hiện rõ ràng, đồng bộ trong các văn bản pháp lý để hiện thực hóa và triển khai hiệu quả về vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương.

"Có như vậy, trong mỗi bữa ăn của trẻ thật sự mới được đúng, mới được đủ theo khuyến cáo của ngành y tế. Khi đó, chúng ta mới có chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo và thực hiện thành công mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và cả nước nói chung", nữ đại biểu cho hay.