Chương trình và cách dạy trẻ em còn rất nặng nề

Với tư cách là người thầy đang dạy đại học và trường phổ thông, đồng thời là phụ huynh học sinh, tôi rất băn khoăn, day dứt về chương trình giáo dục và cách dạy trẻ em còn rất nặng nề, tạo nên nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Tôi có 2 con, 1 cháu đang học lớp 8, một cháu  mới vào lớp 1. Cháu học lớp 8 phải học hai buổi mỗi ngày. Sáng học chính khóa, chiều học tăng cường, thứ bảy học câu lạc bộ các môn toán, văn, ngoại ngữ. Chưa kể ngày nghỉ còn phải đến nhà cô để học thêm. Tối về cháu phải học bài đến 11h, 12h đêm.

Mặc dù vậy nhưng cháu cũng không thể học hết được các bài tập mà các thầy cô cho. Cháu không có lúc nào để vui chơi, tập luyện thể thao, lúc nào cũng trong tình trạng học, học và học. Tôi nhớ lại ngày xưa mình còn học phổ thông chỉ học một buổi còn một buổi thì ở nhà tự học và  tham gia các hoạt động thể thao.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Người lớn mà học với cường độ cả ngày như vậy rồi tối lại phải thức học đến khuya thì cũng khó mà chịu được lâu dài nói gì đến con trẻ, chúng còn đang “ tuổi ăn tuổi ngủ”. Các cháu học hành vất vả cả năm trời đến khi nghỉ hè cũng chỉ chưa được 1 tháng lại phải chuẩn bị học thêm  hè ở trường và ở nhà cô do trường và các cô phát động.

Cháu thứ hai hiện nay đang học lớp 1. Nhà trường tập trung các cháu từ 15 tháng 7 để học hè trước khi chính thức vào năm học.

Mới đầu học kỳ 1, cô giáo đã đọc chính tả cho cháu  chép (không biết viết, biết đọc sao mà viết chính tả đây?). Mỗi ngày cháu phải viết một trang rèn chữ. Cô giáo không viết trong vở rèn chữ, chỉ viết lên bảng để cháu viết lại chữ mẫu, rồi tối về nhà viết nguyên trang. Vì vậy, mỗi tối chỉ rèn chữ đã mất 2 giờ, làm sao mà học những môn khác như: Tự nhiên xã hội, Tiếng Việt, Tập đọc, Toán, Thủ công, Đạo đức.

Ngày nào cháu cũng bị điểm  thấp nhất lớp (điểm 3, điểm 4 ở môn tập viết và tập đọc). Hỏi ra thì tôi mới biết là các bạn ở lớp cháu đã học thêm ở nhà cô từ tháng 6. Cháu nào học ở nhà cô thì chắc chắn sẽ được vào lớp cô dạy ở trường. Và hiện nay, thứ bảy chủ nhật các bạn cháu lại đến nhà riêng cô để học thêm! Một số ít cháu không đi học trước  thì phải theo các bạn làm các bài tập nâng cao do cô cho về nhà. Vậy là bố mẹ cháu lại xoay ra để hướng dẫn mà có khi là phải làm hộ cháu vì bài cô cho quá khó đối với cháu.

Buổi họp phụ huynh cô giáo thông báo năm nay các con sẽ hoàn thành bài ở lớp, ít cho bài về nhà; ở nhà cha mẹ chỉ cho con luyện đọc, luyện viết tùy ý chứ không bắt buộc. Tuy nhiên, không phải như vậy. Hằng ngày đi học về (mới là tuần thứ 3 của năm học) nhưng tối cháu phải hoàn thành: một bài tập viết ở Vở luyện viết theo mẫu ít nhất là 5 dòng; một số bài tập cô cho gồm: Luyện viết 10 dòng (ví dụ: Bố thả cá mè, bé thả cá cờ); Điền số, điền dấu, làm phép cộng: 3 > ?, 1+3=?, 3… 2, đặt tính rồi tính theo cột dọc, đếm hình... dài nửa trang A4; Đọc bài 10 lần theo phiếu bài đọc cô cho, đọc trước 10 lần bài mới tiếng Việt hôm sau, học thuộc dần Bảng cộng trừ trong phạm vi 10, làm bài ở sách Bài tập tiếng Việt, sách Bài tập Toán…

Tối nào ăn cơm xong 2 mẹ con (và cả sự hỗ trợ của bố cháu ) cũng phải ngồi vào bàn học một mạch, chỉ nghỉ một chút giữa giờ thôi cũng phải đến 22h30 mới tạm hoàn thành bài cô giao. Học cả ngày, tối lại nhồi nhét nốt, lượng viết quá nhiều (trong khi đó ở lớp cháu đã phải viết ở sách tập viết, viết 1 trang vở ôli theo mẫu sẵn), sáng sau lại dậy sớm đi học nên cháu rất uể oải.

Với lượng bài như vậy, thực sự trong thời gian từ khi cháu bắt đầu vào năm học mới, tôi không dám đi đâu (kể cả được phân đi công tác) xa nhà dù chỉ một tối. Vì nếu đi, không có mẹ kèm thì cháu không thể hoàn thành được bài cô giao. Như vậy, lại lo con thiếu bài cô sẽ trách mắng và phần vì sợ con không theo kịp các bạn.

Không hiểu các vị soạn chương trình có hiểu sức học của trẻ và nỗi khổ của các phụ huynh hay không? Phải học chương trình quá nặng, trẻ hầu như quên cả tuổi thơ. Thậm chí, cô giáo còn cắt bớt chương trình như: Thủ công, Đạo đức.... để kịp chương trình bởi nếu học hết tất cả các môn, thì không đủ thời gian

Chúng tôi rất lo lắng  về sức khỏe và thương các cháu phải học tập quá sức mình, không có thời gian  để vui chơi. Kính mong Phó thủ tướng - Bộ trưởng Giáo dục –Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cũng như các vị có trách nhiệm duỵêt chương trình xem xét đến thực trạng mà tôi đã phản ảnh hết sức trung thực để chỉ đạo việc soạn thảo chương trình cũng như đổi mới các dạy và cách học vừa đạt hiệu quả vừa không tốn quá nhiều sức lực của con trẻ. 

Đang Tran Chien

LTS Dân trí - Quan điểm nhất quán của nền giáo dục nước ta là nhằm đạt tới mục tiêu giáo dục toàn diên, giúp các em học sinh phát triển hài hòa nhiều mặt cả đức, trí, thể, mỹ. Chương trình học nặng nề và phiến diện như bài viết trên phản ánh là không đúng với quan điểm dó và rất đáng phê phán.

Dư luận xã hội đã nhiều lần lên tiếng về chương trình học quá tải và cách dạy còn nặng về nhồi nhét, làm cho trẻ em rất mệt mỏi và chán nản; phụ huynh học sinh cũng vất vả theo. Bộ Giáo dục- Đào tạo đã lắng nghe những ý kiến phản ảnh đó và đã chỉnh sửa chương trình. Nhưng rất đáng tiếc cho đến nay, tình trạng đó vẫn chưa khắc phục được về cơ bản.

Tác giả bài viết nói trên có nguyện vọng thiết tha muốn ý kiến phản ảnh của mình được các nhà lãnh đạo giáo dục, đặc biệt là Phó thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân xem xét và có sự chỉ đạo kịp thời đối với tình trạng quá tải của chương trình cũng như cách dạy nhồi nhét và việc dạy thêm còn tồn tại khá phổ biến hiện nay, nhất là phải học văn hóa trước khi vào lớp 1 (trái với quy định của Bộ).