Ấm áp tình Thầy-trò vùng cao

(Dân trí) - Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, khi lớn lên và trưởng thành, khi được bay thật cao, thật xa trên con đường vào đời, ai cũng có những kỷ niệm khó quên về tình yêu chứa chan của người Thầy, người Cô dành cho mình trong những năm gắn bó với mái trường phổ thông.

Và em cũng vậy, 5 năm xa mái trường phổ thông, xa người thầy kính yêu. Trong ký ức em, không bao giờ quên được, những người thầy, người cô, luôn thao thức đến đêm khuya, miệt mài soạn từng trang giáo án, tìm tòi cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của tri thức để trau dồi cho đàn em yêu thương.

5 năm là khoảng thời gian không lâu, nhưng cũng có thể quên những gì tồn tại trong quá khứ. Nhưng đối với em cho dù có 5 năm, 10 năm, hay suốt cả cuộc đời, sẽ có một điều khắc mãi vào “bia đá” trong tâm hồn em , đó là tình thầy, tình cô, những người hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình, cho tương lai tươi sáng của chúng em.

Em sinh ra từ một vùng quê biên giới. Năm 1998 khi vừa tốt nghiệp tiểu học, em bắt đầu phải xa người mẹ, người cha kính yêu, xa bản làng núi rừng thân thương. Đi bộ 2 ngày đến Trường  Trung học Quang Trung huyện Đông Giang,Quảng Nam, để tiếp tục hành trình tìm dòng chữ cho đời.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nỗi buồn da diết và thiết tha khi phải xa lời ru ngọt ngào của người mẹ, đến một nơi dường như mọi thứ đều xa lạ. Nhưng ở đó em tìm thấy được tình thầy, tình cô luôn động viên, sưởi ấm tim em trong học tập, đó là thầy giáo Trần Văn Lợi, giáo viên dạy văn của trường.

Năm học lớp 10 em may mắn được học lớp của thầy. Vào buổi học đầu tiên,nhìn thầy lật danh sách lớp, để gọi học sinh trả lời bài.Với cái tuổi ngây ngô, run run, của tuổi học trò, mỗi khi thầy gọi, cả lớp ai cũng im lặng trong sự hồi hộp, lắng nghe tiếng gọi tên của thầy.Thế rồi thầy gọi tên em. Sau khi trả lời xong, thầy nhẹ nhàng nói câu em ngồi xuống.

Sau giờ học thầy từ tốn lên bàn em, hỏi han chân tình: Em ở đâu vậy? Em trả lời: em ở vùng biên giới A xan. Thầy thừa biết rằng đó là một vùng xa xôi, cách trở. Rồi thầy hỏi tiếp em ở với ai vậy? em trả lời em ở nhà cậu, mợ.Em may mắn được cậu mợ giúp đỡ, chăm sóc suốt cả những năm học tập ở trường phổ thông. Câu thăm hỏi ân cần của thầy cho em cảm nhận ra rằng, ngoài gia đình em còn có người thầy kính yêu quan tâm ân cần thăm hỏi như những lời ru ngọt ngào của mẹ năm nào.Từ đó tình thầy- trò ngày càng thêm sâu sắc.

Thầy sinh ra và lớn lên tại huyện Phú Ninh cách huyện miền núi Đông Giang hơn 200 cây số.Thầy tốt nghiệp đại học sư phạm, rồi lên nhận công tác tại huyện miền núi Đông Giang.Giữa đại ngàn Trường Sơn ấy, Thầy không ngại khó, không ngại khổ, không sợ gian nan vất vả. Thầy hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình, phải xa người cha, người mẹ kính yêu, lên vùng cao, vùng xa, chở nguồn sáng tri thức đến với những người con rừng núi nơi đây.

Quê em hay bị bão tố và lũ lụt. Mỗi khi cơn mưa bão bùng đến, mọi thứ dường như bị cô lập, chiếc xe cũ kỹ của thầy không thể qua được những con đường núi rừng hiểm trở. Nhưng thầy vẫn lặn lội, đi bộ theo con đường mòn ấy, để đến bục giảng, truyền đạt những tri thức mới mẻ cho chúng em.

Thầy biết rằng, ở vùng núi xa xôi, hẻo lánh đầy rẫy khó khăn và những tập tục lạc hậu, chúng em luôn phải đối diện, cận kề với cảnh bố mẹ bắt bỏ học. Thầy gắng vượt qua từng con suối, đến từng bản làng để động viên gia đình cho chúng em trở lại với mái ấm nhà trường, vì tương lai sáng sủa của chúng em cũng như cả vùng quê hẻo lánh, xa xôi…

Vào mùa đông năm ấy, trời lạnh thấu xương của vùng biên bắt đầu đến, đó cũng là lúc em được may mắn đại diện trường đi thi thuyết trình văn học tại Tỉnh. Hơn một tháng luyện tập, giữa mùa đông lạnh lẽo,thầy luôn cùng em thao thức đến tận khuya để tìm ra điều hay lẽ phải, điều mới mẻ qua mỗi bài văn để trao cho em nguồn tri thức cũng như lòng đam mê văn chương.

Đến ngày đi thi, thầy trò em phải vượt hành trình hơn hơn 200 cây số, trên con đường khúc khuỷu, đồi dốc, chênh vênh để đi đến địa điểm cuộc thi. Dọc đường, giữa rừng núi hoang vu ấy,không may chiếc xe của thầy bị thủng lốp. Hai thầy trò cố gắng đẩy chiếc xe hơn 3 cây số, trên đường đồi dốc, hiểm trở để đến được chỗ sửa xe. Dù tiết trời lạnh lẽo, nhìn lên trán thầy, từng giọt, từng giọt mồ hôi lăn xuống bờ mắt, nhìn chiếc áo trắng thầy vẫn mặc ngày ngày đứng trên mục giảng cũng ướt đầm sống lưng.

