"Mồm trề", "xấu như ma"... đủ kiểu body shaming trẻ dịp Tết

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhóm trẻ trong xóm đang chơi đùa thì bác hàng xóm tạt ngang vào hỏi han. Vừa nhìn cậu bé 8 tuổi, bà phán ngay: "Mồm trề hơn cả thằng cha hắn!"...

Ngày tết, khi lũ trẻ trong xóm tôi đang tụm năm tụm bảy chơi đùa trước nhà thì bác hàng xóm tầm 60 tuổi đi ngang, tạt vào hỏi han. 

Hỏi con người này, người kia, bà bĩu môi gọi cậu bé 8 tuổi là "thằng mồm trề", nhắc đi nhắc lại mấy lần câu "mồm trề hơn cả thằng cha hắn". Rồi bà chỉ sang cô bé 7 tuổi, nói "da đen thui, chân ngắn, đùi to y như mẹ". 

Mồm trề, xấu như ma... đủ kiểu body shaming trẻ dịp Tết - 1

Trẻ dễ dàng trở thành nạn nhân của body shaming, nhất là dịp Tết thăm thú, gặp gỡ nhiều (Ảnh minh họa).

Hai đứa trẻ bị "chỉ mặt, chỉ tên" ngỡ ngàng, ngượng ngùng, ngơ ngác khi bị kéo lại để nói những lời chê bai về vẻ ngoài. Chúng cố vùng ra khỏi bàn tay đang kéo áo, xoa đầu, chạy theo lũ bạn để thoát khỏi những lời "mắng yêu" vừa nghe. 

Tình huống người lớn body shaming (miệt thị ngoại hình) trẻ nhỏ như trên là chuyện có thể xảy ra khắp nơi, nhất là ở xóm, ở quê, đúng dịp lễ Tết, khi có nhiều cuộc gặp gỡ, thăm viếng. Lúc này, nhiều trẻ trở thành nạn nhân bị chê bai, miệt thị, nhục mạ với cái "mác" là sự quan tâm, hỏi han. 

Về quê đón Tết, trẻ choáng váng vì chuyện khen, chê

Chị Nguyễn Thúy Ngọc ở TPHCM kể lại câu chuyện của mình để nhắc các ông bố bà mẹ hãy cẩn trọng khi đưa con về quê. Nhà chị có hai cô con gái, cô chị yểu điệu, thướt tha, tóc dài, da trắng giống mẹ bao nhiêu thì cô em ở phía ngược, như một cậu con trai. 

Bé cũng biết mình khác biệt và không quá phiền lòng, cho đến thời điểm 2 năm trước theo mẹ về quê ngoại ăn Tết. Từ anh em họ hàng, hàng xóm tới người qua đường, hễ gặp bé là "săm soi" vẻ ngoài với đủ lời nhận xét thiếu thiện chí. 

Nào là "mẹ tiên, con cú", "con nhà nào lạc vào đây"... tới những lời mô tả thản nhiên bằng những từ ngữ miệt thị về cơ thể con như mồm nhọn, mắt ti hí, mũi hếch... Ngay cả ông bà ngoại cũng trêu đùa bé "không phải con cháu nhà mình". 

Từ một đứa trẻ năng động, tự tin, chỉ vài ngày về quê, cháu đóng cửa trong phòng không ra ngoài, không giao tiếp với ai. Từ đó, cháu có nhiều biểu hiện bất ổn như tủi thân, tự tin về hình thức của mình, thất vọng, chán ghét bản thân... Đến bây giờ chị Ngọc vẫn vật vã để khôi phục niềm tin, sự hồn nhiên cho con. 

Mồm trề, xấu như ma... đủ kiểu body shaming trẻ dịp Tết - 2

Body shaming ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sự tin tin của trẻ nhỏ (Ảnh mang tính minh họa).

"Hãy cẩn thận khi đưa con đi đây đi đó dịp Tết, gặp phải những người nửa đùa nửa thật nói về hình thức của người khác. Có khi, con mình bị biến thành nạn nhân của việc miệt thị ngoại hình", chị Ngọc cảnh báo.  

