Nữ tiến sĩ "đòi" quyền bình đẳng cho… đàn ông

Phương Thảo

(Dân trí) - Trong phong trào đẩy lùi bất bình đẳng giới, mọi người vẫn thường nghĩ tới phái nữ. Nhưng mới đây, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành về bình đẳng giới đã lên tiếng về quyền cho cánh mày râu.

Nam giới bị "bỏ rơi"

Trong những năm vừa qua, chương trình bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ tại Việt Nam đã đạt rất nhiều thành tựu đáng mừng khi khoảng cách bất bình đẳng giới đã được thu hẹp, phụ nữ được trao quyền nhiều hơn và có hệ thống luật hoàn chỉnh về bình đẳng giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kết quả chống bất bình đẳng giới vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Nữ tiến sĩ đòi quyền bình đẳng cho… đàn ông - 1
Bà Gaelle Demolis - Quyền Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women).

Trao đổi với PV Dân trí, bà Gaelle Demolis - Quyền Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho biết, theo kết quả nghiên cứu trên thế giới cứ 3 phụ nữ sẽ có một người bị bạo lực, còn tại Việt Nam cao hơn khi có 2 người bị bạo lực. "Đây là con số rất cao. Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị khác nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân, đưa ra các giải pháp cho vấn đề này", bà Gaelle Demolis nói.

Sau khi nghiên cứu, UN Women và các tổ chức hoạt động về bình đẳng giới nhận thấy vai trò của nam giới còn mờ nhạt, tham gia chưa được mạnh mẽ để thúc đẩy bình đẳng giới. Nói cách khác, các phong trào, chiến dịch kêu gọi bình đẳng giới trước đây tập trung chủ yếu vào chị em phụ nữ mà "bỏ rơi" nam giới.

Phát biểu tại sự kiện ra mắt diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững ở Việt Nam diễn ra sáng 19/11, TS.Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nhận xét, nhiều hội thảo, diễn đàn về bình đẳng giới chủ yếu là phụ nữ tham dự.

"Nếu có anh em nam giới tham gia thì cũng chỉ phát biểu vài câu hoa mĩ rồi ra về, để lại chị em với nhau. Ngày 8/3, 20/10 hàng năm cũng vậy, đa số chỉ có chị em tíu tít chuẩn bị, chúc mừng lẫn nhau", bà Hồng khái quát.

Nữ tiến sĩ đòi quyền bình đẳng cho… đàn ông - 2
TS.Khuất Thu Hồng phát biểu tại sự kiện ra mắt Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững ở Việt Nam diễn ra sáng 19/11.

TS.Hồng nhận định, còn một chặng đường rất dài để xã hội đạt được bình đẳng giới thực chất. Các chương trình phòng chống bạo lực giới giai đoạn trước đây tập trung thiên lệch về phía phụ nữ, còn nam giới bị "bỏ quên", bị đặt ở phía đối diện, bị lên án, chỉ trích. Trước đây, điều này dễ hiểu bởi quyền của phụ nữ vốn có xuất phát điểm thấp hơn nên cần phải được nâng lên và kết quả cho thấy quyền bình đẳng nam - nữ trong những năm qua đã cải thiện, tiến bộ rất nhiều.

Tuy nhiên, hiện nay, đã đến lúc phải dành sự quan tâm tới nam giới để thu hút họ vào mục tiêu chung là bình đẳng giới. Bà Hồng ví von, "phụ nữ không thể tự nắm tóc mình rồi kéo mình lên được" và nhấn mạnh rằng, đây là công việc của tất cả các giới, không phải của riêng phụ nữ.

"Trong khoảng 15 năm trở lại đây, tôi đã thay đổi quan điểm về cách tiếp cận giới, bình đẳng giới. Rõ ràng, nếu chỉ tập trung cho phụ nữ thì chắc chắn sẽ không đạt được bình đẳng nên cách tiếp cận cần toàn diện hơn", bà Hồng nói.

Khi nam giới lo "đi làm lương thấp hơn bạn gái thì sao"?

Thực tế cho thấy, nạn nhân của bất bình đẳng giới, bạo lực giới chủ yếu là phụ nữ nhưng vấn nạn này gây ra rất nhiều hệ lụy cho cả phụ nữ và đàn ông. Phân tích về lý do cần quan tâm tới đấng mày râu, các chuyên gia đồng nhất quan điểm, nam giới hiện nay đang phải gánh vác nhiều áp lực, lo toan mà không được quyền bày tỏ, chia sẻ bởi ảnh hưởng của khuôn mẫu giới xưa cũ tồn tại từ lâu.

Nữ tiến sĩ đòi quyền bình đẳng cho… đàn ông - 3
Trong cuộc sống hiện đại, nam giới chịu nhiều áp lực nhưng không được giải tỏa, chia sẻ bởi ảnh hưởng của khuôn mẫu giới nên cảm thấy cô đơn, mệt mỏi. (Ảnh minh họa)

Theo TS.Khuất Thu Hồng, người dân Việt Nam phải đối diện với tư tưởng "nam tôn nữ ti", "chồng chúa vợ tôi" trong hàng nghìn năm. Bên cạnh đó, khuôn mẫu giới cho rằng nam giới là phái mạnh, là trụ cột gia đình khiến họ ngày càng áp lực, lo lắng chuyện cơm áo, việc làm, thu nhập trong một cuộc sống hiện đại diễn ra quá nhanh, giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.

