DNews

Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Ngày đơn vị tổ chức lễ cưới cho bà Trần Thị Lệ Thu và liệt sĩ Bùi Văn Huỳnh thì địch càn, 2 đơn vị di tản theo 2 hướng, vợ chồng bà chia tay. Ai ngờ, lần chia tay ấy là vĩnh biệt…

Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt
Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 1

Đến thăm bảo tàng Biệt động Sài Gòn trên đường Trần Quang Khải (quận 1, TPHCM), khách tham quan sẽ được một người phụ nữ lớn tuổi nhỏ bé mặc quân phục với cấp hàm trung úy giới thiệu từng kỷ vật được trưng bày ở nơi đây.

Người phụ nữ ấy là bà Trần Thị Yến Ngọc (73 tuổi), tên hoạt động là Trần Thị Lệ Thu. Đó là cái tên bà dùng khi vào vai nữ sinh trường Trưng Vương để hoạt động giao liên cho Bộ chỉ huy tiền phương lực lượng biệt động Sài Gòn trong giai đoạn 1967-1969, gắn chặt với bí danh "Thu Bà Điểm" vì bà lớn lên tại vùng đất Bà Điểm (Hóc Môn).

Bà Lệ Thu gắn bó với công việc tại bảo tàng để kể lại những câu chuyện chiến đấu cảm tử, những pha xử lý tình huống tài tình của các chiến sĩ trong lực lượng biệt động Sài Gòn. Nhưng ít ai biết bà cũng là một nhân chứng sống, một chiến sĩ biệt động với số phận ly kỳ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Cuộc đời bà Lệ Thu gặp nhiều truân chuyên, bất hạnh khi phải rời xa cha mẹ từ nhỏ, được người chị cùng mẹ khác cha nuôi dưỡng ở vùng Bà Điểm. Năm 14 tuổi, bà đã theo anh chị, cô chú trong vùng "18 thôn vườn trầu" giác ngộ cách mạng đi thoát ly, làm công tác hậu cần tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh (gọi là đi R).

Tại đây, Lệ Thu được cơ quan bố trí chăm lo sản xuất, làm ruộng, may y phục, cứu thương và học quân báo chứ không tham gia chiến đấu. Đến năm 16 tuổi, Thu "trổ mã" xinh đẹp, được nhiều đồng đội nam yêu thích nhưng cô để ý nhất là chiến sĩ Bùi Văn Huỳnh (SN 1945, hy sinh năm 1971) vừa đẹp trai vừa bắn súng giỏi.

Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 2
Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 3
Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 4
Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 5

Ông Bùi Văn Huỳnh là chiến sĩ thuộc đơn vị bảo vệ căn cứ, tham gia nhiều trận chống càn và là tay súng thiện xạ, lập nhiều chiến công tiêu diệt địch.

Lệ Thu kể: "Ngày ấy, mấy cô gái đẹp không để ý nhà giàu, xe sang hay học giỏi mà chỉ thích anh hùng. Mình là chiến sĩ thi đua thì cũng phải quen dũng sĩ diệt Mỹ mới xứng".

Mối tình đầu nhanh chóng nảy nở giữa đôi trẻ tại căn cứ trong thời gian chiến đấu ác liệt nhất. Năm 1967, đơn vị quyết định tổ chức lễ ra mắt cho đôi trai gái trước các đồng đội trong đơn vị. Mẹ liệt sĩ Bùi Văn Huỳnh là bà Hà Thị Tư đi từ Sài Gòn đến căn cứ dự lễ cưới của con.

Sau lễ ra mắt đơn giản, đồng đội bắt gà nấu cháo để đãi quan khách dự lễ. Nồi cháo vừa bưng ra thì quân địch càn quét, các đội bảo vệ trở về vị trí chiến đấu đối phó trận càn, còn đội hậu cần của Lệ Thu xoay qua cứu chữa thương binh.

Khi đánh tan trận càn của địch, các đơn vị được lệnh chia thành nhiều hướng, sơ tán sang vị trí khác vì căn cứ đã bị lộ. Thu chỉ kịp vẫy tay chào tiễn biệt người chồng mới cưới mà chưa kịp động phòng rồi theo đơn vị hành quân.

Lệ Thu cứ tưởng sau khi sơ tán ổn định vị trí đóng quân rồi tìm gặp lại nhau, không ngờ chiến trường biến đổi liên tục, chưa có cơ hội gặp lại chồng thì bà được điều chuyển công tác về Sài Gòn.

Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 6

Yêu cầu chiến sự, bà về Sài Gòn bổ sung cho lực lượng biệt động thành rồi xa chồng cho đến ngày biết tin ông hy sinh.

 Cuộc chia ly ngày ấy không ngờ là lần cuối cùng 2 vợ chồng ở bên nhau. 4 năm sau, 1971, bà Thu nhận được tin ông Bùi Văn Huỳnh hy sinh ở chiến trường Đông Nam bộ khi bà đang theo đơn vị trú đóng tại Campuchia.

Người vợ chưa từng chung chăn gối của liệt sĩ Bùi Văn Huỳnh xúc động kể lại: "Chiến tranh mà, chia ly là bình thường. Chỉ là không ngờ lần chia tay ấy cũng là vĩnh biệt, tôi không còn cơ hội được gặp lại anh ấy nữa".

Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 7

Cuối năm 1967, sau khi chia tay với chồng, Lệ Thu được đơn vị phân công về Sài Gòn bổ sung cho lực lượng biệt động thành, rời xa chiến trường mà ông Bùi Văn Huỳnh chiến đấu.

