Cần tiếp tục đổi mới chương trình và cách dạy trẻ em

Đọc bài báo "Chương trình và cách dạy trẻ em còn rất nặng nề", tôi lại liên tưởng đến việc học của các con trong trường tiểu học những năm gần đây quả thật vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Là những phụ huynh học sinh, chúng tôi không thể không lo lắng cho việc học tập của các con mình hiện nay. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã chú trọng đến việc cải cách sách giáo khoa và giảm tải chương trình học, nhưng tôi thấy không mấy hiệu quả. Đúng như phụ huynh học sinh trong bài báo trên đã nêu lên tình trạng các con mình đều phải đến nhà cô để học thêm, mặc dù nói là tự nguyện. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là hình thức tránh né quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo.

Tôi không hiểu khi các con bắt đầu vào lớp 1 tại sao lại phải đi học thêm từ trước. Điều đó Bộ GD - ĐT không yêu cầu như vậy nhưng phần lớn giáo viên tiểu học đều dạy các con theo kiểu như các con đã biết chữ rồi khi vào đầu năm học lớp 1, vì thế các con phải đi học trước để kịp các bạn. Tôi thiết nghĩ Bộ đã cải cách và hướng dẫn chương trình dạy và học cho học sinh tiểu học nói riêng và các cấp khác nói chung thì các trường nên tuân thủ đúng qui định và hướng dẫn thực hiện chương trình một cách nghiêm túc để tránh việc dồn ép con trẻ phải đi học trước chương trình lớp 1 (từ lớp mẫu giáo lớn) và phải học các chương trình tiếp theo một cách quá tải, cho nên trẻ em không còn thời gian để vui chơi, giải trí, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đối với các nghề khác như nghề y, khi hành nghề ngoài giờ tại các phòng mạch tư nhân, các bác sỹ phải có giấy phép đăng ký hành nghề. Vậy điều tôi muốn nói là để tránh việc giáo viên mở lớp dạy thêm ngoài giờ gây sức ép cho học sinh  thì các cấp lãnh đạo trong ngành giáo dục nên có cách quản lý chặt chẽ tương tự như ngành y.

Có nơi, nhà trường cho rằng việc học thêm là do phụ huynh yêu cầu thầy cô giáo, điều đó chỉ đúng một phần còn nguyên nhân sâu xa vẫn do không cho con em đi học thêm thì sợ không theo kịp chương trình và sẽ bị thầy cô giáo cho điểm thấp như trường hợp con của phụ huynh trong bài báo nêu trên thường xuyên bị điểm 3, 4 (vì không học trước lớp 1). Đấy là cách học thêm miễn cưỡng, bắt buộc, chứ không phải là tự nguyện.

Theo dõi việc học của con em mình, chúng tôi thấy rằng không những cần đổi mới cách dạy và cách học, mà cần cải tiến nội dung chương trình nhiều hơn nữa để sao cho thiết thực, tinh giản và phù hợp với trình độ nhận thức cũng như tâm lý từng lứa tuổi.

Nhiều phần của chương trình nên truyền tải thông tin đến trẻ em một cách ngắn gọn và dễ hiểu; cũng cần xem xét lại những nội dung không phù hợp với học sinh bậc tiểu học. Ví dụ bạn tôi có con học lớp 5 về nhà hỏi mẹ về vấn đề sinh sản ở người, nó hỏi làm thế nào để tinh trùng của bố lại vào mẹ, gặp trứng và sau đó mẹ có em bé. Bạn tôi không biết giải thích thế nào với con đành trả lời cho qua chuyện nhưng như thế không thoả mãn tính ham hiểu biết của trẻ.

Trẻ em không chỉ là niềm hy vọng của mỗi gia đình mà còn là tương lai của đất nước, chúng tôi thấy có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhà trường để giáo dục con em theo chiều hướng tích cực, đúng liều lượng và thích hợp với tâm lý lứa tuổi. Đừng để trẻ em trở thành “vật thí nghiệm” của những chương trình giáo dục quá nặng nề, không đáp ứng đúng yêu cầu phát triển toàn diện, nhất là ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính hồn nhiên của con trẻ.

Thanh Tam

LTS Dân trí - Vẫn là chuyện học hành của con trẻ đã gây nên sự lo lắng của biết bao phụ huynh học sinh.

Dù không phải nhà giáo dục, nhiều người cũng biết rằng không nên cho con học văn hóa quá sớm (trước tuổi vào lớp1); cần tạo điều kiện cho trẻ em vừa học vừa chơi, được tiếp thu kiến thức một cách thoải mái, có thời gian vui chơi, giải trí, không phải vùi đầu vào sách vở để quên mất sự hồn nhiên của trẻ thơ !

Nhưng hình như chính các nhà giáo dục - những nhà soạn thảo chương trình, sách giáo khoa cũng như các thầy cô giáo - đã dồn ép học sinh vào cái guồng quay không ngưng nghỉ của một nền giáo dục nhồi sọ, phiến diện và không thích hợp với con trẻ.

Mặc dù chương trình và sách giáo khoa đã được chỉnh sửa nhiều lần; cách dạy cũng được lưu tâm tập huấn nhiều đợt, nhưng xem ra hiện trạng giáo dục trẻ em chưa được đổi mới bao nhiêu, cho nên những người làm cha làm mẹ vẫn còn trăn trở khôn nguôi và nhiều người gửi gắm nỗi lòng của mình trên Diễn đàn Dân trí với hy vọng các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục sẽ để mắt tới.