Giáo viên cũng buồn lòng vì các khoản thu “tự nguyện”

Hiện nay, dư luận đang bất bình về các khoản thu “tự nguyện” của các trường ép buộc học sinh phải nộp ngoài các khoản thu quy định. Tuy nhiên, không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng phải nộp các khoản thu “tự nguyện”.

“Tự nguyện” mà phân bổ trước chỉ tiêu ? 

Ủng hộ ít nhất một ngày lương cho các cuộc vận động xây dựng các loại quỹ xã hội từ thiện để góp phần khắc phục những thiên tai đột xuất là một sáng kiến đáng hoan nghênh, nhưng trên thực tế ý tưởng tự nguyện này đang bi bóp méo bởi việc làm mang tính chất áp đặt, phân bổ trước chỉ tiêu và “năm sau cao hơn năm trước”.…Có những cuộc vận động trên phạm vi toàn quốc, toàn ngành và có những cuộc vận động ở cấp độ địa phương. 

Chúng tôi không phản đối các cuộc vận động có ý nghĩa nhân văn cũng như ý tưởng công chức ủng hộ một ngày lương cho các loại quỹ xã hội từ thiện. Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn là nguyên tắc cơ bản của các cuộc vận động là tự nguyện thì hầu như không được những người phát động, tổ chức quan tâm. Mang tiếng là cuộc vận động tự nguyện, nhưng các ban tổ chức đã giao chỉ tiêu cho các các đơn vị, có nơi ban tổ chức căn cứ vào bảng lương của công chức trong đơn vị, tính toán rồi gửi con số chỉ tiêu cho các trường.  

Thế là các trường buộc phải trừ một vài ngày lương của tất cả cán bộ công chức để nộp lên cấp trên cho “đủ chỉ tiêu”, nhiều khi không kịp (hay không cần) thông báo cho GV. Khi GV nhận lương thấy thiếu một số ngày lương hỏi ra mới biết là mình đã vinh dự tham gia ủng hộ một số cuộc vận động nào đấy. Nhiều GV bức xúc: “Làm vậy là thu thuế chứ không phải vận động góp quỹ”. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Một điều rất lạ là hầu hết các trường đều thu đạt “chỉ tiêu” 100% răm rắp, không hề thiếu, và cũng không vượt chỉ tiêu một đồng nào. Giả sử có người muốn ủng hộ nhiều hơn thì ban tổ chức cũng không quan tâm. 

Phải công nhận rằng một số địa phương và ngành giáo dục của địa phương ấy rất “sáng tạo” trong các cuộc vận động, họ luôn nghĩ ra nhiều phương án để phát động phong trào ủng hộ và hướng tới mục tiêu “một ngày lương”. Có địa phương tổ chức những cuộc vận động như xây dựng quỹ hội cựu giáo chức, xóa nhà tranh tre dột nát, xây dựng giao thông nông thôn…Có địa phương phát động mỗi GV ủng hộ 2 ngày lương để…xây khách sạn Công đoàn ( nhằm mục đích kinh doanh), nhưng sau bị phản đối nhiều quá nên thôi. Có khi trong dịp hè, GV bị trừ đến 5 ngày lương, kết quả của sự “sáng tạo” của các ban tổ chức. 

Sau khi có phong trào phát huy “Quy chế dân chủ cơ sở” và nhiều ý kiến phản đối, các đơn vị đã đổi mới hơn bằng cách trước khi trừ lương có thông báo cho GV (dán công văn giao chỉ tiêu của cấp trên lên bảng tin), còn mọi việc vẫn cứ tiến hành…như cũ. Vì chỉ tiêu “một ngày lương” đã được các ban tổ chức tính toán gắt gao, nên nhà trường buộc lòng phải trừ lương tất cả GV, không thể miễn trừ cho một trường hợp nào. Vậy là ngoài các GV bình thường thì các GV có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, gặp rủi ro, hoạn nạn, mới ra trường, neo đơn…đều phải nhất loạt bấm bụng “ủng hộ”! 

Khi chúng tôi trao đổi với một GV là Chủ tịch công đoàn trường THPT sao không miễn giảm việc trừ một ngày lương cho một số GV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì được trả lời: chỉ tiêu đã giao cụ thể cho tất cả các GV, không thấy có quy định miễn giảm nên buộc phải làm thế! 

Việc trừ lương như thế đã trở thành lệ, đa số GV tuy không đồng tình nhưng không biết phản đối ra sao, một số sợ mang tiếng là chống đối cấp trên nên không dám lên tiếng, vì vậy, đành chấp nhận “nộp cho qua chuyện” và sự thể cứ kéo dài. Thậm chí có trường còn xem việc “ủng hộ” như trên là một tiêu chí thi đua, một GV có con nhỏ bị ốm không tham gia nên bị xét hạ bậc thi đua, đến nỗi GV này phải nhờ ý kiến can thiệp của báo chí. Nhiều địa phương luôn có một thành tích ấn tượng về việc huy động các loại quỹ xã hội từ thiện trong các bản báo cáo, cuối năm cán bộ công đoàn các trường đều được nhận bằng khen, nhưng thực chất quá trình huy động ra sao thì không ai biết (và có lẽ cũng không cần biết).   

Ngay cả việc công khai số tiền thu được chi vào những việc gì, với các con số cụ thể như thế nào cũng không được quan tâm thực hiện. Đáng nói là đa số GV không tin rằng những đồng tiền công sức của mình đã đến đúng “địa chỉ”, vì vậy, việc đóng góp càng trở nên gượng gạo, hình thức. 

Một số nhà tổ chức các cuộc vận động kiểu như trên biện hộ rằng, làm như vậy là một “giải pháp tình thế” để huy động nguồn vốn nhằm phục vụ cho các mục đích nhân đạo từ thiện. Đó chẳng qua là ngụy biện, bởi vì không thể lấy mục đích để biện hộ cho cách làm áp đặt, vi phạm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, thậm chí là phạm pháp.

Trước thực trạng các địa phương, các ngành tự tiện đặt ra nhiều khoản phí trái quy định hoặc tổ chức xây dựng các loại quỹ xã hội từ thiện trái với nguyên tắc tự nguyện, ngày 1 tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chị thị số 24/2007/CT-TTg “Tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân”. Chỉ thị nêu rõ:  

“Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng. 

Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp dưới rà soát, bãi bỏ ngay các văn bản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định trước đây”. 

Như vậy là để thực hiện những mục đích của mình, thậm chí là để lấy thành tích, nhiều địa phương, ngành đã “hồn nhiên” làm trái với Chỉ thị của Thủ tướng, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của “Quy chế dân chủ cơ sở”. 

Quản lý các loại quỹ xã hội từ thiện

Một trong những lý do khiến GV không đồng tình với phương án “một ngày lương” là vì không thực sự tin đồng tiền mồ hôi, công sức của mình có đến “đúng địa chỉ” hay không. Hầu như năm nào cũng có những dư luận về việc “xà xẻo” tiền cứu trợ, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như ở Hương Sơn, Hà Tĩnh năm 2002 khiến dư luận phẫn nộ. Hành vi này gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, nguy hại nhất là xói mòn, “ăn cắp” niềm tin của người dân vào các cuộc vận động từ thiện và những người chịu trách nhiệm tổ chức, phân phối các loại hàng hóa, quỹ từ thiện. Vì vậy, cần thiết có ngay những giải pháp mạnh mẽ để khắc phục. 

Về việc tổ chức huy động các loại quỹ xã hội từ thiện cần triệt để tuân thủ nguyên tắc tự nguyện. Việc này tưởng chừng như không còn gì để bàn nhưng vẫn chưa được tuân thủ một cách nghiêm túc. Về nguyên tắc, ngân sách nhà nước đã đảm bảo những khoản chi dùng thiết yếu cho xã hội, các loại quỹ xã hội từ thiện chỉ có vai trò hỗ trợ, vì thế, không thể dùng các biện pháp vi phạm nguyên tắc tự nguyện để huy động quỹ. Mặt khác, việc làm từ thiện chỉ thực sự có ý nghĩa khi xuất phát từ cái tâm, từ thái độ chân thành, từ ý thức muốn chia sẻ thực sự, còn nếu ép buộc thì hành vi từ thiện trở nên vô nghĩa, góp phần cổ vũ cho sự dối trá đang rất phổ biến trong xã hội, thậm chí sẽ phản tác dụng, gây ra sự vô cảm cho người dân. 

