"Kỷ luật học sinh là giải pháp phần ngọn, gốc rễ phải là đạo đức gia đình"

PV

(Dân trí) - "Mọi hình thức kỷ luật chỉ là giải pháp phần ngọn, mang tính tình thế còn bản chất, gốc rễ của vấn đề nằm ở cách giáo dục của nhà trường, nền tảng đạo đức, văn hóa và lối sống của gia đình".

Những ngày qua, sự việc cô giáo P.T.H. bị nhóm học sinh lớp 7 trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) nhốt trong lớp, chửi bới, đe dọa, hành hung, ném dép và các vật thể khác vào người gây sự phẫn nộ lớn trong xã hội. Theo dõi các bài viết được phóng viên Dân trí đăng tải, hàng trăm độc giả để lại bình luận với muôn vàn cảm xúc, từ đồng cảm, thương xót cho cô giáo; căm phẫn với nhóm học sinh hay chua chát, ngao ngán, ngậm ngùi, chán nản với sự lao dốc về đạo đức trong ngành giáo dục cũng như một bộ phận học sinh hiện nay.

Không chỉ nhà trường, nhiều người cho rằng nền tảng đạo đức gia đình cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới những sự việc như trên.

Gốc rễ vấn đề ở cách giáo dục của nhà trường và nền tảng đạo đức của gia đình

Sau khi thông tin sự việc được lan truyền rộng rãi, các lãnh đạo ban ngành tỉnh Tuyên Quang đã ra hàng loạt văn bản chỉ đạo, yêu cầu xử lý nghiêm, giải quyết triệt để vấn đề. Tuy nhiên, nhiều độc giả tin rằng đây chỉ là biện pháp tình thế, bởi cốt lõi của vấn đề tới từ cách giáo dục, từ nền tảng văn hóa tại gia đình cũng như nhà trường.

Thẳng thắn chỉ ra vấn đề, độc giả Hoàng Linh viết: "Mọi hình thức xử lý kỷ luật đều chỉ là giải pháp phần ngọn, mang tính tình thế nhằm làm dịu dư luận và tạm thời giải quyết tình hình. Còn bản chất, gốc rễ của vấn đề nằm ở cách giáo dục của nhà trường, ở nền tảng đạo đức, văn hóa và lối sống của gia đình. Cái rễ mục nát thì cái cây không thể xanh tốt được dù có cắt ngọn bao nhiêu lần".

Tương tự, anh Ngô Đức bình luận ẩn ý: "Gia đình là tế bào của xã hội nhưng hiện nay, một lượng lớn tế bào đang có vấn đề".

Kỷ luật học sinh là giải pháp phần ngọn, gốc rễ phải là đạo đức gia đình - 1

Cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh THCS dồn vào góc tường đe dọa, chửi bới, ném dép vào người (Ảnh: Từ clip).

Sử dụng hình ảnh so sánh giữa "trường học" và "vườn ươm cây giống", độc giả Lý Ngọc để lại bình luận: "Dù cho bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ lễ nghĩa, phép tắc, không thể có chuyện xử sự với cô giáo, rồi sau này là cha mẹ xã hội bằng hành động côn đồ xã hội đen như vậy được. Những cậu bé, cô bé (không xứng đáng gọi là học sinh) này là sản phẩm lỗi của gia đình và một phần của xã hội. Chúng sẽ là mầm mống hậu họa của xã hội sau này nên ngay từ bây giờ, phải đuổi khỏi nhà tức khắc, tuyệt đối không được nương tay. Đề nghị gia đình gửi các cháu vào trường giáo dưỡng.

Một vườn ươm cây giống mà một số cây bị sâu buộc phải nhổ bỏ tránh lây lan hư hỏng toàn bộ vườn cây. Con người cũng vậy, trừng trị vài người sẽ làm gương cho cả vạn học sinh và là hồi chuông cảnh tỉnh để phụ huynh phải biết quan tâm, dạy dỗ con mình. Không thể để những học sinh này tiếp tục học chung với những HS bình thường khác".

"Tiên học lễ, hậu học văn. Khi trẻ ở nhà không được phụ huynh dạy lễ phép, ắt ra đường sẽ không có lễ phép, chứ đừng nói đến học cách ăn nói. Đừng trách các em, mà hãy trách phụ huynh, họ không giáo dục con em mình đầy đủ thì đừng mong chúng nên người khi cứ ỷ vào nhà trường", người dùng Thái Vũ bình luận.

"Gửi đến những cha mẹ của những cháu học sinh này: Nếu không có biện pháp giáo dục sớm lại chúng, thì sau này các vị cũng là nạn nhân", anh Sơn Phạm gay gắt.

Chung quan điểm, chủ tài khoản ketcauthep vietnam viết: "Những học sinh hành động kiểu này mà phụ huynh không có động thái xin lỗi cô giáo thì các vị hãy chờ đấy, sớm muộn chúng nó sẽ cầm chiếc dép tát vào mặt các vị. Nuông chiều quá mức, bỏ bê con cái, không quan tâm, dạy bảo, uốn nắn thì đón nhận hậu quả sớm".

