Đừng để con trẻ bị đánh mất niềm tin

Trong hành trang vào đời của con trẻ, ngoài những yếu tố về nhân cách nói chung, về trí tuệ, về thể chất,.. thì niềm tin là một yếu tố tinh thần rất cơ bản, tạo nên động lực phấn đấu hướng thiện trong suốt cuộc đời

Niềm tin mà chúng ta đang bàn ở đây và mong muốn con trẻ có được là niềm tin có căn cứ khoa học và đậm tính nhân văn, tin vào quy luật khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội, tin ở bản thân mình, tin và đồng cảm với tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của gia đình và cộng đồng, là niềm tin trong sáng và mạnh mẽ, có tính hiện thực...

 

Xét trên cả hai mặt lý trí và tình cảm thì niềm tin là một chuẩn giá trị xã hội có phẩm cấp cao, luôn luôn được trân trọng, được chăm sóc và phát huy. Chúng ta không muốn con em chúng ta phải chấp nhận những thứ “niềm tin” mù quáng, thậm chí là cuồng tín, thứ “niềm tin” viển vông phi thực tế, phiêu lưu duy ý chí, thứ “niềm tin” chỉ hướng vào ngoại lực, nhờ vào lực lượng siêu nhiên, chỉ biết tin vào định mệnh, vào số phận, trông chờ vào may rủi, mà không thấy rõ vai trò của nội lực, của nỗ lực cá nhân... Và theo quan điểm giáo dục tiến bộ thì đây không thể coi là niềm tin.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nếu con trẻ không có được niềm tin tích cực ở dạng thứ nhất thì ắt phải hứng chịu, phải ấp ủ thứ “niềm tin” tiêu cực ở dạng thứ hai, tức là coi như chưa có niềm tin! Điều nguy hại đã và đang xảy ra trong đời sống giáo dục ở cả 3 môi trường (gia đình, xã hội và nhà trường) là hiện tượng con trẻ bị đánh mất niềm tin.
 
Đó là tình huống có nhiều em đang phấn đấu tốt trong học tập và rèn luyện, bỗng bị hẫng hụt vì một biến cố nào đó mà biến thành những đứa trẻ khác hẳn, cuộc sống trở nên vô hồn, mà thực chất là các em đã bị đánh mất niềm tin đẹp đẽ đã có được trước đây rồi; có thể nói đấy là sự từ bỏ lý tưởng, sự chôn vùi hoài bão, sự tiêu tan con đường lập nghiệp, sự sụp đổ thần tượng...

 

Chưa có một nghiên cứu đầy đủ về những hậu quả tai hại nhiều mặt đối với những đứa trẻ bị đánh mất niềm tin. Nhưng cũng có thể khẳng định ngay rằng: “Mất niềm tin là mất tất cả!”, bởi niềm tin vốn luôn có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Chỉ với những quan sát, tìm hiểu trực tiếp thực tế, thì các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ Đoàn, Đội, Hội... cũng có thể thấy rõ những sa sút thật khủng khiếp trong cuộc sống thường ngày của các em này.

 

Hậu quả thường bộc lộ ra dưới hai dạng: Hoặc là, đối tượng không còn động lực để tiếp tục học tập và tu dưỡng, mọi hoạt động dường như trở nên vô thức, như là một đứa trẻ không còn đời sống tinh thần, lầm lì rất tội nghiệp và đương nhiên là kết quả học tập và rèn luyện bị tụt dốc rõ rệt.
 
Hoặc là, đối tượng thay đổi hẳn tính cách, từ một đứa trẻ hiền lành, thân thiện, cởi mở có thể dần trở nên dữ dằn, hung tợn, phá phách, ăn nói bừa bãi, luôn thể hiện một thái độ hằn học kiểu như là hận đời, thù ghét mọi người, không thiết gì nữa, không sợ ai hết và đương nhiên kéo theo đó là sự giảm sút kết quả học tập và rèn luyện, thậm chí đối tượng có thể trở thành học sinh diện cá biệt, thành đứa con hư hỏng, đứa trẻ phạm tội.
 
Hội chứng “suy giảm niềm tin”, “đánh mất niềm tin” không còn là sự cảnh báo, dự báo, mà đã là một thực tế và có chiều hướng phát triển. Tuy các triệu chứng của căn bệnh này chưa gây ra những vụ việc ồn ào với quy mô lớn, làm chấn động mạnh đến đời sống giáo dục và tình hình kinh tế-xã hội, nhưng chúng thực sự đã và đang âm ỉ gậm nhấm dần, hạn chế và phá hoại chất lượng và hiệu quả của giáo dục ở cả 3 môi trường.

 

Trên báo chí, nhất là trên mạng internet, không ngày nào là không có thông tin về những hiện tượng này, như là: chán học rủ nhau bỏ lớp đi chơi, bỏ nhà lang thang và trở thành “bụi đời”, sao nhãng việc học một cách cố ý liên tục, quậy phá trên lớp, hành hung thầy cô giáo; liên kết băng nhóm trộm cướp gây án, tự tử vì chuyện nhà, chuyện học, chuyện tình; trước kỳ thi lại rủ nhau xem bói, xóc quẻ, cúng lễ ở các đền, chùa, miếu… để cầu may và nhờ Thần, Phật phù hộ thay vì nỗ lực ôn tập nghiêm túc.

 

Xã hội coi đây là hiện tượng không bình thường của lớp trẻ, đang trở nên nổi cộm bởi tính chất phản giáo dục và sự phát triển ngày càng nhiều. Vấn đề đặt ra hiện nay ở tầm vĩ mô là rất cần một sự nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện và khoa học về bản chất của hiện tượng này, tìm ra đúng nguyên nhân đích thực và đưa ra các giải pháp có tính phổ quát.
 
Nếu làm được như vậy thì sẽ định hướng cho các giải pháp ở cơ sở, tháo gỡ được những khó khăn, lúng túng cho các nhà trường và các gia đình, sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc khắc phục và hạn chế tối đa hiện tượng con trẻ bị đánh mất niềm tin.

 

Qua một số bài nghiên cứu đã có trước đây về vấn đề này, và qua thực tế tiếp xúc với một số trường hợp các em được nhà trường và gia đình coi là “trẻ bị đánh mất niềm tin”, tôi xin phép nêu lên một số ý kiến đáng lưu ý sau đây để chúng ta cùng trao đổi.

 

Ba nội dung quan trọng nhất của niềm tin đối với lớp trẻ Việt Nam

 

Nội dung của niềm tin thì rất phong phú, nhưng có lẽ đối với lớp trẻ Việt Nam hiện nay thì quan trọng nhất là Niềm tự tin chính đáng, Niềm tin vào tình thương yêu và sự chở che của bố mẹ và gia đình, và Niềm tin vào con đường đi lên của đất nước.

 

1. Niềm tự tin chính đáng, tức là biết tin vào bản thân mình: thể hiện nhận thức đúng đắn về quy luật phát triển biện chứng - nội lực quyết định chất lượng và tốc độ của sự phát triển ở mỗi con người. Niềm tự tin chính đáng đó chính là niềm tin vào con đường mà mình đã chọn để đi theo suốt đời, là niềm tin vào năng lực và ý chí của bản thân trên con đường lập thân lập nghiệp.

 

Niềm tự tin chính đáng luôn đối lập với tư tưởng ỷ lại vào ngoại lực, luôn xung đột với lòng tin mù quáng vào sự cứu giúp của các lực lượng siêu nhiên, vào sự may rủi, luôn đấu tranh với sự phó mặc cho số phận, cho định mệnh, luôn cổ vũ cho sự nỗ lực phấn đấu của bản thân. Thế hệ trẻ bây giờ phải biết phấn đấu bằng sự nỗ lực bản thân, bằng chính năng lực của mình thể hiện ở kết quả học tập, lao động sáng tạo, chứ không thể cứ trông chờ vào sự “bao cấp” của gia đình, và cũng không thể sống và làm việc dựa vào sự mê tín như cha ông xưa vì ít hoặc không được học hành, mọi sự đều “Nhờ Trời”, “Cầu mong Thần, Phật phù hộ”.

 

2. Niềm tin vào tình thương yêu và sự chở che của bố mẹ và gia đình. Đối với người Việt Nam chúng ta thì gia đình luôn là một giá trị bền vững, trường tồn. Đó là môi trường sống rất đặc biệt của con người từ lúc sinh ra cho đến lúc từ giã cuộc đời. Ở đó mỗi người đều được nuôi dưỡng, chăm sóc, nương tựa suốt cả cuộc đời không chỉ bằng vật chất mà còn bằng những giá trị tinh thần phong phú và sâu đậm bản sắc Việt.
 
