Cần kiên quyết ngăn chặn bạo lực học đường

(Dân trí) - Thực trạng bạo lực học đường hiện nay là rất đáng báo động. Học sinh đánh nhau bằng tay, bằng chân đã thấy sợ rồi, đặc biệt đánh nhau bằng hung khí mã tấu, dao bấm càng đáng sợ hơn vì tính chất, hậu quả của nó hết sức nguy hiểm, nặng nề.

Thực trạng đáng lo ngại

Mới đây, ngày 26/2 tại Trường THCS Thanh Bình, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, trong lúc cãi cọ với bạn, Văn Bá Phúc (SN 1996, học sinh lớp 9/1) đã dùng dao bấm đâm chết hai bạn. Nạn nhân là Bùi Văn Thắng (SN 1995, học sinh lớp 10 trường PTTH Thủ Khoa Huân); và Nguyễn Công Hậu (sinh năm 1995, học sinh lớp 10 Trung tâm kinh tế hướng nghiệp dạy nghề Tiền Giang).

Từ đầu năm học 2010-2011 đến nay, riêng tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 21 vụ học sinh đánh nhau có sử dụng hung khí, trong đó có 7 vụ nghiêm trọng gây thương vong. Đặc biệt, trong vòng một tháng qua còn liên tiếp diễn ra các vụ học sinh đâm chém, đe dọa thầy cô giáo.

Đó là vụ Vũ Minh Bắc (SN 1993, đã bỏ học) dùng dao đâm chết một HS lớp 9A5 của trường THCS Gia Hiệp; và vụ nhóm HS lớp 9 trường THCS Quang Trung đâm chết một HS lớp 8 trường THCS Tây Sơn. Ngày 30-10-2010, HS Phạm Trọng Phúc (lớp 12B6, trường THPT Bùi Thị Xuân, Đà Lạt) dùng dao đe dọa cô giáo Nguyễn Thị Thanh Kiều trong giờ học... 
Cần kiên quyết ngăn chặn bạo lực học đường   - 1

Hiện tượng bạo lực học đường trong những năm gần đây vẫn liên tiếp xảy ra
(nguồn ảnh: pda.vietbao.vn) Trước đó, ngày 21/10/2010, Công an phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đã bắt được Hoàng Nguyễn Hoài Thương (SN 1994) và Dương Văn Nguyên (SN 1993) cùng là học sinh lớp 11/12, Trường THPT Ngũ Hành. Do có mẫu thuẫn cá nhân trước đó, Thương và Nguyên cùng một nhóm thanh niên mang  theo 2 con dao rượt đuổi chém Trần Phú (lớp 12/4), gây náo loạn cả khu vực xung quanh trường. 

Song song với việc thực hiện nhiều biện pháp giáo dục, rất cần có những biện pháp nghiêm khắc, có sức răn đe hơn. Nên mạnh dạn đuổi học có thời hạn từ một đến nhiều năm đối với học sinh tổ chức và tham gia đánh nhau để làm gương cho học sinh khác.

 

Đây chỉ là những vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây. Trước đó, trên các mặt báo, ở nhiều tỉnh thành phố khác cũng hay xuất hiện  những vụ học sinh đánh nhau có sử dụng hung khí, gây nên những cái chết thương tâm khi tuổi đời nạn nhân còn quá trẻ.   Theo chúng tôi, trong thực tế, số vụ bạo lực học đường có dùng hung khí, gây hậu quả nghiêm trọng còn nhiều nữa. Số liệu báo cáo lên cấp trên và số vụ mà báo chí đã đưa tin chỉ là một phần nổi của tảng băng lớn. Nhiều vụ học sinh đâm chém, gây thương tích, án mạng, nhưng nhà trường  giấu  nhẹm thông tin  hoặc cấp quản lý cố tình bỏ bớt, không báo cáo đầy đủ chính xác lên cấp trên vì sợ mang tiếng, ảnh hưởng đến thi đua, thành tích. Kiên quyết để răn đe

Một số học sinh cá biệt, có máu hung bạo, luôn thể hiện thái độ đàn anh, đàn chị, khi đến trường, lớp thường thủ sẵn dao bấm trong người, trong cặp. Bây giờ, diện học sinh cá biệt mang hung khí tới lớp, gần như trường nào cũng có. Học sinh mang theo hung khí đến lớp với mục đích chính là để tấn công đối phương, mỗi khi xảy ra xô xát, mâu thuẫn, xích mích với nhau, ở trong trường, lớp hoặc trên đường đi học về. Có em dường như không biết run sợ, không nghĩ đến hậu quả, sẵn sàng, cố tình ra tay đâm chém, sát hại đối thủ dù là bạn cùng học.

