TS Khuất Thu Hồng:

"Sự im lặng", "bệnh thành tích" tạo đất sống cho bạo hành trẻ em

An Linh

(Dân trí) - Theo TS Khuất Thu Hồng, chính sự im lặng, không tố giác tội phạm bạo hành và "căn bệnh thành tích" của gia đình đã dung túng cho hành vi bạo hành, khiến bạo hành được chấp nhận tồn tại trong xã hội.

Chia sẻ với độc giả Dân trí xung quanh chuyện bảo vệ trẻ em chống nạn bạo hành, xâm hại thân thể, đặc biệt là qua vụ hai trẻ nhỏ tại TPHCM, Hà Nội bị bạo hành tàn độc, tổn hại đến tính mạng vừa xảy ra, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) tỏ ra bức xúc và cho rằng cả xã hội cần lên tiếng chống lại hành vi bạo hành ngay từ khi manh nha.

Phải bảo vệ đời tư, bí mật của trẻ em bị bạo hành

Theo bà Hồng, thực tế hiện nay, các gia đình và cả nạn nhân, rất ngại báo cáo về các vụ bạo hành. Họ sợ những vấn đề riêng tư của gia đình sẽ bị lộ ra bên ngoài.

Sự im lặng, bệnh thành tích tạo đất sống cho bạo hành trẻ em - 1

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS)

Theo bà Hồng, người ta sợ thông tin riêng tư có thể là bị khai thác đưa lên mạng xã hội, kèm theo là những lời đàm tiếu, bình luận, thậm chí có thể là sự kỳ thị. Đặc biệt là những nạn nhân bị xâm hại tình dục, việc công khai thông tin có thể bị ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của họ. Do vậy hầu hết nạn nhân không dám đứng lên đòi công lý.

Để giải quyết tình trạng này, bà Hồng cho rằng, trước hết, phải thay đổi cách truyền thông, phải rất thận trọng. Trước khi những vụ việc đi đến kết luận rõ ràng của cơ quan chức năng, nạn nhân phải được giữ bí mật, từ hình ảnh đến thông tin, để những đàm tiếu hay sự tò mò đối với nạn nhân không xảy ra. Mặt khác, phải thay đổi nhận thức của xã hội, thay vì dị nghị, đàm tiếu nạn nhân, cần lên án kẻ bạo hành.

"Sự im lặng, không muốn phiền phức của mỗi chúng ta đã vô hình khiến cho những đứa trẻ không được hỗ trợ kịp thời, bị tổn thươngnghiêm trọng thể xác, tinh thần thậm chí phải bỏ mạng. Im lặng trước các hành vi bạo hành trẻ em nghĩa là chúng ta đã dung túng việc bạo hành, chấp nhận sống trong xã hội bạo hành", bà Hồng lập luận.

Vì sao cha mẹ làm thinh để con bị người tình bạo hành?

Một nguyên nhân khác, theo TS. Khuất Thu Hồng, việc bạo hành có đất sống là do "bệnh thành tích", khắp nơi vẫn có chuyện thi đua, chạy theo những danh hiệu thôn, xã, địa phương... văn hóa, đã ảnh hưởng đến cách hành xử của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

"Tôi biết là có những cuộc vận động, chương trình khuyến khích các khu dân cư, các gia đình đạt được danh hiệu này, danh hiệu khác mà một trong những tiêu chí đặt ra là không có bạo lực gia đình. Những tiêu chí, những cuộc vận động này có thể khiến những vụ bạo hành bị rơi vào im lặng. Sự im lặng này, vì vậy, có liên quan đến bệnh thành tích. Cần phải thay đổi cả tư duy thành tích này nữa", bà Khuất Thu Hồng khuyến cáo.

Sự im lặng, bệnh thành tích tạo đất sống cho bạo hành trẻ em - 2

Vụ bạo hành cực kỳ nghiêm trọng, làm tổn thương, xâm hại sức khỏe, tính mạng của cháu bé 3 tuổi tại Thạch Thất, Hà Nội đang gây bức xúc dư luận.

Theo Viện trưởng ISDS, bạo hành trẻ em là vấn đề xã hội chứ không phải vấn đề của gia đình, vấn đề riêng tư "sau mỗi cánh cửa, bức tường" nên tất cả mọi người đều có trách nhiệm tham gia, giải quyết dù đấy là người thân, hàng xóm và chính quyền địa phương. Thay đổi từ quan điểm đến hành động của xã hội là cách thiết thực nhất để bảo vệ cho trẻ em.

"Chúng ta không thể tiếp tục im lặng nữa. Chúng ta phải mạnh mẽ hơn trong việc lên tiếng, quan tâm hơn với con trẻ. Tôi muốn nhấn mạnh nhiều lần, bạo hành trẻ em là vấn đề của xã hội chứ không phải vấn đề riêng gia đình nào, nó không phải vấn đề sau những bức tường, cánh cửa. Thông điệp đừng im lặng, như thế, có ý nghĩa để nâng cao giá trị cuộc sống với mỗi đứa trẻ, mỗi con cháu của chính chúng ta", TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Theo bà Hồng, ngoài hai vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng liên tiếp xảy ra những ngày qua, ở TPHCM và Hà Nội có mô-típ rất giống nhau, trẻ bị bạo hành sau khi bố mẹ ly hôn và đều liên quan đến người thứ ba (bố dượng hoặc mẹ kế). 

Vì vậy, theo lý giải của vị chuyên gia này, căn nguyên hành vi phạm tội trong các vụ việc là do cha mẹ hoặc người thứ ba hoàn toàn không nắm được kiến thức, cũng không có ý thức trách nhiệm với trẻ nhỏ. Điều này dẫn đến hành vi vi phạm nghiêm trọng.

Ngoài ra, nữ Viện trưởng ISDS cũng phán đoán, những ông bố/bà mẹ "làm ngơ" cho người tình bạo hành con mình, có thể do họ sống trong mối quan hệ không cân bằng về vị thế. "Họ lệ thuộc, họ sợ người thứ ba sẽ bỏ đi, sợ mối quan hệ của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu lên tiếng phản đối hành vi bạo hành. Cũng có thể, họ quá bận rộn với công việc mưu sinh của mình, không chú ý đến những thay đổi của con, những tổn thương của con nên mới có những câu chuyện đau lòng như vừa rồi", chuyên gia Hồng chia sẻ nỗi day dứt.