Hành trình 13 năm xin cấp sổ đỏ của cụ ông 81 tuổi:

Hành trình 13 năm xin cấp sổ đỏ của cụ ông 81 tuổi và trò chơi “bóng chuyền” của quận Tân Bình

(Dân trí) - Để lấy mặt bằng xây dựng, Bưu điện TPHCM cấp cho hộ ông Tính lô đất ở quận Tân Bình. Tuy nhiên, 23 năm qua, vợ chồng ông mòn mỏi đợi chờ vẫn không có đất xây nhà. Cụ bà mất, cụ ông 81 tuổi đơn độc trên hành trình đi xin cấp sổ đỏ.

Mỏi mòn chờ đợi

Mới đây, gia đình ông Nguyễn Sỹ Tính (ngụ tại 178/16 Cô Giang, Quận 1, TPHCM) lại tiếp tục gửi đơn khẩn cấp đến các cơ quan nhà nước có liên quan đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho lô đất số 18, khu C30 (270B, nay là 302 Lý Thường Kiệt, P.6, Q.Tân Bình, TPHCM).

Trong đơn thư, ông Tính bày tỏ sự buồn phiền và thất vọng trước sự chậm trễ và cách giải quyết vòng lòng của các cơ quan chức năng Nhà nước trong việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông dù sự việc bắt nguồn từ câu chuyện khiếu kiện tồn đọng kéo dài suốt 23 năm qua.

Gia đình ông Tính đã 23 năm mòn mỏi đợi chờ được cấp đất để ổn định chỗ ở nhưng vẫn chưa có hồi kết
Gia đình ông Tính đã 23 năm mòn mỏi đợi chờ được cấp đất để ổn định chỗ ở nhưng vẫn chưa có hồi kết

Như Dân trí từng phản ánh ở nhiều kỳ trước, vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Tính và bà Đinh Thị Ninh từng là cựu Cán bộ Bưu Điện TPHCM. Năm 1991, Bưu điện TPHCM cùng chính quyền đã thu hồi toàn bộ nhà và đất trên 300m2 tại Bưu điện Tân Định (số 230 đường Hai Bà Trưng, Quận 1) mà gia đình ông đã được phân ở từ sau giải phóng thay vì được hóa giá mua nhà Nhà nước như bao trường hợp khác. Ròng rã 10 năm khiếu kiện, năm 2001, gia đình ông được Bưu điện TPHCM cấp cho mảnh đất 80m2 tại khu C30 270B (nay là 302) Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình cùng đợt cấp với 17 cán bộ bưu điện khác coi như một phần bù đắp cho sự thiệt thòi trên.

Tuy nhiên đến tận hôm nay, gia đình các cán bộ bên cạnh đã xây dựng khang trang, có GCNQSDĐ và ở ổn định thì gia đình ông Tính vẫn chưa nhận đủ diện tích đất, chưa được cấp GCNQSDĐ, chưa được xây dựng… Nguyên nhân do phía sau lô đất của gia đình ông Tính còn chồng ranh gần 30m2 với ngôi nhà khác.

Suốt thời gian đó, gia đình ông Tính liên tục đề nghị Bưu điện TPHCM giải tỏa và giao đủ đất cho gia đình nhưng với nhiều lý do cùng sự thay đổi quản lý nhà nước… nên Bưu điện TP chưa thể giải tỏa nốt phần chồng ranh để bàn giao đủ diện tích cho gia đình ông Tính theo quy hoạch.

Năm 2007, do buồn phiền lâu ngày, vợ ông là bà Đinh Thị Ninh bị tai biến nằm liệt giường điều trị suốt 6 năm rồi qua đời vào đầu năm 2013. 

UBND quận Tân Bình trả lời gia đình ông Tính là phải chờ ý kiến của Bưu điện TPHCM. 
UBND quận Tân Bình trả lời gia đình ông Tính là phải chờ ý kiến của Bưu điện TPHCM. 
Ngay lập tức, Bưu điện TPHCM đã có văn bản phúc đáp rằng thẩm quyền cấp đất thuộc UBND quận

Ngày 30/5/2013, Bưu điện TPHCM; Viễn thông TP; đại diện Tập đoàn VNPT tại TPHCM cùng gia đình ông Tính tổ chức họp để giải quyết về mảnh đất tại khu C30. Cuộc họp đi đến thống nhất giải quyết sự việc trên cơ sở Luật Đất đai hiện hành. Do đó, các bên liên quan đề nghị gia đình ông Tính liên hệ UBND quận Tân Bình xin cấp GCNQSDĐ theo Luật Đất đai năm 2003 và nhiều Nghị định hướng dẫn thi hành. Chiếu theo nội dung cuộc họp, ngày 5/6/2013 gia đình ông Tính đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với phần diện tích đất không chồng ranh trên 50m2. Phần đất “thâm hụt” trong tổng số 80m2 sẽ tiếp tục đợi giải tỏa theo quy hoạch chung sau.