Khó khăn không dừng ở đó, suốt hành trình tiếp theo, trên con đường cheo leo ấy, em và thầy lại gặp cơn mưa bão bùng của núi rừng ập đến. Dẫu biết rằng,cơn mưa lạnh lẽo, làm bàn tay thầy run run, nhưng thầy gắng đạp xe vì cuộc thi ngày mai của em.Thương thầy em không biết làm gì, chỉ biết nghĩ rằng ước gì em có thể giúp thầy lái xe suốt hành trình tiếp theo.Dẫu biết rằng thầy rất lạnh, nhưng thầy ân cần khoắc áo ấm của thầy cho em đỡ lạnh.Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng trong ánh mắt thầy hiện lên ý chí, nghị lực của nhà giáo giữa vùng cao xa xôi. Thầy động viên em những lời yêu thương: “Em đừng lo, thầy trò mình sẽ đến với cuộc thi ngày mai”

Sau nhiều tiếng đồng hồ, cuối cùng,cũng đến được nhà thầy.Cảm nhận đầu tiên của em về người mẹ, người cha già kính yêu của thầy hớn hở vui mừng khi gặp lại người con yêu quý, bao năm gắn bó với núi rừng, để mang đến cho biết bao người con nơi đây, những kiến thức vô giá. Khi đêm khuya về , biết rằng thầy rất mệt, nhưng thầy vẫn bên ánh điện, lật từng trang sách, tìm những điều cần thiết để bố sung thêm kiến thức cho em khi bước vào cuộc thi ngày mai.

Sáng hôm sau, đến dự cuộc thi, với hàng trăm cặp mắt đều hướng về em. Em nhìn vào ánh mắt thầy, nhận được sự động viên của thầy làm em cảm nhận như ánh mắt người mẹ , người cha đang cổ vũ em.Bên thầy, em cảm nhận rõ rệt tình cảm yêu thương như bên người mẹ kính yêu ngày nào.Từ đó mọi lo âu cũng tan biến theo.

Đã 5 năm trôi qua là thơi gian em được ngồi trong giảng đường đại hoc, cũng là 5 năm em xa thầy.Mỗi khi được nghỉ hè, nghỉ tết, em ghé thăm thầy, thăm mái trường xưa. Đó cũng là lúc thầy được nghỉ, về thăm cha mẹ kính yêu. Em không gặp được thầy, chỉ nhìn lại chiếc bàn em ngồi khi xưa, được thầy ân cần đến tận nơi thăm hỏi, và em dược nhìn thấy những con đường mòn mà thầy trò mình gắng đẩy xe năm nào.

Em đã xa thầy trong khoảng thời gian dài, chắc giờ này mái tóc thầy cũng bạc theo màu phấn trắng, vì những người con núi rừng nơi đây.Nhưng tình yêu, tình thầy cho chúng em vẫn mãi theo dòng đời xanh mãi đến mai sau.Giờ này mấy cô cậu học trò, định bỏ học năm nào, trở thành giáo viên, công an, bác sĩ… Em cũng như các bạn vẫn nhớ mãi những lời nói của thầy thật thiết tha “quê mình còn nghèo lắm, các em phải đam mê, phải khổ luyện học tập để giúp cho quê hương mình thoát nghèo”.

Tiếc rằng ngày đó em không có nổi một chiếc máy ảnh, để ghi lại những hình ảnh gầy gò của thầy suốt đêm dài  thao thức soạn bài, và trong lúc thầy gắng đẩy xe trên con đường khúc khủyu ấy để đưa em đi dự thi...Nhưng trong ký ức em hình ảnh của thầy vẫn lưu mãi theo thời gian. Cũng thật buồn khi em không thể lấy ra những hình ảnh thật đẹp trong trí nhớ em cho các bạn cùng xem. Thầy à, Thầy xa cha me, xa quê hương, Thầy hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì đàn em nhỏ học sinh vùng cao. Thầy luôn vật lộn với dòng sông hung dữ của khó khăn, để chuyên chở, chèo lái con thuyền đưa chúng em đến bến bờ của thành công. Giờ này hàng trăm cậu học trò đang sắp cặp bến bờ hạnh phúc,chính từ bàn tay chèo lái con đò năm xưa của Thầy.

                                                                    A lăng Tạo
 Kí túc xá Đại học kiến trúc TPHCM

LTS Dân trí- Những Thầy Cô giáo ở vùng cao cũng giống như những người Chiến sĩ đứng trên tuyến đầu của “mặt trận giáo dục” đang diễn ra với muôn vàn gian khó, nhiều khi đòi hỏi sự hy sinh cái vốn quý giá nhất của mình là tuổi thanh xuân để chở “con chữ” lên vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đem ánh sáng văn hóa đến vùng núi rừng xa xôi…

Những Thầy Cô giáo đó đã bám trụ nơi đây, đem hết sức lực và tâm huyết dạy dỗ đàn em nhỏ vùng cao. Vì nghĩa tình cao đẹp đó, nhiều học trò không bao giờ quên được những Thầy Cô giáo của mình. Bài viết trên đây của một học trò vùng cao đang học năm cuối của Trường Đại học kiến trúc TPHCM kể lại câu chuyện cảm động về nghĩa tình sâu nặng Thầy-trò trở thành kỷ niệm sống mãi trong lòng mình cho dù nhiều năm tháng đã trôi qua…