Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:

Dang dở việc học vì lớp 7 đã biết yêu

Đặng Dương

(Dân trí) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn biến phức tạp tại Đắk Nông. Nhiều học sinh 13, 14 tuổi đã vội lập gia đình và chọn cách nghỉ học sau khi có con.

Câu chuyện sau đây là mô hình góp phần thực hiện Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Vừa tròn 13 tuổi, V.S.M. (huyện Tuy Đức) lập gia đình với một cô gái lớn hơn 3 tuổi. Sau gần 8 năm sinh sống, đến nay vợ chồng M. đã có với nhau 3 người con.

Cuộc sống khó khăn, không những phải chăm sóc cho gia đình nhỏ, M. còn phải lo cho cả bố mẹ hai bên vì cậu là con trưởng trong nhà.

Hơn 20 tuổi, nhìn M. đã già hơn rất nhiều so với những người bạn cùng tuổi trong vùng.

Dang dở việc học vì lớp 7 đã biết yêu - 1

Cuộc sống hôn nhân của M. vất vả hơn sau khi vợ M. sinh liền 3 đứa con (Ảnh: Minh Huyền).

Chia sẻ về cuộc sống hôn nhân, M. cho hay: "Em lấy vợ khi đang học lớp 7. Hai năm sau, em nghỉ học vì vợ em đã sinh con. Em cũng buồn vì phải nghỉ học sớm, nhưng nếu tiếp tục đi học thì nhà không có người làm, các con không đủ ăn".

Đầu năm nay, S.T.L.N. (huyện Đắk Glong) quen một thanh niên ở tỉnh khác thông qua mạng xã hội. Phát hiện sự việc, gia đình và chính quyền địa phương nhanh chóng can thiệp nhưng sau đó thiếu nữ 14 tuổi đã bỏ đi nơi khác cùng người yêu.

Sau một thời gian, giữa N. và người yêu nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến chia tay. Buồn chuyện tình cảm, thiếu nữ này đã ăn lá ngón tự tử.

Mọi người phát hiện, N. được đưa đi cấp cứu kịp thời. Thế nhưng, khi đến bệnh viện, bố mẹ N. ngã ngửa khi hay tin con gái mình đang mang thai.

M. được cứu sống. Đứa trẻ cũng may mắn được sinh ra khỏe mạnh. Tuy nhiên đến nay, đứa trẻ chưa được khai sinh. Mỗi lần ốm đau, gia đình N. lại phải chạy vạy để lo tiền đưa cháu đi điều trị.

M. và N. chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp tại tỉnh Đắk Nông lập gia đình hoặc có quan hệ tình dục khi đang ở tuổi vị thành niên.

Dang dở việc học vì lớp 7 đã biết yêu - 2

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2015-2020, tỉnh này có 347 trường hợp tảo hôn(Ảnh: Minh Huyền).

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2015-2020, tỉnh này có 347 trường hợp tảo hôn, 24 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá, con số trên vẫn chưa thực sự đầy đủ, bởi có những trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết không đăng ký kết hôn, không có hộ khẩu thường trú, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa…

Chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông đánh giá, thời gian qua, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã để lại nhiều hệ lụy, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tảo hôn và hôn cận huyết thống ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bỏ học để kết hôn sớm, tuổi đời còn nhỏ, nhận thức về xã hội, gia đình còn kém nên việc chăm lo cho con cái cũng hạn chế.

Bên cạnh đó, việc lập gia đình khi chưa đủ tuổi, tư liệu sản xuất (vốn, đất đai, công cụ lao động) cũng không có, dẫn đến điều kiện phát triển kinh tế rất khó khăn.

Qua khảo sát, tảo hôn và hôn nhân cận huyết xảy ra chủ yếu tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Nguyên nhân là một số DTTS còn tư tưởng sinh nhiều để có người làm việc; trong khi đó sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.

Dang dở việc học vì lớp 7 đã biết yêu - 3

Tỉnh Đắk Nông phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín để ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết (Ảnh: Đặng Dương).

 Trước tình trạng trên, ngày 25/1/2021, tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II)".

Thực hiện kế hoạch, thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành ở Đắk Nông đã tổ chức nhiều buổi truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS.

Đặc biệt, hai mô hình "Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" ở Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Đắk Glong và xã Đắk Som (Đắk Glong) được duy trì hiệu quả.

Đến nay, ngành Giáo dục & Đào tạo tỉnh Đắk Nông đã triển khai thêm 5 mô hình khác tại các xã có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao.

Ông Quách Công Ban, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông cho biết thực hiện Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh tập trung nâng cao năng lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cách thức, nội dung triển khai thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Ngoài ra, Đắk Nông cũng mở nhiều lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, già làng, người có uy tín, trưởng thôn, bon, buôn, bản về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề "Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống".