Tập trung cao nhất bảo vệ người lao động, quan tâm khu vực phi chính thức

Hoa Lê

(Dân trí) - Trong khuôn khổ chương trình ngày làm việc thứ nhất, chiều 1/12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã chia 10 trung tâm thảo luận đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội.

Chiều 1/12, tại Trung tâm thảo luận số 1, có sự tham gia của ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các đại biểu đã cho ý kiến vào các văn bản văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Trong đó, các đại biểu tập trung vào nội dung đại diện, chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Trao đổi về nội dung các khâu đột phá, bà Tạ Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới khu vực phi chính thức vì hiện nay việc dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức đang diễn ra ngày càng rõ.

Tập trung cao nhất bảo vệ người lao động, quan tâm khu vực phi chính thức - 1

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đại biểu tại trung tâm thảo luận số 1 (Ảnh: Kiều Vũ).

Bà Thanh cũng đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các hình thức trực tiếp, trực tuyến để người lao động hiểu biết về tổ chức công đoàn.

Phân tích về những thuận lợi, khó khăn của hoạt động công đoàn hiện nay, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Công đoàn cấp trên cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, thời gian qua việc tuyên truyền về tổ chức Công đoàn đã được thực hiện bằng những hành động cụ thể.

Ông Minh nhắc lại thời gian đại dịch Covid-19, cán bộ công đoàn từ cấp tổ trưởng, tổ phó tổ công đoàn đến Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đều không quản ngại nguy hiểm để chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Theo ông Minh, tinh thần này được cán bộ Công đoàn trong cả nước phát huy nên tạo được hình ảnh đẹp về tổ chức Công đoàn.

Đánh giá về 3 khâu đột phá đề ra tại đại hội, ông Nguyễn Mạnh Kha, Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam nhìn nhận, đây là những nhiệm vụ chủ yếu của công đoàn, trong đó tập trung cao nhất là nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đây là nhiệm vụ số một và là vấn đề sống còn của tổ chức công đoàn.

Để thực hiện được điều này, yếu tố đầu tiên, Công đoàn Việt Nam phải làm tốt công tác tham mưu, đề xuất các chính sách để hoàn thiện cơ chế, chính sách về pháp luật.

Đây là nền tảng đầu tiên để thực hiện được khâu đột phá này. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này, công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các thiết chế, công trình phúc lợi ở các Khu công nghiệp - Khu chế xuất, để phục vụ, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động tốt hơn nữa.