Bàn về hướng phát triển Đại học CNTT ở Việt Nam

Sau khi đọc bài “Tạo điều kiện cho giảng viên trẻ làm việc tốt” của TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, tôi đồng tình với quan điểm của bài báo này và muốn bàn thêm về hướng phát triển ĐH công nghệ thông tin ở nước ta.

Thứ nhất, tôi tán thành quan điểm về chính sách đãi ngộ đối với giảng viên nói chung, trong đó có sự quan tâm thích đáng đối với  giảng viên trẻ của trường Đại học ngoài công lập FPT. Mức thù lao như vậy tuy còn kém xa so với đại học nước ngoài nhưng có thể bảo đảm đời sống trong điều kiện nước ta, giúp cho các giảng viên trẻ có thể yên tâm trong công việc giảng dạy và nghiên cứu mà hiện các trường công lập chưa thực hiện được.

Thứ hai, nhìn về lâu dài, chúng ta cần suy nghĩ xem mô hình đại học FPT chỉ là mô hình đào tạo cho doanh nghiệp phần mềm hay trong tương lai là một hình ảnh của một “MIT danh tiếng trên thế giới http://ocw.mit.edu/” của Việt Nam trong tương lai hay không? Điều này có ý nghĩa quyết định tương lai của nhà trường và cũng là tương lai của đội ngũ giảng viên trẻ hôm nay.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tôi đã đi nhiều nước và nghiên cứu, học tập ở những nước có nền Công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Theo tôi được biết, kinh nghiệm khoa học và giảng dạy IT hay Khoa học máy tính tại các trường đại học danh tiếng đứng đầu đều là các giáo sư, PhD, Msc tốt nghiệp ở các trường ĐH danh tiếng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học và bài báo khoa học nổi tiếng.

Hiểu theo mô hình ứng dụng thực tế, nếu chỉ xét về kỹ năng thực hành dự án phần mềm chỉ 3, 5 hoặc 10 năm cũng chỉ dừng lại là những kỹ sư phần mềm thành thạo ở các dự án phần mềm mô hình nhỏ và vừa. Không có khả năng nghiên cứu chuyên sâu và tiếp cận các hướng công nghệ phần mềm hiện đại, tiên tiến. Tôi thiết nghĩ chúng ta nên phân biệt rõ hai đối tượng nghiên cứu và giảng dạy tại trường đại học:

+ Đối tượng giảng viên có kinh nghiệm phần mềm từ các doanh nghiệp giảng dạy các môn thực hành, tiếp cận các dự án nhỏ và vừa, với mô hình cụ thể; các kỹ năng cần thiết cho sinh viên làm được ngay các dự án, kỹ năng viết phần mềm.

+ Đối tượng giảng viên tốt nghiệp PhD, Msc về CNTT từ các trường nước ngoài dễ tiếp cận các mô hình công nghệ phần mềm mới, mô hình khoa học nghiên cứu chiều sâu, đi sâu vào các hường tiếp cận: Xây dựng qui trình phần mềm tiên tiến, phần mềm nhúng, Trí tuệ nhân tạo và hệ thống thông minh. Chúng ta có thể xem các công trình và bài báo khoa học nghiên cứu của họ thấy được những gì thế giới đang làm và định hướng phát triển về phần mềm. Việc học tập nghiên cứu từ các trường nước ngoài là môi trường tiếp cận mới tốt nhất cho những mô hình đại học như FPT hiện nay.

Như các nước phát triển, các dự án phần mềm lớn thường kết hợp các giáo sư, TS từ các trường ĐH để có được cách đi đúng hướng và tận dụng chất xám nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực chuyên môn của họ. Đối với việc cài đặt dự án viết phần mềm (codding) thì kết hợp với các doanh nghiệp phần mềm là tốt nhất.

Theo tôi nghĩ, những hướng tiếp cận mới mà Đại học FPT nên làm:

+ Đào tạo chương trình đại học bằng tiếng Anh, yêu cầu giảng viên có thể giảng bằng tiếng Anh.

+ Đội ngũ giảng viên đạt trình độ sau đại học ở nước ngoài hoặc được xác nhận chứng chỉ phần mềm có kinh nghiệm tích lũy của chính tập đoàn FPT

+ Hướng tới mô hình đào tạo theo chuẩn quốc tế ( mô hình đào tạo CNTT của Hoa Kỳ ví dụ: MIT, Bakerly University..)

+ Liên kết với các trường Quốc tế để trao đổi thực tập nghiên cứu sinh viên, giảng viên trong trường.

+ Xây dựng hệ thống học liệu /thư viện theo chuẩn quốc tế.

+ 100% giảng viên phải có bài hội thảo / báo quốc tế theo định kỳ hàng năm để bắt buộc các sản phẩm nghiên cứu của họ được công bố trực tiếp ra trường quốc tế

Thực chất, FPT university tận dụng được hai đối tượng giảng viên này thì định hướng tốt cho việc phát triển chiến lược đào tạo của trường. Chúng tôi mong đợi một FPT university không chỉ có ảnh hưởng trong các doanh nghiệp phần mềm trong nước; mà thực chất có uy tín trong nước và các nước khu vực.

Phạm Hai (AIT)

LTS Dân trí - Chúng tôi hoan nghênh ý kiến đóng góp tâm huyết của tác giả viết bài trên đây. Việc tạo điều kiện phát triển tốt cho các giảng viên trẻ không chỉ giới hạn trong chính sách lương bổng và điều kiện làm việc, mà quan trọng hơn là xác định đúng hướng phát triển của trường đại học nước ta trong xu thế hội nhập quốc tế, từ đó giảng viên trẻ thấy rõ hướng phấn đấu và có động lực để vươn lên mạnh mẽ xứng đáng với tầm vóc trong tương lai của trường mình.

Mong rằng ý kiến đóng góp chân thành trên đây được Đại học FPT cũng như các trường đại học khác tham khảo và vận dụng những điều gì thấy thích hợp với ý tưởng xây dựng và điều kiện thực tế của nhà trường.