Bạn đọc viết:

Lan man chuyện xăng dầu

(Dân trí) - Giá xăng dầu lại tăng, tại các các cây xăng nhiều người chen nhau mua lấy một bình. Không thể trách họ cho dù sự chen lấn có gây nên đôi chút hỗn loạn. Nhưng dẫu sao đó là sự phản xạ tự nhiên như một chút an ủi của giới bình dân.

Lan man chuyện xăng dầu - 1

Điều gì đến cũng phải đến thôi. Tăng giá xăng dầu là điều bất khả kháng mà bất cứ người dân bình thường nào đều có thể biết và thông cảm không cần đưa ra nhiều lý do.

Không một nguồn ngân sách nào có thể chịu đựng được mức 30% nguồn thu nội địa phải dành cho bù lỗ xăng dầu.

Như vậy, giá xăng dầu đồng lại đồng loạt tăng, tại các các cây xăng các anh xe ôm, các chị nhân viên văn phòng... chen nhau mua lấy một bình.

Không thể trách người dân cho dù sự chen lấn có gây nên đôi chút hỗn loạn. Một bình xăng đầy mua theo giá cũ không làm đầy vơi quá nhiều túi tiền, nhưng dẫu sao đó cũng là sự phản xạ tự nhiên như một chút an ủi của giới bình dân.

Tăng giá xăng là điều nhiều người linh cảm được, nhưng sự tăng giá quá đột ngột là điều không ai cũng có thể thích ứng ngay. Bởi lẽ trong thời điểm nhạy cảm này bất cứ một tiếng kêu “cháy” bất ngờ vang lên giữa chợ đông người đều gây nên những hiệu ứng không có lợi, và bất cứ “cú phanh gấp” nào đều khiến người ta mất phương hướng.

Trên các báo hôm nay tràn ngập các thông tin về xăng dầu tăng giá, với những lời có thể là trấn an, giải thích của quan chức cùng những lời than vãn của bà nội trợ.

Báo chí có bàn tán, người dân có giật mình, tất cả rồi sẽ qua đi trong vài ngày nữa thôi bởi tăng giá xăng dầu không còn cách nào khác. Điều quan trọng nhất bây giờ có lẽ là tìm ra những giải pháp đối phó với hậu quả của tăng giá xăng dầu và rút ra những kinh nghiệm từ việc điều hành kinh tế vĩ mô và sự tính toán cho cuộc sống đời thường của mỗi cá nhân.

Cái đầu tiên cần chuẩn bị có lẽ là sự chuẩn bị về tâm lý. Những khó khăn nền kinh tế trong nước, sự bất ổn của giá nhiên liệu thế giới, thu chi của ngân sách nhà nước không có gì là bí hiểm đối với bất kỳ ai trong thời buổi bùng nổ thông tin và minh bạch là đòi hỏi gay gắt của kinh tế thị trường. Thế nên, đã đến lúc cần cho người dân thấy được thực chất của vấn đề để họ chuẩn bị. Điều đó, sẽ làm cho sự chia sẻ khó khăn từ phía người dân trở nên hiệu quả và tự nguyện hơn.

Mặt khác, xăng dầu luôn là mặt hàng nhạy cảm. Người ta không lo ngại khi chi phí cho tiền xăng dầu trực tiếp tăng lên, mà cái chính là lo sự tác động của xăng dầu tới các mặt hàng khác, bởi trong thời buổi này không ai có thể chỉ bán mà không mua và ngược lại.

Chính vì vậy, không nên nặng lời mà nói rằng tất cả các nhà buôn đều nhăm nhăm “ăn theo” với giá xăng dầu, nhất là các doanh nghiệp vận tải - những doanh nghiệp mà hoạt động sản xuất kinh danh của họ trực tiếp liên quan đến xăng dầu, bởi họ cũng không còn cách nào khác và nỗ lực kiểm soát giá cả không phải là sự can thiệp trái quy luật vào thị trường.

Cũng không nên quá nhấn mạnh vào lý do tăng giá xăng dầu là để chống buôn lậu hay so sánh với giá xăng dầu của các nước khác. Bởi lẽ, chống buôn lậu là nhiệm vụ chính của cơ quan chức năng, mà tăng giá chỉ là một biện pháp phụ trợ và mức thu nhập của người dân không phải nước nào cũng cao giống nhau.

Tăng giảm giá mặt hàng nào đó là câu chuyện của thị trường. Nhưng tại sao lại giảm ngần này mà không phải nhiều hơn, nhiều khi lại là cách giải thích của con người. Nếu giá dầu thế giời còn tiếp tục nhảy múa thì có ai dám chắc cái giá 21.300đồng/lit xăng là cái giá cuối cùng.

Chính vì thế, để không phải có những hợp đồng phải đánh tháo, những dự án làm ăn phải tính toán lại và để củng cố niềm tin, cái cần thiết nhất vẫn là sự chuẩn bị để đối mặt với khó khăn.

Bất cứ nền kinh tế nào dù tự nhận là thị trường hoàn hảo cũng không thể thiếu bàn tay hữu hình của nhà nước can thiệp. Can thiệp bằng dự báo thị trường, bằng xử lý kẻ đầu cơ chứ không nên bằng mệnh lệnh áp đặt giá lên một mặt hàng nào đó. Đó là việc của thị trường. Mong đến lúc nào đó giá xăng tăng hay giảm không khiến người ta giật mình cho dù có buồn hay vui.

Đinh Thế Hưng