Cải tiến cách thi ở đại học để hạn chế tiêu cực

Chúng ta đã đổi mới cách thi tuyển vào đại học để bảo đảm tính khách quan, tiếc rằng việc đổi mới đó không được tiếp tục trong quá trình đào tạo cũng như thi tốt nghiệp đại học.

Qui mô các trường Đại học, cao đẳng và số lượng sinh viên không ngừng tăng trong những năm qua. Nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết của bậc học này đã được đặt ra và cần bàn thảo. Quan hệ giữa thầy cô giáo và sinh viên liên quan đến chuyện đề thi và cho điểm cũng được xem là vấn đề “nóng” của Đại học, cao đẳng hiện nay.

Dư luận  từng xôn xao với vụ “gạ tình lấy điểm” của một thầy giáo ở trường Cao đẳng phát thanh truyền hình Trung ương 1. Năm ngoái, bạn đọc cả nước hết sức phẫn nộ về việc sinh viên Trần Xuân Thanh, Trường đại học nông lâm TPHCM đã hành xử bằng cách tạt cả thau a xít vào người thầy giáo Đặng Hữu Dũng, dạy tiếng Anh, cũng vì lý do thi nhiều lần không qua được môn của thầy.Tiếp đến báo chí có loạt  bài  phản ánh việc lộ đề, có chuyện mua bán đề thi tốt nghiệp ở ngành Quản trị kinh doanh Cao đẳng 9, CĐ Nguyễn Tất Thành, TPHCM và vụ một giảng viên của một trường Đại học phía Nam, nhắn tin cho một nhóm sinh viên phải chi đủ số tiền gần chục triệu đồng, mới vượt qua được môn học của thầy...

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Dường như, chuyện cuối mỗi kỳ thi, sinh viên góp tiền đi xin điểm thầy cô đang là hiện tượng khá phổ biến. Và nhiều thầy cô giáo vẫn “vui vẻ” nhận những phong bì như thế... Đây thật sự là hiện tượng đáng xấu hổ, đáng lên án làm cho sự học ở bậc học này bị xuống cấp...

Thực tế cho thấy, bên cạnh số sinh viên chăm học, thực học, nghiêm túc trong thi cử, thì có một bộ phận không ít sinh viên sa sút về đạo đức, lười nhác học tập, thường gạ gẫm thầy cô chốt nội dung, cho biết trước đề khi thi hết học phần, thi tốt nghiệp, năn nỉ, xin xỏ thầy cô cho đủ điểm khi chấm, khi bị thi lại lần hai, lần ba. Khi không đạt được mục đích thì đâm ra oán trách, tìm cách  trả đũa, khủng bố thầy cô giáo bằng đủ hình thức, tin nhắn, viết thư nói xấu, bôi nhọ, cùng thanh niên xấu bên ngoài hăm dọa... Thậm chí, có sinh viên còn biết dùng tiền, “dùng tình” để mua điểm của thầy như hàng hóa ngoài chợ.

Mặt khác, một số thầy giáo quá dễ dãi, thiếu bản lĩnh, tự đánh mất mình. Sẵn sàng làm việc rất thiếu công bằng, cho đề trước một số em có “quan hệ” tốt, khi chấm bài thì nâng cho em này, dìm em kia xuống. Thấy lớp ít “quan tâm” đến mình, có thầy cô xấu tính nổi khùng lên, cho gần cả lớp thi lại, để dạy cho chúng nó biết lễ độ. Thậm chí, có những thầy cô tha hóa, giảm sút đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, sẵn sàng làm cả việc mua- bán đề để trục lợi cho mình. Các biểu hiện, lệch lạc ở một số giảng viên, lại gây nên sự nghi kị lớn trong sinh viên. Thời gian qua, ở nhiều trường đại học xảy ra chuyện xì xèo, kiện tụng rùm beng liên quan việc thầy cô chấm bài, cho điểm.

