Điều gì nói lên từ kết quả thi tốt nghiệp THPT?

Vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố tỉ lệ đỗ Tốt nghiệp THPT năm nay của cả nước đạt 92,57%, cao hơn năm ngoái khoảng 10%. Có nhiều địa phương, nhiều trường đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao ngất ngưởng đến không ngờ!

Trước năm 2006, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT bao giờ cũng rất cao, trên 90%. Nhưng đến năm 2007, lần đầu thực hiện chủ trương "hai không", cũng là lần đầu có lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ cắm chốt ở tất cả các Hội đồng coi thi, thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước chỉ đạt 66,7 %. Tỉ tệ thấp ấy, không khiến dư luận, nhiều người trong ngành giáo dục bất ngờ, vì nó phản ánh đúng thực chất của chất lượng giáo dục ở bậc THPT. Có thể nói, chưa bao giờ, tâm lý coi thi tốt nghiệp của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý lại nhẹ nhàng, ít trăn trở như năm đó, không chịu bất kỳ một áp lực nào. Kỷ cương, tính nghiêm túc trong kỳ thi được thiết lập trở lại. Những biểu hiện lộn xộn, tiêu cực trong thi cử giảm đáng kể. Nhờ đó, ý thức học tập của học sinh ,trách nhiệm trong giảng dạy của thầy cô giáo có nhiều chuyển biến tích cực. Thầy cô thêm phấn khởi, tin tưởng vào công việc, vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Đùng một cái, năm nay, Bộ GD-ĐT bỏ lực lượng thanh tra cắm chốt. Tuy chưa đến kỳ thi nhưng nhiều người  trong ngành giáo dục đã có suy nghĩ, có cơ sở khi cho rằng kỳ thi năm nay, tính kỷ cương, nghiêm túc trong công tác coi thi sẽ bị xem nhẹ, buông lỏng và kết quả đỗ tốt nghiệp THPT sẽ rất cao. Quả thật đúng như vậy, nhiều hội đồng thi có biểu hiện lộn xộn, dễ dãi trong xử lý sai phạm của thí sinh, sau các buổi thi nơi sân trường, hành lang... trắng, đầy " phao", tài liệu mà các báo chí đã kịp thời phản ánh, ghi lại bằng hình ảnh.

Thế mà, trong 3 ngày thi, cả nước, chỉ có 92 thí sinh và 1 giám thị bị vi phạm qui chế thi và Bộ khẳng định khâu tổ chức coi thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, sai phạm về quy chế thi giảm kỷ lục. Đến chấm thi Tốt nghiệp THPT vừa rồi, nhiều giám khảo phát hiện không ít hiện tượng thí sinh làm bài giống nhau y chang, chỗ sai cũng y chang, dường như môn tự luận nào cũng có. Nếu coi thi nghiêm túc thì liệu có chuyện bài làm, chỗ sai giống nhau hàng loạt ấy không?

Cái gốc của vấn đề ở đây là, ý thức, trách nhiệm thật sự của nhiều cán bộ, giám thị tham gia làm công tác coi thi của các địa phương, khi không có thanh tra Bộ nữa, đã thay đổi, không giữ được thái độ nghiêm túc như 3 năm về trước. Bệnh sính thành tích, thương tình tội nghiệp hoc sinh mình đến mức ngây thơ và bị chi phối bởi các mối quan hệ cá nhân, tình cảm khác như bà con, đồng nghiệp, quan chức...vẫn còn đè nặng, đó là những căn nguyên chính làm cho nhiều hội đồng coi thi thiếu tính nghiêm túc.

Có nhiều thầy cô giáo đi làm giám thi coi thi về rất bức xúc và thất vọng về công tác coi thi năm nay. Nhưng khi thực thi nhiệm vụ, họ lại thiếu bản lĩnh, cương quyết, dễ bị thỏa hiệp trước những sai phạm của thí sinh và đồng nghiệp của mình. Hay nói cách khác, tính kỷ cương, nghiêm túc thật sự trong khâu coi thi, nhiều nơi còn vi phạm.

Nhận thức và tiếng nói chung về ý nghĩa, tầm quan trọng của kỳ thi Tốt nghiệp THPT, từ lãnh đạo Bộ đến Sở, đến thầy cô giáo, vẫn còn là một khoảng cách quá lớn. Nếu cứ để kéo dài tình trạng này thì 20 năm sau, chúng ta vẫn không thể tiến tới một kỳ thi quốc gia “2 trong 1” được.