Với lợi thế trẻ trung, xinh đẹp và từng học quân báo, Thu được làm giấy tờ giả là nữ sinh trường Trưng Vương để thực hiện nhiệm vụ giao liên cho Bộ chỉ huy tiền phương lực lượng biệt động Sài Gòn, lúc này đóng tại Phở Bình (số 7 đường Yên Đỗ, nay là đường Lý Chính Thắng) do ông Tư Chu (Anh hùng lực lượng vũ trang, đại tá Nguyễn Đức Hùng) chỉ huy.

Ngay tại sở chỉ huy này, Lệ Thu được chiến đấu cùng những cái tên đã đi vào huyền thoại của lực lượng biệt động Sài Gòn như "trùm biệt động" Tư Chu, Hai Trí (Nguyễn Văn Trí, chính trị viên), Ba Đen (Ngô Thanh Vân, đội trưởng đội biệt động 11 đánh Đại sứ quán Mỹ trong trận Tết Mậu Thân 1968)…

Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 8
Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 9
Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 10
Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 11

Trong thời gian công tác tại Sài Gòn, bà Lệ Thu vinh dự được tham gia chuẩn bị cho trận đánh lịch sử của lực lượng biệt động thành, cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

"Để chuẩn bị cho trận đánh ấy, lực lượng biệt động phải chuẩn bị vận chuyển vũ khí, súng đạn từ căn cứ vào thành, giấu trong hàng chục hầm bí mật. Trước ngày nổ súng, nhiều chiến sĩ bảo vệ được đưa từ chiến khu về các cứ điểm bí mật ở Sài Gòn để bổ sung cho lực lượng chiến đấu của biệt động thành", nữ chiến sĩ Lệ Thu kể.

Đó là giai đoạn vất vả nhất của lực lượng phục vụ chiến đấu, các giao liên đi lại như con thoi giữa cứ điểm ngoại thành với nội thành để giao nhận hàng hóa, dẫn đường cho chiến sĩ vào thành, tập kết tại các địa điểm bí mật chuẩn bị xuất kích tấn công các cơ quan đầu não của địch như Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh Sài Gòn, Biệt khu Thủ đô, sân bay Tân Sơn Nhất…

Trận đánh ấy, cô giao liên Lệ Thu nhớ nhất chi tiết, chỉ còn hơn 12 giờ nữa là đến thời điểm nổ súng, ông Ba Đen đến sở chỉ huy tiền phương gặp ông Tư Chu đề nghị cấp thêm vũ khí.

Bà kể lại: "Ông Ba Đen nói vũ khí chiến đấu với địch đã có rồi, nhưng vũ khí để anh em quyết tử chưa có. Chiếm cứ điểm thì dễ, giữ mới khó. Nếu sau trận đánh, đại quân của ta vào thành được thì không sao, chứ đại quân không vào thành được thì sợ anh em khó giữ được cứ điểm. Mà nếu bị bắt thì khó đảm bảo tất cả anh em đều giữ được khí tiết khi bị địch tra tấn".

Bởi vậy, ông Ba Đen xin thêm vũ khí để nếu lỡ đại quân không vào được, anh em sử dụng hết đạn dược thì còn vũ khí cùng chết với địch.

Ông Tư Chu nghe có lý nên giao cho Thu Bà Điểm khi đó đang túc trực tại sở chỉ huy đi vận chuyển vũ khí ngay trong ngày. Bà Thu chạy vội đi bắt xe đò về cứ điểm ở Trảng Bàng (Tây Ninh) nhận 2 khối thuốc nổ nặng 8kg để đồng đội dùng làm vũ khí cùng chết với địch trong trường hợp xấu nhất.

"Khi đi thì bắt xe đò được, tôi về mang theo thuốc nổ không thể đi xe đò vì sẽ bị lính ở chốt kiểm soát kiểm tra. Tôi nảy ra ý định tìm sĩ quan Cộng hòa để đi quá giang về. Trên đường về có 14 chốt kiểm soát, chỉ huy cao nhất mang hàm trung úy nên tôi phải tìm sĩ quan mang hàm đại úy để đi nhờ", bà Lệ Thu kể.

Nhờ suy nghĩ nhanh nhạy, tài ăn nói khéo léo và nhan sắc của mình, Thu Bà Điểm tìm được 1 viên đại úy trẻ đang chạy xe máy về Sài Gòn để đi nhờ. Bà thuận lợi mang theo giỏ xách chứa 8kg thuốc nổ về cho 2 đội đánh Đài Phát thanh Sài Gòn và Đại sứ quán Mỹ trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968.

Ngày cưới cũng là ngày chia ly, ai ngờ thành vĩnh biệt - 12

 Bà kể: "Những ngày ấy, tôi đọc báo thấy tin các đồng đội của mình bị địch bắt, bị tra tấn dã man cũng sợ lắm. Nhưng nghĩ đến anh em đồng đội đều đang chiến đầu, nghĩ đến chồng đang đối mặt với kẻ thù trên chiến khu, tôi có thêm niềm tin để công tác, chỉ mong mau đến ngày chiến thắng để gặp lại chồng".

Ước mơ ấy giúp cô gái trẻ giữ vững niềm tin chiến đấu trong giai đoạn khó khăn nhất của lực lượng biệt động Sài Gòn. Cho đến ngày hay tin chồng hy sinh, nữ chiến sĩ ấy chỉ còn sống bằng nước mắt…

"Tất cả tình yêu tuổi trẻ mộng mơ, nhiệt huyết tôi dành cho anh ấy. Lúc nào cũng mong đến ngày hết giặc thù, được trở lại quê hương xây dựng gia đình, sống cuộc đời bình dị, không phải lo sợ sống nay chết mai. Không ngờ, tôi hoạt động trong lòng địch không sao, anh ấy ở chiến khu lại hy sinh trước...", bà Thu thở dài.

Ảnh: Hữu Khoa