"Đa dạng hóa sinh kế để giúp dân thoát nghèo"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Về đa dạng hóa các mô hình sinh kế, phải làm sao để các hộ dân sau khi tham gia mô hình là thoát nghèo. Đó mới là mục tiêu quan trọng", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Ngày 29/5, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề

Đa dạng hóa sinh kế để giúp dân thoát nghèo - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh (bìa phải) cùng lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đi khảo sát mô hình sinh kế của người dân ở huyện U Minh (Ảnh: PAT).

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều (cả hộ nghèo và cận nghèo) của tỉnh này còn 4,27%, trong đó hộ nghèo chiếm 2,41%.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 là trên 365 tỷ đồng.

Thời gian qua, tỉnh này đã triển khai nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững có hiệu quả, góp phần ổn định đời sống người dân.

Cà Mau không có huyện nghèo, tuy nhiên có 6 xã đặc biệt khó khăn, cần nguồn lực lớn để đầu tư phát triển.

Làm việc với tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đã đánh giá cao công tác chỉ đạo thực hiện chương trình và đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc,…

Theo Thứ trưởng Thanh, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn để người dân có điều kiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, để làm sao giúp cho người dân bớt nghèo. Cho nên, phải xác định rõ mục tiêu này và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lâu dài.

Đa dạng hóa sinh kế để giúp dân thoát nghèo - 2

Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm việc với lãnh đạo huyện U Minh.

"Như ở huyện U Minh làm con lộ có 2m, bây giờ giải quyết đi lại thôi. Một thời gian nữa phát triển thì con đường trở nên lạc hậu, chúng ta phải làm lại, như vậy tốn kém hơn, lại không hiệu quả. Do đó, đề nghị tỉnh có kiểm tra giám sát, giúp cho huyện đầu tư trọng điểm hơn, việc giảm nghèo hiệu quả hơn", Thứ trưởng Thanh viện dẫn khi có chuyến khảo sát tại huyện U Minh.

Về đa dạng hóa các mô hình sinh kế, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, chúng ta phải làm sao giúp cho hộ nghèo sau khi tham gia mô hình là thoát nghèo, đấy mới là mục tiêu quan trọng.

Với một tỉnh thuần nông, có đất sản xuất, có sức lao động, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, quan trọng là biết tận dụng và khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, khơi dậy ý chí và khát vọng thoát nghèo của người dân.

Đa dạng hóa sinh kế để giúp dân thoát nghèo - 3

Ông Võ Văn Liêu, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, huyện U Minh nêu những khó khăn dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn khá cao (ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau).

Khi xây dựng mô hình sinh kế cần có doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ tham gia cho quy mô, chuỗi cung ứng cao hơn. Mô hình không chỉ sản xuất nông nghiệp mà cái nào tốt thì làm, kể cả tiểu thủ công nghiệp, thương mại nhưng phải có lãi, mới có thu nhập.

"Có thu nhập thì người dân mới thoát nghèo. Tránh việc gom hết vào mô hình nhưng đầu kỳ, cuối kỳ vẫn như nhau, hộ nghèo vẫn là nghèo thì mô hình này không đạt hiệu quả. Người dân khó khăn nhất là đầu ra. Do đó, nếu có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã thì đầu ra của người dân sẽ ổn định", Thứ trưởng Thanh lưu ý.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, muốn có việc làm tốt thì phải đào tạo nghề và việc này cũng phải tuyên truyền cho người dân. Cà Mau là nguồn cung lao động, khi có nhà đầu tư đến, họ cũng nhìn vào đó để đánh giá  nguồn lực thế nào. Khi có thu nhập tốt, lao động sẵn sàng quay về địa phương, như vậy mới phát triển, giảm nghèo bền vững được.

Đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài 

Đa dạng hóa sinh kế để giúp dân thoát nghèo - 4

Thứ trưởng Lê Văn Thanh và các thành viên trong đoàn công tác làm việc với tỉnh Cà Mau chiều 29/5 (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Cà Mau).

Một trong những lĩnh vực có thể giúp người dân Cà Mau thoát nghèo bền vững theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đó là đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ trưởng Thanh cho biết, lợi ích từ việc đi lao động ở nước ngoài đã thấy rõ như thu nhập cao, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành luật pháp, nội quy công việc tốt hơn,…

Đa dạng hóa sinh kế để giúp dân thoát nghèo - 5

Thứ trưởng Lê Văn Thanh trao đổi với ông Huỳnh Văn Thức, Ấp 12, xã Nguyễn Phích khi khảo sát thực tế, tìm hiểu tình hình đời sống và sản xuất tại địa phương (ảnh: Báo Cà Mau).

"Nhưng tại sao nhiều người chưa đi, là do nhận thức thôi. Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, trong đó tuyên truyền bằng con người đã từng đi rồi thì dễ hơn. Các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến đây nói giúp người dân nhận thức rõ hơn, nhưng chúng ta phải có quyết tâm, nếu làm được sẽ rất hiệu quả cho người dân.

Riêng thị trường Nhật Bản, mỗi năm người Việt Nam sang đấy lao động ngày càng tăng nên không có lý do gì mà người dân Cà Mau không thể đi được. Thanh niên không có việc làm rất nhiều, lại còn khó khăn nên chúng ta quyết tâm thì họ đi được thôi", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ.