Không chỉ những con đường không rác

(Dân trí) - Năm 2008 là năm TPHCM thực hiện chủ đề "Năm xây dựng nếp sống văn minh đô thị". Nhưng ngoài những câu khẩu hiệu suông và những cuộc họp đâu đó, đô thị vẫn mang gương mặt cũ.

Nói ra thật khó ai tin, đã gần hết hai tháng của năm 2008, nhưng ông Lê Hiếu Đằng - Phó chủ tịch UBMTTQ TPHCM, thành viên Ban chỉ đạo thực hiện chủ đề trên lại chưa nhận được chương trình triển khai cụ thể.

 

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một khái niệm rất rộng, nếu không có những tiêu chí cụ thể thì không biết xây cái gì. Những người quan tâm đến chương trình này, quan sát những việc cụ thể nhất như cấm xả rác thì tình hình vẫn không có gì mới. Đường phố vẫn đầy rác, công viên vẫn đầy rác và chuyện người dân đi "toa lét" bên hè phố cũng như xưa.

 

Các xe chở vật liệu xây dựng vẫn để đất đá rơi xuống đường, bụi ngất trời. Cá nhân mỗi người vứt rác xuống đường thì khó phát hịện, nhưng xe chở đất cát có số xe, to vật vã ung dung giữa thanh thiên bạch nhật. Người dân  bức xúc nhưng đành bấm bụng, vì biết rằng các đội xe chở vật liệu xây dựng là con cháu nhà ai.

 

Rất nhiều địa bàn trong thành phố, bảng khu phố văn hóa được treo to tướng, nhưng đường sá, con hẻm đầy rác và kim tiêm. Hóa ra văn hóa thì có nhưng văn minh thì không.

 

Cũng nên mở rộng thêm tiêu chí về văn minh đô thị để cùng suy nghĩ. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường, tại TPHCM, lượng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp xả ra mỗi ngày hơn 1 triệu m3, trong đó có hơn 90% lựơng nước thải chưa qua xử lý.

 

Tất cả các loại chất thải độc hại tống thẳng vào kênh rạch, hồ ao, sức khỏe của con người bị đe dọa nghiêm trọng. Người dân đang sống trong một đô thị như vậy thì có được gọi là văn minh không? Xin thưa là không. Các bệnh viện, nhà máy đó đều có địa chỉ và được thống kê rõ ràng. Nếu triển khai chủ đề văn minh đô thị thì đề nghị chính quyền thành phố bắt buộc các đơn vị đó phải xử lý nước thải. Việc làm này vừa đúng luật pháp vừa văn minh.

Văn minh đô thị không phải chỉ là những con đường không rác, người dân đừng tiểu bậy ra đường, mà liên quan đến một bộ phận lớn nữa là cán bộ công chức. Người dân vào công sở, nghe những lời nói  hoạnh họe, thái độ cư xử hống hách của cán bộ, thì quả thực rất không văn minh. Đề nghị chính quyền thành phố triển khai  nội dung này trong năm xây dựng nếp sống văn minh đô thị cho kịp thời và hợp lòng người.

Lê Chân Nhân