Từ câu chuyện của ngành giáo dục, độc giả có nickname Cát Vàng chia sẻ trải nghiệm của người trong nghề khi gặp phải trường hợp học sinh ngỗ ngược, hỗn láo: "Mình dạy học sinh lớp 12. Trong giờ, học sinh 2 tay 2 điện thoại vừa cắm sạc, vừa chơi game. Giáo viên chỉ nhắc nhẹ nhàng bảo rút sạc ra không cháy nổ gây nguy hiểm, học sinh quay lại bảo giáo viên là "con ranh con nói gì đấy?".

Mình giận yêu cầu học sinh ra khỏi lớp, nó định lao lên đánh mình luôn. Hi vọng chỉ là tuổi trẻ bồng bột, sau này lớn ra ngoài xã hội em sẽ thay đổi. Thực sự học sinh bây giờ được bố mẹ rồi cả xã hội nuông chiều nên nhiều em chưa có ứng xử đúng đắn. Giáo viên bị mọi phía tấn công nên áp lực lắm!".

Giải pháp nào cho ngành giáo dục?

Bên cạnh những bình luận mang tính cảm xúc, nhiều độc giả cũng hiến kế nhằm giải quyết triệt để bạo lực học đường, vấn nạn nhức nhối và được coi là "sâu mọt" đục khoét ngành giáo dục nhiều năm qua.

"Nên chấm điểm công dân! Mỗi đứa trẻ sinh ra có một số điểm nhất định cho cả cuộc đời. Cứ vi phạm pháp luật hoặc chuẩn mực đạo đức sẽ bị trừ dần, cùng với đó là hạn chế các dịch vụ công", anh Vũ Đức Lợi đưa ra sáng kiến.

Kỷ luật học sinh là giải pháp phần ngọn, gốc rễ phải là đạo đức gia đình - 2

Cô P.T.H., giáo viên bị học sinh ném dép, lăng mạ, tiếp phóng viên báo Dân trí tại nhà, tối 6/12 (Ảnh: Thế Hưng).

Cùng quan điểm cứng rắn, chủ tài khoản Tũn Trắn viết: "Giờ liệu có cần nghiên cứu 1 luật dành cho khối học sinh, sinh viên hay không để các trường học, giáo viên dễ dàng xử lý. Bây giờ tôi thấy cơ chế mập mờ, không rõ ràng".

Tương tự, anh Ngô Quang Hoàng cho rằng cần có sự cứng rắn hơn nữa từ thầy cô bởi sự mềm mỏng không phải lúc nào cũng có hiệu quả, đặc biệt với học sinh: "Đừng nghĩ học sinh lớp 7 không biết gì. Có những đứa hư nhưng dạy được, nhưng có những đứa hư mà dạy kiểu mềm mỏng sẽ không có hiệu quả đâu. Quá trình trưởng thành cần trải qua những cú sốc để thay đổi, và nhóm học sinh này cũng vậy. Nếu cứ đối xử mềm mỏng vì sợ chúng tổn thương sẽ để cho chúng dễ dàng có suy nghĩ làm sai sẽ không phải trả giá. Dù bất kể là gì, thái độ ngông cuồng, thách thức, sỉ nhục giáo viên như vậy là không chấp nhận được".

Dưới góc nhìn mềm mỏng hơn, độc giả Anh Tuan gợi ý: "Bộ Giáo dục nên nghiên cứu và sớm đưa ngay giáo viên tâm lý vào học đường. Ngoài chuyên môn tư vấn kịp thời cho học sinh và giáo viên, bộ phận này cũng là cầu nối trực tiếp giữa nhà trường với học sinh để tác động tích cực tới tâm lý cũng như hành vi của học sinh, hoạt động như một mắt xích quan trọng để giải quyết vấn đề tiêu cực. Khi xã hội ngày càng phát triển, bùng nổ thông tin kèm theo đó là sự nhạy bén về mặt tâm lý, các em càng mong manh giữa đúng và sai, đặc biệt khi mạng xã hội tràn lan những thông tin độc hại tác động đến tâm lý, gây ra suy nghĩ lệch lạc".

"Có lẽ những năm học mầm non và 3 năm đầu học cấp 1 nên chú trọng dạy về đạo đức, tôn sư trọng đạo để tạo thành cái nếp rồi sau đó mới dậy văn hóa", độc giả Binh Thai bình luận.

Tương tự, người dùng Hà Minh Khuê nêu quan điểm: "Việt Nam nếu không đưa đạo đức vào làm môn học chính thì còn rất rất nhiều vụ như này và còn tệ hơn nữa. Đạo đức toàn dạy cho có, qua loa nên học sinh càng ngày càng hư hỗn. Đạo đức không chỉ dạy ta cách đối nhân xử thế mà còn dạy con người biết thương yêu con người, yêu chúng sinh, yêu thân mạng của loài khác từ cỏ cây, muông thú, sống biết tiết kiệm, biết bảo vệ môi trường sống. Tạo cho ta đức hiếu sinh, sống không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sinh. Tạo tâm từ bi hỉ xả thì sẽ không bao giờ xảy ra bạo lực, trộm cắp, cướp giật như bây giờ".

Hoàng Diệu