"Nếu là phụ nữ, khi buồn, đau khổ có thể khóc, than vãn, chia sẻ thì nam giới không được như thế vì được gán cái danh là phái mạnh. Họ không thể chia sẻ, không được khóc, phải luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng trong sâu thẳm tâm hồn có thể cảm thấy rất bối rối, hoang mang, lo sợ, thậm chí cô đơn, đau khổ trong chính căn nhà của mình", bà Hồng phân tích và cho biết, nhiều người đàn ông Việt Nam đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, bị trầm cảm nên thường có xu hướng tìm đến rượu và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Vấn nạn nam giới bạo hành phụ nữ cũng có nguyên nhân một phần từ những áp lực không được giải tỏa này. "Tôi không tin nam giới thích tình trạng bạo lực như vậy. Chắc chắn người đàn ông sau mỗi lần nóng giận sẽ rất đau khổ, ân hận nhưng họ không được học cách làm sao để hóa giải cơn giận dữ của mình. Họ không được dạy cách làm sao thể hiện đúng cảm xúc thực sự của mình, thể hiện tình yêu thương vợ con và người xung quanh. Họ không có cơ hội để hưởng hạnh phúc mà sự bình đẳng mang lại", bà Hồng khẳng định.

Nữ tiến sĩ đòi quyền bình đẳng cho… đàn ông - 4
TS.Hoàng Tú Anh - Chủ tịch Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam (GBVNET).

Đồng quan điểm với TS.Hồng, TS.Hoàng Tú Anh - Chủ tịch Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam (GBVNET) cho biết, qua những nghiên cứu xã hội học cho thấy, nam giới thời nay chất chứa nhiều điều trăn trở, tâm tư nhưng ảnh hưởng định kiến giới khiến nhiều người phải im lặng, không được chia sẻ. Trong quá trình giao thoa văn hóa, điều này "va đập" với những hình mẫu nam giới hiện đại đến từ nhiều quốc gia khác khi họ được bày tỏ cảm xúc, nói ra suy nghĩ trong đầu còn nam giới của chúng ta phải giữ kín trong lòng, gồng mình chịu đựng.

Bà Tú Anh kể, trong lần giao lưu với các bạn sinh viên ở một trường đại học trước đây, có bạn nam hỏi rằng sau này ra trường đi làm mà lương thấp hơn lương bạn gái có sao không? Rõ ràng, ảnh hưởng của những khuôn mẫu, quan điểm truyền thống rằng đã là đàn ông, phải kiếm nhiều tiền hơn phụ nữ khiến các bạn nam giới trẻ bắt đầu biết lo lắng.

"Việc các đấng mày râu vẫn tiếp cận theo những tư tưởng ngày xưa có lẽ không còn ổn nữa bởi vì nó làm cho họ có vẻ cứng rắn đấy nhưng trong lòng chưa chắc đã hạnh phúc, thoải mái và được là chính mình. Hơn nữa, điều ấy có thể làm họ bị mất rất nhiều cơ hội", bà Tú Anh bày tỏ và cho biết, nam giới hiện nay có nhu cầu được chia sẻ, quan tâm, giải tỏa áp lực cuộc sống nên cũng cần phải được giúp đỡ.

Các chuyên gia nhận định, bình đẳng giới mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, cả nam giới và phụ nữ. Nhưng để có được hạnh phúc, tất cả mọi người cùng phải chung tay hành động, không giới nào đứng ở ngoài cuộc. Khi phụ nữ và nam giới cùng gánh vác, chia sẻ từ công việc gia đình đến xã hội, rõ ràng gánh nặng được san sẻ, hạnh phúc nhân đôi.

"Đã đến lúc chúng ta phải dành cho nam giới sự quan tâm mà lẽ ra họ được nhận từ lâu, cần có những sáng kiến để lôi cuốn nam giới cùng làm việc với phụ nữ và các giới khác, cùng thay đổi quan niệm xưa cũ để được bình đẳng, hạnh phúc hơn. Mọi người được là chính mình trong một xã hội khoan dung, chấp nhận sự đa dạng, cân bằng", TS.Khuất Thu Hồng bày tỏ.

Nữ tiến sĩ đòi quyền bình đẳng cho… đàn ông - 5
Diễn đàn Kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMenNet) ra mắt vừa qua là sáng kiến rất cần thiết, kịp thời. Đây là không gian mở kết nối các cá nhân và tổ chức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. Ngoài ra, VNMenNet cũng hướng tới việc kết nối nam giới để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hành động trong các hoạt động chung và vấn đề đang tác động tới nam giới. Bà Gaelle Demolis - Quyền Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đánh giá cao sáng kiến thành lập mạng lưới dành riêng cho nam giới này vì ít có quốc gia nào làm được như vậy.