Sở dĩ, có chuyện ấy, và ngày càng gia tăng, phức tạp thêm, theo chúng tôi, là do các cán bộ quản lý trường đại học, các khoa chưa chú trọng đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá theo hướng bài bản, khoa học, khách quan, chưa lường hết được những tiêu cực đang nảy sinh giữa thầy và trò. Lâu nay, vẫn tồn tại một quy trình “độc quyền”, khép kín: Thầy dạy- Thầy ra đề- Thầy chấm- Thầy lên điểm. Thi hết học phần, hết môn, thi tốt nghiệp... đều thế cả. Tức là mỗi thày, cô đại học, cao đẳng của ta vừa là người đá bóng vừa là người thổi còi. Tốt chưa thấy đâu, chỉ toàn lộ ra những chuyện tiêu cực, ngờ vực, rất nguy hiểm.

Đã đến lúc cách thức tổ chức thi hết học phần ở tất cả các trường đại học cần thay đổi, cải tiến theo hướng khách quan, độc lập ở từng khâu, từng công đoạn. Môn đó, thầy này dạy, nhưng thầy khác ra đề. Việc chỉ định thầy ra đề, chỉ lãnh đạo khoa, trưởng bộ môn biết. Kể cả chấm bài cũng nên để người khác chấm. Không chấm một người nữa, mà mỗi bài của sinh viên, ít nhất phải có hai giảng viên chấm để bảo đảm tính khách quan, chính xác, tin cậy hơn. Cách làm công khai trước sinh viên. Tôn trọng mọi sinh viên. Em nào có thắc mắc, khiếu nại gì về bài thi thì làm đơn phúc khảo, đem bài ra chấm lại công khai trước tập thể, hội đồng. Thầy cô nào chấm không đúng, chấm thiếu, cần điều chỉnh điểm ngay cho sinh viên và có biện pháp chấn chỉnh thầy cô giáo đó. Không bảo thủ, cố chấp, không cố tình “bảo vệ”, lấp liếm cái sai từ phía nội bộ thầy cô mình. Kể cả, các môn học có nhiều học phần, liên tiếp từ năm này qua năm khác, chủ nhiệm khoa, phòng đào tạo cần thay đổi nhiều người dạy, không để một người dạy mãi.

Nhờ vậy, sinh viên được thoải mái về tâm lý hơn, không có ấn tượng chủ quan bị thầy đó chiếu tướng mình. Nếu thầy cô có ý định trù dập, “tiêu diệt” một hay nhiều sinh viên nào đó thì  cũng ít có điều kiện, cơ hội để thực hiện. Chúng tôi thiết nghĩ, các trường đại học, cao đẳng cải tiến, đổi mới được cách thi cử, đánh giá hết học phần, hết môn như đã trình bày ở trên thì sẽ giảm được nhiều tiêu cực, phức tạp trong quan hệ giữa thầy cô và sinh viên vốn âm ỷ từ lâu. Góp phần tạo nên môi trường đại học trong lành, tốt đẹp, tin cậy hơn.

Về cách làm, các trường đại học, cao đẳng cũng nên “học tập” nhiều trường phổ thông. Vì lâu nay, nhiều trường phổ thông đã làm được. Trong phạm vi bài kiểm tra 1 tiết trở lên, cũng đã làm tương tự như thi tốt nghiệp. Giáo viên ra đề không biết là ai, không dạy khối, lớp đó. Tổ chức thi chung cho toàn khối, xếp phòng, đánh số báo danh như kỳ thi quốc gia. Có bộ phận cắt phách,  rồi mới giao cho giáo viên chấm. Lên điểm vào tờ ghi tên ghi điểm, trước khi đưa về lớp. Mục đích quản lí, tổ chức kiểm tra như thế vừa để chống việc giáo viên chạy theo bệnh thành tích, có biểu hiện trù dập, chèn ép học sinh về điểm số, về dạy học thêm ở nhà, vừa tạo nên sự yên tâm, công bằng , khách quan cho mọi học sinh. Nhìn chung, học sinh, phụ huynh rất đồng tình, ủng hộ cách làm như vậy. Do đó, bậc phổ thông ít có chuyện  học sinh, phụ huynh xin xỏ, mặc cả về điểm số.