Ở đó mỗi con người đều được đón nhận, được trao gửi, được ấp ủ một thứ tình cảm đặc biệt mà không nơi nào có được, ngoài gia đình của mình. Ngay từ thời đang là trẻ con, mỗi người Việt Nam chúng ta cũng đã cảm nhận được giá trị đặc biệt thân thiết, thiêng liêng và gắn bó của gia đình. Mỗi khi có chuyện vui hay buồn thì con trẻ lại tìm về gia đình để được chia sẻ, để được an ủi, động viên và giúp đỡ.

 

Do đó niềm tin vào gia đình là một thành tố vô cùng quan trọng tạo nên sức mạnh của nội lực để sống và cống hiến suốt đời đối với mỗi cá nhân, nhất là với người trẻ tuổi (Và quả là một thiệt thòi quá lớn đối với những em nhỏ phải sống trong hoàn cảnh “không gia đình”).

 

Ngày nay, trong bối cảnh mới của đất nước (phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế), con trẻ luôn phải đối mặt với vô vàn thách thức, trong đó có những thách thức mà bản thân nhiều em không thể tự mình vượt qua được, thì gia đình lại càng có vai trò quan trọng, là chỗ dựa tinh thần vững chãi, không gì thay thế được đối với các em.
 
Và chính bản thân các em, trong nhiều tình huống cũng đã tìm được ở gia đình của mình một sự chở che an toàn, một nguồn tư vấn tin cậy và hiệu quả. Đúng là trong bối cảnh xã hội đã có nhiều thay đổi rất căn bản như hiện nay, chúng ta lại càng phải ra sức bảo vệ và đề cao giá trị của gia đình, phải tăng cường chăm sóc và nuôi dưỡng niềm tin vào gia đình cho con trẻ.

 

3. Niềm tin vào con đường đi lên của đất nước đang từng bước thực hiện mục “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là niềm tin khoa học vào con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề xướng và lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám và tiến hành các cuộc kháng chiến hết sức anh dũng và sáng tạo, đem lại thắng lợi vĩ đại mở ra kỷ nguyên mới độc lập, thống nhất nước nhà và ngày nay đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến bước mạnh mẽ trên lộ trình hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nước nhà và từng bước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

Đương nhiên con đường thực hiện mục tiêu ấy là cả một quá trình, có nhiều khó khăn, và trong thời kỳ quá độ (chắc chắn là lâu dài) thì vẫn luôn tồn tại đan xen cả những yếu tố cũ và những mầm mống mới, mà các yếu tố mới của chủ nghĩa xã hội thì phải ngày càng nhiều lên và chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống kinh tê-xã hội.

 

Có được niềm tin to lớn ấy thì các em mới có thể cụ thể hóa và củng cố được niềm tự tin chính đáng của mình và niềm tin vào gia đình mình, trong tiến trình phát triển đi lên cùng đất nước.

 

Những trở ngại lớn cần  khắc phục trong việc tạo dựng, chăm sóc và bảo vệ niềm tin cho con trẻ.

 

Những trở ngại này đang ngày càng bộc lộ rõ do tính chất phức tạp đa chiều của một mô hình kinh tế mới (nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), một thể chế quản lý xã hội mới (nhà nước pháp quyền và xã hội công dân), nhưng lại chưa thực sự định hình và hoàn thiện.

 

Xin thử nêu ra một số trở ngại chủ yếu nhất và dễ thấy nhất, đó là:

 

1. Những nghịch lý của quá trình phát triển: Thực tiễn phát triển đất nước theo mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình hội nhập quốc tế luôn phát sinh nhiều nghịch lý đáng quan tâm, chẳng hạn như: Cứ nói tăng trưởng kinh tế phải đi liền với công bằng xã hội - nhưng thực tế thì ai đó cứ giầu lên rất nhanh chóng còn đa số nông dân và công nhân vẫn cứ nghèo, thậm chí có người còn nghèo hơn trước? Cứ ra sức kêu gọi bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên của đất nước - nhưng thực tế thì lại quá lỏng lẻo trong việc cấp phép và quản lý các đơn vị kinh doanh phá hoại môi trường và tài nguyên (nước ngọt, đất nông nghiệp, các loại khoáng sản, động thực vật quý hiếm,...).