Tuy nhiên đến nay đã hơn 1 năm, gia đình cụ ông 81 tuổi này vẫn chưa được UBND quận Tân Bình cấp GCNQSDĐ. Hơn 1 năm qua, lấy lý do cần phải hỏi ý kiến của các cơ quan chức năng như: UBND TPHCM, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Bưu điện TP… nên UBND quận Tân Bình quá chậm trễ trong việc cấp GCNQSDĐ cho ông Tính.

Các cơ quan chức năng mà UBND quận Tân Bình tham khảo và cả những cơ quan liên quan như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Văn phòng Tiếp Công dân TPHCM… đều cho rằng thẩm quyền cấp GCNQSDĐ trong trường hợp này thuộc về UBND quận Tân Bình. Chiếu theo Nghị định 88/2009; Điều 105, Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 thì thẩm quyền cấp GCNQSDĐ cho cá nhân hộ gia đình thuộc về UBND cấp quận, huyện.

Trò chơi “bóng chuyền” của quận

Sau nhiều lần khiếu nại, mới đây, ngày 3/7/2014, UBND quận Tân Bình đã có văn bản số 624 trả lời gia đình ông Tính về việc chậm cấp GCNQSDĐ là do cần có ý kiến của Bưu điện TPHCM.

Trong văn bản, ông Đinh Khắc Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho rằng, do hiện Bưu điện TPHCM chưa thực hiện thủ tục để UBND TP giao đất, chưa có ý kiến của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông về công tác đền bù giải tỏa. Mặt khác, UBND quận Tân Bình cũng chưa nhận bàn giao lô A3 (trong đó có lô 18 của gia đình ông Tính – PV) theo chỉ đạo của UBND TP nên không thuộc thẩm quyền của quận để giao đất trong trường hợp này.

Giờ đây, lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho biết phải chờ thêm ý kiến của UBND TPHCM
Giờ đây, lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho biết phải chờ thêm ý kiến của UBND TPHCM

Ngày 14/7/2014, Bưu điện TPHCM đã có văn bản số 2834/BĐHCM-ĐT trả lời UBND quận Tân Bình. Trong văn bản ghi rõ: “Quan điểm của Bưu điện TP thống nhất với ý kiến của Văn phòng Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là lô đất dự kiến cấp cho bà Đinh Thị Ninh thuộc quy hoạch đất ở theo quy hoạch 1/2000. Do đó, đề nghị UBND quận Tân Bình xem xét, đề xuất giải quyết cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Sỹ Tính phần diện tích không có tranh chấp (khoảng 50m2) để giải quyết cho gia đình ông hiện đang trong hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở”.

Các cơ quan hữu quan đều trả lời về thẩm quyền thuộc UBND quận Tân Bình, thế nhưng, không hiểu vì sao chính quyền quận này tiếp tục “ngâm” hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của hộ ông Tính.

“Vẫn biết rằng các thủ tục pháp lý nếu chưa thấy rõ ràng hoặc còn điều gì thắc mắc thì UBND quận Tân Bình có thể hỏi các cơ quan liên quan. Đây là trách nhiệm nội bộ của các cơ quan nhà nước với nhau, không được quá chậm trễ ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Điều gia đình ông Tính không đồng ý là UBND quận Tân Bình để sự việc diễn ra quá lâu trong khi quy định pháp luật mới nhất về đất đai là cấp GCNQSDĐ quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất trong vòng 30 ngày”, ông Tính bức xúc.

PV Dân trí đã đến UBND quận Tân Bình để tìm câu trả lời thỏa đáng về sự chậm trễ này. Theo cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ của ông Tính thì hiện nay Bưu điện TP chưa giao đất cho thành phố. Khi nào bưu điện giao đất cho thành phố thì theo quy trình, thành phố giao đất về cho quận, khi đó, quận mới làm thủ tục cấp đất cho hộ cá nhân.

Như vậy, hành trình 10 năm đi đòi mảnh đất đã được cấp và thêm 13 năm xin được chính quyền cấp GCNQSDĐ của cụ ông ở tuổi “gần đất xa trời” vẫn đang bị UBND quận Tân Bình chơi “bóng chuyền”.

Mới đây, ngày 15/7, UBND TPHCM đã có Chỉ thị số 16 về việc thúc đẩy thi hành Luật Đất đai 2013. Theo điểm b, khoản 4, mục 2, Chỉ thị 16, UBND quận, huyện có trách nhiệm đẩy nhanh việc cấp GCNQSDĐ cho những trường hợp đủ điều kiện; thống kê các trường hợp vướng mắc pháp lý chưa được cấp GCNQSDĐ trước ngày 1/7/2014 nhằm phục vụ cho công tác cấp sổ đỏ, giải quyết khiếu nại, tranh chấp và các quan hệ đất đai khác theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Công Quang