Mà thực ra, việc ép buộc huy động theo kiểu “một ngày lương” như thế không thu được nhiều tiền, chẳng qua chỉ là một kiểu biến tướng của “bệnh thành tích” mà thôi, thậm chí còn là một nguyên nhân khiến cho cuộc sống của một bộ phận công chức nghèo thêm khó khăn. Vì vậy, đây không thể là “kế lâu dài” được. Chúng ta có một nguồn tiền rất dồi dào, nếu không nói là vô tận từ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, từ sự tăng trưởng kinh tế. 

Có một cuộc hội nghị công đoàn cấp tỉnh ở một địa phương đã tiết kiệm chi tiêu được mấy trăm triệu đồng, đủ để xây dựng một trường tiểu học. Một lễ kỉ niệm của thành phố nọ thay đổi kế hoạch từ sân khấu ngoài trời sang kỉ niệm trong hội trường đã tiết kiệm được 7 tỉ đồng, có một công ty ở Đồng Nai chi “tiếp khách” mỗi ngày hàng chục triệu đồng, sự lãng phí trong các dự án kém hiệu quả, sự thất thoát trong các vụ án tham nhũng đã lên đến những con số rất lớn, ngay cả chiếc ghế ngồi của một vị chủ tịch huyện cũng đáng giá hai chục triệu đồng…Những thông tin kiểu như vậy xuất hiện rất nhiều trên các phương tịn thông tin đại chúng, thậm chí đó chỉ là “phần nổi của tảng băng”.  

Nếu công cuộc chống tham nhũng, lãng phí được tiến hành hiệu quả sẽ tạo đà vững chắc cho kinh tế phát triển, và khi ấy tỷ lệ ngân sách cho phúc lợi xã hội sẽ được nâng lên, nhiều vấn đề an sinh xã hội sẽ được giải quyết. Đời sống người dân được cải thiện, điều kiện và khả năng để làm từ thiện cũng lớn hơn.

Về việc phân phối, chi tiêu các loại quỹ xã hội từ thiện phải đảm bảo nguyên tắc công khai, công bằng, triệt để chống các biểu hiện xà xẻo, không minh bạch. Nhiều ý kiến đề nghị lập các trang web chuyên về hoạt động từ thiện, trong đó có chuyên mục báo cáo chi tiết các khoản tiền, các loại hàng hóa đã được phân phối đến tận tay người dân, đã giúp họ đỡ khó khăn như thế nào. Có ý kiến đề xuất cần huy động người dân tham gia vào các hoạt động cứu trợ và phân phối tiền, hàng cứu trợ. 

Một khi người dân đã tin tưởng, với truyền thống yêu nước và nhân ái sẵn có, chúng tôi tin rằng các hoạt động xã hội từ thiện sẽ có những bước tiến mới và đạt được nhiều thành tựu. 

Trọng Nghĩa (Hà Tĩnh)

LTS Dân trí - Đóng góp tự nguyện để giúp đồng bào lúc gặp hoạn nạn theo đạo lý truyền thống “lá lành đùm lá rách” là một ý tưởng tốt đẹp nên phát huy đúng đối tượng, đúng lúc và đúng chỗ.

Nhưng nếu tinh thần tự nguyện bị lạm dụng, bị “bóp méo” cho những mục đích thiếu minh bạch, vì động cơ thiếu trong sáng và bằng cách làm áp đặt, phân bổ chỉ tiêu theo đầu người thì rõ ràng mất hết ý nghĩa giáo dục và không đem lại hiệu quả mong muốn .

Đặc biệt là môi trường giáo dục, chúng ta càng cần quan tâm đến điều đó, tránh để xảy ra tình trạng như bài báo trên phản ảnh và phê phán.