Không chỉ người ngoài, có khi chính cha mẹ cũng là người miệt thị cơ thể của con. Trẻ nhỏ gặp nhau, nhiều phụ huynh có thao tác gần như vô thức là bắt trẻ đứng đo để so xem đứa nào cao hơn, đứa nào nặng hơn. Có đứa trẻ học lớp 2 tẽn tò khi đứng ngang tai bé lớp Lá, hay còn nhẹ cân hơn em lớp 1... Thế rồi trẻ bị chính bố mẹ chê gầy, chê lùn, thua em, thua chị. 

Học đại học năm 3, Tết nhất là nỗi ám ảnh của cô nữ sinh viên ngành luật ở TPHCM Lê Thùy Mai khi phải trở về nhà. Từ bé đến giờ, cô thường xuyên nghe những lời chê bai của mẹ ruột về... hình hài, thân thể của mình. Bà chê con gái lùn, chân ngắn, mập, mặt mụn cho đến khó chịu với cả cách ăn mặc của con... 

"Tôi nhớ mãi câu mẹ nói "xấu như mày, ma nó thèm". Mẹ thường xuyên khoe đứa này đứa kia trong xóm đẹp gái, ăn mặc vào mắt. Bà còn không muốn tôi ra ngoài gặp người này người kia", Mai kể và cho biết, mình mất tự tin ngay trong gia đình. Tết đến về quê cô càng thấy bất ổn. 

Không nói được lời hay, cần học cách im lặng 

Trước vấn nạn bạo hành trẻ nhỏ, cả xã hội không ngừng phẫn nộ, lên án, phê phán. Nhưng có thể lắm, ngay trong giao tiếp hàng ngày, thói quen suồng sã, thiếu ý tứ, thiếu thiện ý... nhiều người chúng ta cũng đang bạo hành trẻ theo cách thức khác - bạo hành bằng lời nói!

Bạo lực không chỉ là đòn roi, là vết thâm, vết lằn trên da thịt. Bạo lực đáng sợ không kém là bằng ngôn từ, lời nói. 

Người Việt có thói quen bình phẩm về hình thức, vẻ ngoài của người khác, nhất là thông qua việc hỏi thăm, quan tâm hoặc cho là đùa cợt, "mắng yêu". Điều này càng phổ biến vào dịp Tết nhất khi con trẻ được người lớn dẫn đi chào hỏi, chúc Tết.

Có những lời nói, những nhận xét bâng quơ được buông ra trong tích tắc có thể gây tổn hại đến tinh thần, cuộc đời của người khác. Nhiều đứa trẻ bị chê bai trở nên tự tin, khép kín, cảm thấy hạ thấp giá trị bản thân, luôn thấy mình không xứng đáng hoặc trở nên căm hận, cay nghiệt với người khác... Trên thực tế, nhiều người bị trầm cảm, hủy hoại bản thân, tàn nhẫn, thậm chí là tự vẫn vì bị chê bai ngoại hình. 

Từng lên tiếng về vấn nạn body shaming, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ, mỗi người chúng ta cần phải thay đổi một số thói quen của chính mình, trong đó có việc vô tư bình luận về hình thể của người khác. 

Các bậc cha mẹ cần lưu ý về điều này, nếu thấy con quá thường xuyên chê bai bản thân mình hay người khác thì hãy can thiệp ngay. 

"Thực chất chẳng có tiêu chuẩn cái đẹp nào là duy nhất. Đẹp còn tùy vào mắt người nhìn. Chưa kể, dù đẹp hay không đẹp thì cơ thể của ai là thuộc về chính họ, không ai được phép nhục mạ. Để cải thiện sự ám ảnh vì body shaming, cách tốt nhất hãy tránh xa những người ưa chê bai hình thể", bà Huyền nhấn mạnh. 

Bình phẩm tiêu cực về người khác, nhiều người vẫn bao biện là "nói cho vui", "không ác ý" nhưng lời nói phản ánh con người, tâm địa bên trong. Không ai lương thiện, tốt bụng lại có thể dùng những lời nói miệt thị, gây tổn thương người khác. 

Như câu danh ngôn, khi bạn phán xét người khác qua vẻ bề ngoài, điều đó không phản ánh người ấy mà phản ánh chính bạn, với bất kỳ ai, nhất là với trẻ nhỏ chưa có khả năng tự bảo vệ, nếu không nói ra được những điều tốt đẹp, người lớn cần học cách im lặng.