Mặc dù điều lệ trường phổ thông có qui định nghiêm cấm học sinh đem hung khí đến trường, bản thân nhiều trường có nhắc nhở việc này, nhưng một số học sinh cá biệt vẫn bất chấp tất cả, cứ  lén lút đem theo, mỗi khi xảy ra gây gổ, đánh nhau là lôi ra sử dụng. Biện pháp đầu tiên mà nhà trường cần làm là tăng cường nhắc nhở và thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp học sinh đem hung khí đến trường, lớp. Nhà trường, thầy cô nên có nhiều buổi, đợt phối hợp với công an địa phương, tổ chức  trao đổi, giáo dục, cung cấp kiến thức, hiểu biết pháp luật dành riêng cho những học sinh cá biệt, lỳ lợm, có thói hung bạo trong cả trường.  
Cần kiên quyết ngăn chặn bạo lực học đường   - 2

Cần quản lý chặt và xử lý nghiêm mọi trường hợp học sinh đánh nhau (
ảnh: ngoinhachung.net) Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường đang gia tăng, trong thời gian qua nhiều đơn vị giáo dục, nhiều cuộc hội họp đã đưa ra khá nhiều giải pháp, chủ yếu mang tính giáo dục, nhắc nhở, răn đe... Theo chúng tôi, chỉ có bấy nhiêu thì chưa đủ, còn lâu mới chấn chỉnh được vấn nạn này. Song song với việc thực hiện nhiều biện pháp giáo dục, rất cần có những biện pháp nghiêm khắc, có sức răn đe hơn. Nên mạnh dạn đuổi học có thời hạn từ một đến nhiều năm đối với học sinh tổ chức và tham gia đánh nhau để làm gương cho học sinh khác. Không nên coi đây là giải pháp cuối cùng. Trả về gia đình, địa phương quản lý, cũng là cách rèn luyện, giáo dục học sinh, đừng sợ trả về gia đình các em sẽ hư hỏng hơn. Phải nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình trong giáo dục, dạy dỗ con cái.  

Ngoài ra, diện học sinh cá biệt, hư hỏng quá mức, nhà trường, gia đình đã hết cách, bó tay,  phụ huynh cần kiên quyết gởi con mình đi trại giáo dưỡng một thời gian. Tôi thấy nhiều em đi trại giáo dưỡng về, tiến bộ, ngoan ngoãn hẳn lên, không tái phạm nữa. Tình trạng phụ huynh hoặc nhờ người đến năn nỉ, xin xỏ nhà trường giảm nhẹ hình thức kỷ luật cho con em, hiện nay cũng khá phổ biến. Và nhiều nhà trường, thầy cô giáo, vì tình cảm, lý do này nọ...thường dễ dãi, nể nang, cho qua những trường hợp học sinh sai phạm đáng lý ra phải xử lý kỷ luật thật nặng.

Nếu nhà trường quản lý chặt và xử lý nghiêm mọi trường hợp học sinh đánh nhau, nhất là dùng hung khí thì mới mong tình hình có chuyển biến, khá lên được. Như ở Singapore, học sinh, sinh viên chỉ vi phạm hút thuốc lá trong giờ học là bị đuổi học. Như ở Campuchia, thanh thiếu niên tổ chức đua xe trái phép, ngoài bị phạt tiền, phạt tù, đối tượng vi phạm  còn bị tịch thu phương tiện hoàn toàn, sung vào công quỹ và người làm cha, làm mẹ, nếu là công chức nhà nước thì cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Bao giờ, nhiều việc ở nước mình làm nghiêm như nước họ nhỉ? Chắc chắn sai phạm sẽ giảm, bạo lực học đường sẽ đỡ nhức nhối!
                                                 Thanh Bình
Quảng Ngãi
 
LTS Dân trí - Vấn nạn bạo lực học đường đã được cảnh báo từ lâu và ngành giáo dục đã đề ra những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng này, nhưng cho đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Thậm chí, tình trạng đó còn tiếp tục phát triển và ngày càng phổ biến hơn.

Chúng ta không thể khoanh tay nhìn đạo đức chốn học đường xuống cấp nghiêm trọng tới mức môi trường chuẩn mực của giáo dục trở thành nơi hoành hành của những tên côn đồ mới ở tuổi vị thành niên.

Kiến nghị của tác giả viết bài trên đây là một thầy giáo lâu năm trong nghề là có căn cứ thực tiễn. Nếu đối với những học sinh cá biệt đến mức tự cho phép mình sống ngoài kỷ cương, nội quy của nhà trường và lúc nào cũng thủ sẵn hung khí trong người để ẩu đả và gây ra thương tích nguy hiểm đối với bạn cùng học, thì phải kiên quyết xử lý như đuổi học và kiến nghị cho đi cải tạo ở trại giáo dưỡng. Chỉ có như vậy mới lập lại được kỷ cương và môi trường sư phạm chuẩn mực của nhà trường.