Cần đề cao trách nhiệm hơn là trông cậy vào “lương tri”

Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của BS. Hòa Minh Tân trong bài viết: "Sữa nhiễm độc: Dấu hỏi về Trách nhiệm và Lương tri" đăng trên Diễn đàn Dân trí.

Trong bài đó, có đoạn viết: "… mới hôm qua, ngày 29/9, Bộ Y tế (BYT) kêu gọi trách nhiệm công dân của các doanh nghiệp, đề nghị họ tự mang mẫu sản phẩm sữa, sản phẩm sử dụng nguyên liệu sữa đi xét nghiệm. Nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước cũng đang trông chờ vào "lương tri" của nhà sản xuất!".

Như vậy chẳng khác nào BYT đang vô tình trang bị cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất,... cái quyền để có thể qua mặt các cơ quan kiểm tra hay sao? Nghĩa là, ví dụ ông A là nhà sản xuất sữa, ông này nhập 5 loại bột sữa nguyên liệu khác nhau (B, C, D, E, F), trong đó có 2 loại bột sữa B & C không đạt, giá rẻ (có nhiễm chất độc Melamine) còn 3 loại bột sữa D, E, F thì đạt yêu cầu. Nhưng cơ quan công quyền lại không kiểm tra giám sát mà để nhà sản xuất tự lấy mẫu đi kiểm tra thì chẳng khác nào “giao trứng cho ác”.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Bởi lẽ, vì lợi nhuận nhà SX muốn mua nguyên liệu giá rẻ để tận thu lợi nhuận, và khi ấy ông A chẳng dại dột gì mà mang chính 2 loại bột sữa B & C để đi kiểm tra mà họ có thể "làm mẫu" mà mẫu thì tất nhiên phải ngon, phải đạt hay đánh tráo bằng cách lấy loại bột sữa tốt (D, E, F) để đi kiểm tra và ghi là của mẫu B, C. Vậy kết quả phân tích nghiễm nhiên sẽ mang tên mẫu của B, C và tất nhiên là kết quả được OK (không có Melamine) và khi các nhà Công quyền đến kiểm tra tại chỗ thì ông A lại mang các giấy tờ này ra để các ông xem là đã được kiểm nghiệm và OK rồi.

Như vậy chẳng khác nào cơ quan có trách nhiệm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm chưa làm tròn trách nhiệm, phó mặc cho nhà SX một cách vô lối để họ nhân danh “lương tri” mà tha hồ gian lận và hậu quả chỉ là người dân phải lãnh đủ những điều rủi ro hay sao?

Chúng tôi nghĩ rằng, muốn kiểm tra Melamine chính xác và để người dân tin tưởng, không thể trông mong vào “lương tri” của người sản xuất mà cơ quan có trách nhiệm dám sát an toàn thực phẩm phải lấy mẫu sữa đang bán trên thị trường một cách ngẫu nhiên để kiểm nghiệm. Nếu một nhà sản xuất nào đó tự đưa mẫu (chỉ một mẫu duy nhất như tôi đọc trên báo) để đưa đi xét nghiệm thì người tiêu dùng không sao tin được vì họ có thể pha lại sữa chuẩn để đối phó, trong khi đó nếu sữa của họ bán trên thị trường có pha sữa bột Trung Quốc vào thì ai biết đấy là đâu ?....

Sự kiểm tra của cơ quan có trách nhiệm cần làm thực sự nghiêm túc vì đây là điều hệ trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người, nhất là trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Nếu để cho trẻ em của chúng ta bị nhiễm Melamine do sự tắc tránh của cơ quan kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thì sự thiệt hại sẽ lớn đến đâu?

Nhân chuyện phản ảnh về việc thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra chất độc Melamine trong sữa, tôi xin nói thêm về tình hình quản lý nhiều loại thực phẩm khác. Tôi đi chợ nhiều lần đã nhìn thấy cái gọi là chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của ta. Những người chịu trách nhiệm về công việc này đi dán tem một loạt từ đầu chợ đến cuối chợ mà không hề kiểm tra kiểm soất gì hết trơn, sau đó quay lại thu tiền dịch vụ "bảo kê".

Nhìn cảnh tượng đó, người dân thật mất lòng tin vào cung cách quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung chứ đâu chỉ là việc quản lý chất lượng sữa có chất Melamine gây sỏi thận.

 Hien Duc - Nguyen Quynh May (TPHCM)


LTS Dân trí - Bài viết trên đây nói lên sự lo lắng của nhân dân trước sự yếu kém và thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có việc quản lý chất lượng mặt hàng sữa, nhất là sữa trẻ em có nhiễm chất melamine gây sỏi thận.

Công việc bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm là một nhiệm vụ hệ trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhất là trẻ em và người cao tuổi. Vì vậy, Bộ Y tế đã có một cục chuyên trách về công việc này gọi là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, còn các cấp chính quyền địa phương và nhiều cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp nhằm ngăn chặn tình trạng làm ăn phi pháp, trục lợi, gây ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tăng cường sự phối hợp với các cấp, các cơ quan có trách nhiệm quản lý thị trường là những biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ sự an toàn thực phẩm cũng là bảo vệ sức khỏe cho người dân.