Nhiều người có suy nghĩ đơn giản, bây giờ cái bằng Tốt nghiệp THPT có giá trị, ý nghĩa gì đâu, cứ để cho các em đỗ hết cho rồi, em nào có khả năng thì thi đại học, em nào không có khả năng thì đi kiếm cái nghề mà học, kiếm cơm ăn. Nghĩ thế, thì thi cử làm chi cho tốn kém, vất vả đủ thứ. Thi cử phải có kẻ đỗ, người hỏng. Mới có động lực và giá trị của sự học.

Tất nhiên, nếu để hỏng quá nhiều, cũng có điều không tốt về mặt xã hội. Nhưng buông lỏng, dễ dãi trong đánh giá, thi cử không đúng thực chất, vì những lý do nào đó mà cho đỗ thật cao, thì càng tai hại vô cùng. Học sinh sẽ chây lười, ỷ lại, không chịu học hành, còn giáo viên thì ít quan tâm và thiếu trách nhiệm với học trò. Nhưng cái tại hại, mất mát lớn hơn cả, theo tôi, đó sự xói mòn về niềm tin của chúng ta đối với giáo dục.

Giáo dục là gốc rễ của sự phát triển, hưng thịnh đất nước. Giáo dục lại không ra gì, sản phẩm đầu ra toàn là thứ "rởm", thứ giả dối, tiêu cực... thì còn đâu tương lai của đất nước này? Cấp trên, cấp quản lý của ngành giáo dục cứ quan liêu, mị dân, ham hố thành tích, nuôi ảo tưởng về những con số đẹp trong thi cử , phỏng được ích gì? Còn thầy cô giáo thường như “thấp cổ, bé họng” ở các cơ sở giáo dục , đành phải vâng lệnh cấp trên, nói sao làm vậy.

Nhiều người khác đưa ra kiến nghị, tình hình thi Tốt nghiệp như thế này thì nên bỏ đi, thay vào đó bằng hình thức xét tốt nghiệp, cho đỡ tốn kém, đỡ những áp lực nặng nề không cần thiết đối với học sinh. Đánh giá người học không phải qua con đường thi cử, căn cứ dựa vào điểm số, tỉ lệ... mà là thực lực, quá trình học tập, hiểu biết của học sinh.

Đúng là ý kiến trên rất hay, nhưng không thể áp dụng được đối với giáo dục Việt Nam. Không thi Tốt nghiệp, chuyển sang xét Tốt nghiệp, theo tôi, là lợi bất cập hại. Nếu xét Tốt nghiệp, thì chắc chắn không có trường , địa phương lại "nỡ lòng" cho học sinh lớp 12 của mình không đủ điều kiện Tốt nghiệp. Thế là, cũng đạt xấp xỉ 100% thôi. Hơn nữa, nếu xét tốt nghiệp, không thi, học sinh  lại càng chây lười và càng sa sút về ý thức học tập, rèn luyện; tư tưởng "có thi, mới học" luôn thường trực trong học sinh. 5 năm qua, bỏ thi Tốt nghiệp THCS, lợi có, nhưng hại không ít, nhiều học sinh cấp 2, lớp 9 có chịu học đâu.

Giáo dục Việt Nam bây giờ, bảo không căn cứ vào điểm số, tỉ lệ, thi cử để đánh giá, phân loại thì biết căn cứ vào đâu để đánh giá, phân loại học sinh. Vì nền giáo dục Việt Nam còn có quá nhiều tồn tại, bất cập, lạc hậu...thì làm sao đánh giá người học bằng thực lực, kiến thức được?

                                        Hữu Tình

                                                (Quảng Ngãi)

 

LTS Dân trí - Thi tốt nghiệp THPT cũng như các kỳ thi nói chung nếu được tổ chức nghiêm túc đều là “thước đo khách quan” để đánh giá đúng trình độ kiến thức của thí sinh cũng như chất lượng giáo dục nói chung. Nhưng nếu không được tổ chức nghiêm túc thì đấy là loại “thước đo” vô giá trị, thậm chí còn dẫn đến nhận định sai lầm và sự lạc quan tếu vốn là “người bạn đồng hành” của “căn bệnh thành tích chủ nghĩa”!

Theo sự đánh giá của nhiều thầy giáo trực tiếp trông thi và chấm thi THPT năm nay tại nhiều địa phương thì kỳ thi vừa qua không còn giữ được tính nghiêm túc như những năm gần đây. Tình trạng quay cóp trở nên phổ biến trong các phòng thi; việc trông thi cũng như chấm thi đều rất “nhẹ tay”, dễ dãi vì không còn sự giám sát gắt gao của Bộ GD-ĐT như những năm trước.      

Chính vì vậy, kết quả thi tốt nghiệp THPT nhiều nơi tăng vọt. Điều đó không phản ánh đúng thực chất trình độ kiến thức của học sinh cũng như chất lượng dạy và học.