 

Nhà trường và đoàn thể giáo dục các con (em) phải sống trung thực - nhưng xã hội lại dung dưỡng sự gian dối, xảo trá. Nhà trường và đoàn thể giáo dục các con (em) phải tự lực tự cường, đi lên bằng chinh năng lực của mình, đứng vững trên chính đôi chân của mình - nhưng xã hội lại không ít hiện tượng chạy chọt, mua bằng bán chức quyền,v.v…

 

Không ít những câu hỏi đầy lòng trắc ẩn, nhưng rất tâm huyết và chân thực như vậy. Con trẻ của chúng ta đang thực sự bị nhiễu về các chuẩn giá trị xã hội! Và cũng vì các em không thể tìm được những sự lý giải thỏa đáng và có trách nhiệm từ phía người lớn nên có em đã hoang mang, có em đã hoài nghi, dao động,...và có em đã phải thất vọng, đành để mất đi niềm tin đẹp đẽ của mình.

 

2. Hiệu lực giáo dục kém hiệu quả của gia đình và nhà trường: Trước bối cảnh mới của đất nước, chất lượng gia đình cũng đang có những chuyển động đáng lo ngại, chức năng giáo dục của gia đình có xu hướng bị sụt giảm do bị chức năng kinh tế lấn át.
 
Ở nhiều gia đình sự chăm sóc con cái trong học tập và rèn luyện phần thì bị sao nhãng, phần thì bị hạn chế bởi trình độ mọi mặt chưa theo kịp tình hình biến chuyển của xã hội. Ở nhà trường thì việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống,... cho học sinh, sinh viên đang còn ở tình trạng hời hợt, chung chung.
 
Cả nội dung và phương pháp trong mặt giáo dục này đều chưa sát hợp với sự biến đổi của thực tiễn, chưa sát hợp với từng loại đối tượng, chưa dám nhìn thẳng vào sự thật, chưa dám mạnh dạn cho các em cọ xát với thực tiễn. Và vì vậy ở cả hai môi trường đó đều không kiểm soát được tình hình và diễn biến tư tưởng, tình cảm. đạo đức, lối sống,...của các em.

 

3. Sự rối nhiễu của quá nhiều nguồn thông tin: Trong đời sống tinh thần của xã hội ta hiện nay, trong đó nổi lên là các hoạt động thông tin ngày càng mở rộng các loại hình báo chí, nhất là việc phát triển mạng lưới Internet, do đó giúp cho nguồn thông tin phong phú, đa dạng, nhưng nhiều khi thiếu định hướng và quản lý còn lỏng lẻo, nhất là chưa có biện pháp quản lý để ngăn chặn những nguồn thông tin sai lệch và độc hại được phát tán trên Internet, điều đó đã ảnh hưởng lớn đến nhận thức và lối sống của tuổi trẻ.

 

Trước những khó khăn và  trở ngại nêu ở trên, một câu hỏi lớn đặt ra cho toàn xã hội là làm thế nào để giúp con em chúng ta xác định đúng niềm tin trong cuộc sống, phát huy được ý chí và nghị lực của tuổi trẻ để thực hiện ước mơ hoài bão của mình, xứng đáng với thế hệ tương lai của nước Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa có vị thế xứng đáng trong khu vực và thế giới.

                                                                               

       Huyền Chi
Hội Cựu giáo chức tỉnh Thanh Hóa

 

LTS Dân trí - Tuổi trẻ là lúc con người phát triển nhanh cả về thể lực và trí tuệ, cho nên thường có nhiều ước mơ, hoài bão và tin vào tương lai tốt đẹp của cuộc sống. Chính niềm tin đó là động lực quan trọng giúp các em phấn đấu, vượt qua những khó khăn trở ngại để từng bước thực hiện ước mơ hoài bão của mình. Đáng tiếc là trong xã hội ta ngày nay, có một bộ phận đáng kể trong lớp trẻ đã tự đánh mất niềm tin, sống không có mục đích và không có ý chí phấn đấu, dễ sa chân vào con đường tha hóa và tội lỗi.

 

Tác giả bài viết trên đây nêu lên một vấn đề rất đáng quan tâm về niềm tin của lớp trẻ và đề xuất những ý kiến để mọi người cùng nghiên cứu, trao đổi về nguyên nhân sâu xa của tình trạng đó nhằm tìm ra biện pháp giáo dục có hiệu quả của gia đình cũng như nhà trường và xã hội giúp cho lớp trẻ xác định rõ mục đích và niềm tin trong cuộc sống.

 

Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận về chủ đề đáng quan tâm này.