Như chúng ta đã biết, Thi tuyển sinh vào 10, Thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào cao đẳng, đại học là những kỳ thi được tổ chức, đánh giá một cách bài bản, công bằng, khách quan nhất của giáo dục Việt Nam hiện nay. Ban ra đề và ban phản biện đề trong thời gian làm đề và tổ chức thi, được cách ly hoàn toàn. Đề thi, in, sao đề có tính bảo mật cao, thí sinh và người khác không biết được đề ra cái gì, nội dung như thế nào. Khâu làm phách cũng theo qui trình chặt chẽ, cách ly hoàn toàn. Chấm thi lại tổ chức chấm chéo, chấm hai vòng độc lập nên khó có thể phát hiện ra được bài làm của học sinh  mình hay học sinh người khác. Làm như vậy rất mất thời gian và tốn kém. Nhưng đã là thi cử thì không thể khác được.

So với những kỳ thi như Tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng, thì kỳ thi tốt nghiệp đại học, cao đẳng lâu nay có phần lặng lẽ, riêng biệt, mang tính chất nội bộ nhiều. Nghĩa là, đủ năm, đủ các học phần, các tín chỉ, từng trường tự tổ chức đánh giá đồ án, luận văn hoặc qua thi một số bộ môn để đánh giá, công nhận tốt nghiệp đại học cho sinh viên. Vì là thầy cô giáo trong khoa, trường đánh giá, thuộc dạng người nhà rồi, nên khó đảm bảo tính khách quan, khó biết được thực chất chất lượng đào tạo của từng trường , khoa đó như thế nào. Chúng tôi thiết nghĩ, tổ chức thi, chấm thi tốt nghiệp đại học cũng phải gần giống như thi tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh đại học, cao đẳng vậy.  Tốt hơn, có thể tiến tới, thành lập một hội đồng ra đề thi tốt nghiệp đại học, cao đẳng theo từng cụm, từng khu vực riêng. Đề thi phải đảm bảo tính bảo mật.Việc tổ chức thi cũng hết sức chặt chẽ, nghiêm túc. Bài thi được chấm theo cách tổ chức chấm chéo. Có như thế, mới xây dựng, hình thành ở  sinh viên ý thức học tập, rèn luyện tốt hơn. Đấy cũng là  một tiêu chí quan trọng, đánh giá được chất lượng dạy và học ở từng trường đại học được chính xác , khách quan  và hạn chế được các tiêu cực nảy sinh.

           

Đỗ Tấn Ngọc

            

 

LTS Dân trí - Tình hình chất lượng các kỳ thi trong quá trình học cũng như thi tốt nghiệp của nhiều trường đại học và cao đẳng đúng như bài trên đã phản ánh. Chính vì vậy, nhiều học sinh cho rằng chỉ cần cố gắng học tập để đỗ vào đại học, sau đó thì “xả hơi” vì tin rằng dù sao cũng sẽ tốt nghiệp.

Nhằm bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập cũng như khi tốt nghiệp, một trong những biện pháp quan trọng là tổ chức việc kiểm tra cũng như thi cử sao cho nghiêm túc, bảo đảm tính khách quan. Ý kiến đề xuất việc ra đề thi theo cụm và do giảng viên không dạy trực tiếp chấm thi là một đề xuất đáng được xem xét và nếu thấy thích hợp thì nên áp dụng. Đấy cũng là biện pháp so sánh một cách tự nhiên trình độ học vấn của sinh viên những trường khác nhau, cho biết trường nào bảo đảm chất lượng đào tạo tốt hơn.

Nếu để kéo dài tình trạng thầy dạy, rồi lại ra đề và tự chấm như hiện nay thì thật khó đánh giá một khách quan chất lượng dạy và học trên cơ sở kết quả số điểm.