Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thanh Tùng

(Dân trí) - Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, sau thời gian thực hiện, chương trình đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước.

Theo báo cáo từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu. Đồng thời, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gắn với phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, ngành cấp huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ.

Nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi - 1

Người dân huyện vùng cao Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa phát triển mô hình trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Thanh Tùng).

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện, thị xã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Cơ quan chức năng ưu tiên lồng ghép các nguồn lực đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao hiệu quả sử dụng và phát huy nguồn lực đầu tư cho khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi - 2

Một góc huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, sau thời gian thực hiện, chương trình đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước.

Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng.

Đồng thời, phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, tính đến năm 2023, thu nhập bình quân của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 40,7 triệu đồng/người/năm.