Người phụ nữ có 20 năm làm "mẹ" của những trẻ em khuyết tật

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Bằng tình thương, trách nhiệm và sự tận tâm, chị Nguyễn Thị Phượng (Trung tâm Công tác xã hội TP. Cần Thơ) đã mang lại hơi ấm tình thân tới những trẻ em khuyết tật bị bỏ rơi.

Người phụ nữ hai mươi năm làm "mẹ" của những trẻ em khuyết tật 

Chị Nguyễn Thị Phượng (55 tuổi) đã có thâm niên hơn 20 năm công tác tại Trung tâm Công tác xã hội TP. Cần Thơ. Chị cùng 3 đồng nghiệp phụ trách phòng sơ sinh. Mỗi ca 2 người trực trong 12h. Đây là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng các bé khuyết tật và nhiễm chất độc da cam, bị bỏ rơi từ 1-6 tuổi.

Trong căn phòng rộng khoảng hơn 50m2 với nhiều loại cũi. Vừa bế một bé trên tay, chị Phượng vừa nói: "Các trẻ nơi đây đều là nạn nhân chất độc da cam nên đều bị dị tật tùy mức độ, sức khỏe kém, ốm đau thường xuyên. Có em bị bỏ rơi ngay tại bệnh viện, được vài ngày tuổi thì trung tâm tiếp nhận và giao phòng sơ sinh chăm sóc".

Người phụ nữ có 20 năm làm mẹ của những trẻ em khuyết tật - 1

Chị Phượng thương các bé như con ruột.

Những cán bộ phòng sơ sinh không chỉ là bảo mẫu mà còn là một người mẹ tận tụy, nhẫn nại và đầy tình thương yêu với các con - những đứa trẻ đã sớm phải chịu thiệt thòi ngay từ khi ra đời. Không những thế, họ còn là một điều dưỡng, nhân viên y tế vững tay nghề và là cô giáo mầm non.

"Cho ăn, ru ngủ, vệ sinh cho trẻ là chuyện bình thường, việc dạy trẻ tập nói, tập tiếp xúc xã hội mới là việc khó khăn. Các bé chậm phát triển mọi mặt, nên các cô phải vô cùng kiên trì, không thể nóng vội", chị Phượng chia sẻ.

Sửa lại ống thở cho một bé khoảng 3 tuổi, chị tâm sự: "Các con ở đây thiệt thòi quá. Có những bé bệnh tật chỉ việc thở từng ngày cũng khó nhọc. Thương lắm, nên dù vất vả, khó nhọc đến đâu, tôi tự nhủ phải tận tâm. Có lẽ, ông trời đã sắp đặt mình nhiệm vụ thay bố mẹ yêu thương các con".

Người phụ nữ có 20 năm làm mẹ của những trẻ em khuyết tật - 2

Việc dạy trẻ tập nói và hòa nhập với xã hội là việc khó khăn đối với chị Phượng và các bảo mẫu ở đây.

Đều đặn trong 20 năm qua, chưa đến 6h, chị Phượng đã có mặt ở nơi làm việc để nhận ca. Công việc kéo dài suốt 12h. Nếu không thực sự tận tâm và trách nhiệm và không có tấm lòng của người bà, người mẹ, có lẽ chị và các đồng nghiệp của mình khó hoàn thành tốt chức trách.

Với chị Phượng, những đứa trẻ thiệt thòi ấy đã trở thành một phần cuộc sống. Cứ đứa này lớn, đứa khác lại vào, gần như, chưa có bao giờ chị có được một phút thảnh thơi trong công việc. Ấy vậy nhưng, chị chỉ còn 1 tháng nữa là nghỉ hưu và phải xa những đứa trẻ này. Chị thấy hụt hẫng, như mất mát một cái gì đó khó có thể gọi tên.

Người phụ nữ có 20 năm làm mẹ của những trẻ em khuyết tật - 3

Một bé khoảng 3 tuổi vừa được chị Phương đặt lại ống thở.

"Đến đây, tận mắt nhìn thấy các bé bệnh tật được chăm bẵm một cách ân cần mới thấy tấm lòng và trách nhiệm của chị Phượng và các đồng nghiệp. Tình yêu, sự chăm sóc của chị Phượng dành cho các bé giống của một người mẹ dành cho con ruột của mình", chị Mỹ Dung - một người dân thường ghé Trung tâm để thăm các bé, cho biết.

Ông Bùi Đức Trung, Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội TP Cần Thơ, luôn dành cho chị Phương sự trân trọng khi đánh giá về sự tận tâm và trách nhiệm trong công việc.

"Chị Phượng là một trong những người có kinh nghiệm, công tác lâu năm nhất ở Trung tâm. Ngoài việc có chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao, yêu thương trẻ, chị Phượng còn tận tình hướng dẫn công việc cho những bảo mẫu mới vào nghề. Thực sự khi chị Phượng nghỉ hưu, chúng tôi rất tiếc", ông Trung chia sẻ.

Giới thiệu về Trung tâm, ông Bùi Đức Trung - Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội TP Cần Thơ - cho biết: "Trung tâm đang chăm sóc 88 bé từ sơ sinh đến dưới 16 tuổi, riêng phòng sơ sinh hiện có 19 cháu. Ở Trung tâm, công việc chăm sóc trẻ sơ sinh là khó khăn, vất vả và cần nhiều kỹ năng, kinh nghiệm nhất".