Thực tế đáng buồn đó cần nghiêm túc nhìn nhận và rút kinh nghiệm để khắc phục bắt đầu từ nhận thức cho đến các biện pháp  đồng bộ, kiên quyết không để “căn bệnh thành tích” tái phát trở lại trong ngành giáo dục.
 
Ý kiến bạn đọc:

Chính các thầy, cô THPT không hiểu hết tầm ý nghĩa của những kiến thức mình truyền đạt. Khi họ đã như thế, họ sẽ truyền thụ lại một cái không quan trọng cho học sinh.

Tôi đã được nghe rất nhiều câu hỏi thế này: Sau này em thi vào trường đại học thuộc lĩnh vực xã hội thì học toán có ứng dụng gì không ? Tôi trả lời là: Viết văn, em cũng cần phải biết toán ! Liệu câu trả lời của tôi có sai không thưa các thầy, các cô cấp III? Hoặc ngược lại, những em ỷ vào mình thi khối A thì hỏi là học khối C làm gì, sau này có ứng dụng gì không ? Tôi trả lời là, nếu em hiểu được những sự thổn thức của những vần điệu thơ văn, nỗi lòng trong thơ văn ... thì em sẽ hăng say hơn để học toán, để chiếm lĩnh được tất cả khoa học, em sẽ hiểu được vì sao mình lại phải chọn ngành khối A, vào trường này ...

Tôi là một kẻ kiến thức hèn mọn, các vị đừng chê cười tôi trong những câu trả lời trên nhé ! Thưa các vị, người ta lập ra ban C, ban B, ban A ... nhằm đào tạo cho con em chúng ta ý thức hướng nghiệp, hòng phát hiện những khả năng bản thân để cống hiến và học tập cho phù hợp, song điều này đã bị hiểu lầm ở mỗi trường, từ người hiệu trưởng xuống đến từng học sinh!

Bên cạnh đó, tôi cũng không đồng ý lắm với tác giả bài này khi thấy tỉ lệ thi đỗ thấp lại làm cho chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm! Chúng ta chỉ dừng ở đấy thôi ư? Khi tỉ lệ đỗ thấp, chúng ta xác nhận yếu tố tiêu cực chủ quan trong chế độ thi cử đã giảm, song các vị không có một lời nào về chế độ học hành cả !!! Từ sách giáo khoa - chất lượng nội dung của nó, cho đến cách bố trí giảng bài của từ giáo viên. Giảng dạy và phương tiện giảng dạy (cả hai thứ này gọi chung là GD) nó là thành phần chính, nội dung chính để cho ra lò những người có kiến thức theo mức độ nhiệm vụ nó được giao. Thậm chí thi cử có thể có hoặc không có, nếu chi phí nhiều hơn lợi thu về (lợi ở đây là phân loại được và ghép được những người nào vào lĩnh vực nào của xã hội, đào tạo và khai thác họ ).

Theo ý riêng của tôi thì chúng ta nên bố trí nhiều hơn nữa trong các bài giảng, các giáo trình những ứng dụng xuyên ngành, những ứng dụng thực tiễn của mỗi kiến thức được học. Môn hình học lúc đầu được hiểu là môn học đo đạc đất đai của người Ai Cập cổ mà! Và cũng thưa các thầy, các cô, các nhà tư tưởng vĩ đại cũng đã nói về việc: Khoa học ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, chúng ta hiểu điều đó như thế nào? Ngay cả những kiến thức khoa học sơ cấp, phổ thông thì lại càng có những ứng dụng thực tiễn và rộng rãi hơn, phải không nào?!

Khi đi làm kế toán, rất ít người có thể tự vận dụng được các đơn vị đo lường để theo dõi, quản lý một cách dễ dàng ! một kg nước thì = 1lít nước! Chà, thật đơn giản, song nó lại là những phát hiện lớn của những người đứng tuổi đang phải tìm những cách quản lý thích hợp!

Việc bỏ thi, mà chỉ xét tuyển ư ? Thưa quý vị, về những trường mẫu giáo, quý vị hãy xem bảng cờ bé ngoan, phiếu bé ngoan của các bé, ở quê thì ai gần nhà với cô giáo mầm non thì con mình khá nhiều phiếu. Việc này tiếp tục giữ vững khi lên đến cấp tiểu học, lúc này là học sinh tiên tiến, song mở rộng hơn nhiều, tăng tiến hơn nhiều, và cứ thế cho đến cấp 2 thì lạm phát sâu hơn và cấp 3 thì thành siêu lạm phát và kết quả là tỉ lệ thất nghiệp của chúng ta sau đợt siêu lạm phát đó là các em ra khỏi trường.

Phạm Văn Dũng

pham_dung1983@yahoo.com