Lỗi không ở tấm bằng mà ở cách tuyển dụng

(Dân trí) - Gần đây dư luận có nhiều ý kiến trái chiều từ một văn bản mới của Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, quy định không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc các cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Có luồng ý kiến, hoàn toàn đồng tình với qui định trên của TP.Đà Nẵng. Vì chất lượng đào tạo sinh viên, cán bộ hệ tại chức của chúng ta chưa đạt yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dành cho hệ tại chức ở nhiều nơi còn thiếu thốn, tạm bợ. Đội ngũ giảng viên thường là thỉnh giảng, thiếu nhiệt tâm, có biểu hiện dễ dãi, xuê xoa trong đánh giá, cho điểm học viên. Đặc biệt, ý thức, thái độ học tập của nhiều sinh viên, cán bộ hệ tại chức còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đi học thì ít nghỉ học thì nhiều. Có cả tình trạng thuê người đi học thay. Hơn nữa, thời gian học tại chức chỉ bằng 1/3 so với học chính quy. Khi làm việc, phần lớn sinh viên, cán bộ học tại chức thường kém xa sinh viên, cán bộ được đào tạo bài bản, chính qui về mọi mặt...

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Có luồng ý kiến lại ra sức bảo vệ cho hệ tại chức, “nói không với tại chức” như vậy là không công bằng. Bởi lẽ, hệ tại chức cũng có tính pháp quy, được Nhà nước thừa nhận. Nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì và phát triển loại hình đào tạo này. Học tại chức là tạo điều kiện cho những sinh viên, cán bộ trước đây không đỗ đại học hay một lý do nào đó phải đi làm, được tiếp tục vừa  học vừa làm , để nâng cao trình độ. Có những người học tại chức còn học giỏi và làm tốt hơn những người học chính qui. Quan trọng gì chuyện bằng cấp, chính quy hay tại chức, cái chính là ở năng lực, trình độ thực tiễn qua công việc. Hai luồng ý kiến nêu trên đều có lý riêng của mình.

Nhưng từ qui định mới này của thành phố Đà Nẵng, đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề rất đáng lo ngại về cách đào tạo hệ tại chức và cách đánh giá cán bộ công chức của ta hiện nay.

Tại sao hệ tại chức ở các nước vẫn duy trì và phát triển tốt, không có sự phân biệt giữa người học tại chức và người học chính qui? Bởi vì các điều kiện trường lớp, cách thức tổ chức đến giảng viên dạy hệ tại chức của họ đều đạt chuẩn cả. Người đi học hệ tại chức ở họ hầu hết là vừa làm vừa học, với mục đích chính là tự nâng cao trình độ, hiểu biết. Còn ở ta thì người học phần nhiều là học sinh vừa tốt nghiệp THPT, trong số đó loại học không ra gì, thành phần con ông cháu cha, lắm bạc, nhiều tiền. Học để cốt có tấm bằng danh nghĩa rồi vào cơ quan Nhà nước, sớm muộn rồi cũng lên quan. Vả lại , thực tế tổ chức, học tập ở các lớp tại chức ở ta thì vô cùng lỏng lẻo, yếu kém, đúng như luồng ý kiến thứ nhất đã nêu. Hệ lụy tiếp theo là sản phẩm đào tạo ra, phần lớn không đạt yêu cầu. Như vậy, Đà Nẵng và nhiều cơ quan Nhà nước khác “cấm cửa” với sinh viên học tại chức là có cơ sở  thực tế của nó.

Nhìn rộng, ta thấy, ở nước ngoài và các công ty nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, không quan trọng bằng cấp này nọ mà coi trọng thực lực, trình độ, khả năng, hiệu quả làm việc của người lao động, đội ngũ cán bộ. Những ai không đạt yêu cầu thì tự đào thải và bị đào thải ngay. Nhiều người cũng mong muốn, kỳ vọng nền giáo dục và xã hội ta sẽ loại bỏ dần tư tưởng quá coi trọng bằng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo chính mà tiến tới đánh giá bằng  thực người, thực việc. Các qui định, tiêu chuẩn đánh giá, phân loại về năng lực, trình độ, phẩm chất... cán bộ Nhà nước được ban hành và triển khai rộng rãi. Một số đơn vị đã làm tốt, công việc, chất lượng cán bộ có chuyển biến. Nhưng nhiều nơi, nhiều đơn vị Nhà nước vẫn giậm chân tại chỗ, không triển khai được việc đánh giá thực người, thực việc. Có mấy ai năng lực, trình độ yếu kém, chẳng làm được việc gì, bị lãnh đạo, cơ quan buộc thôi việc đâu, trừ tự nguyện hoặc bị kỉ luật nặng liên quan đến tài chính, tham nhũng? Làm đúng, làm căng ra, đụng đến người này, người nọ, nhất là loại con ông cháu cha rất khó xử. Tốt nhất là dĩ hòa vi quí, xuê xoa, dễ dãi hết cho rồi. Cuối năm đánh giá, bình bầu, dường như không có ai là không đạt. Cái lối làm việc duy tình, ngại đụng chạm.....khá phổ biến của cán bộ lãnh đạo,  là căn nguyên  chính khiến chúng ta không đánh giá, phân loại, sàng lọc được cán bộ trong cơ quan nhà nước.

Thiết nghĩ, chúng ta cần tiếp tục duy trì và phát triển hệ học tại chức, nhưng với điều kiện, yêu cầu cấp thiết đặt ra, là nó phải " lột xác", phải thực sự đổi mới, không thể để tình trạng lâu nay tồn tại được. Tiếp đến, củng cố, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền, sự nghiệp các cấp, các ngành về công tác sử dụng cán bộ và đánh giá cán bộ. Khâu giám sát, kiểm tra của cấp trên về việc thực hiện của cấp dưới cần thường xuyên và thật sự nghiêm túc. Làm tốt hai khâu: đào tạo và sử dụng, đánh giá cán bộ thì mới hi vọng giảm dần tư tưởng coi trọng bằng cấp và không còn chuyện phân biệt bằng cấp chính quy và tại chức.

 

                                              Thanh Bình

                                              Quảng Ngãi

 

LTS Dân trí - Mỗi loại hình đào tạo đã tồn tại từ lâu đều có lý do khách quan, có cả ưu điểm và nhược điểm. Loại hình đào tạo tại chức ở nước ta cũng vậy, nó tạo điều kiện cho người vừa học vừa làm, học đúng cái nghề mà mình đã làm một số năm nhất định, cho nên có kinh nghiệm thực tế, học dễ vào hơn những sinh viên chưa biết gì về nghề mình học.

Nhiều năm qua việc đào tạo tại chức đã “phá rào” ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào, lấy học sinh vừa tốt nghiệp THPT nhưng không đỗ đại học vào học là chủ yếu, chứ không phải là những học viên tại chức; cũng không phải các trường đại học trực tiếp phụ trách công việc tuyển đầu vào và tổ chức đào tạo, mà phần lớn các Trung tâm giáo dục thường xuyên ở các địa phương đảm nhiệm công việc này với danh nghĩa “liên kết” với trường đại học, cho nên không bảo đảm chất lượng.

Vì vậy, muốn khắc phục tình trạng chất lượng của bằng đào tạo tại chức không bảo đảm chất lượng thì cần xiết chặt các khâu tuyển sinh và đào tạo đúng quy chế. Còn không nên tự tiện đưa ra quy định không tuyển dụng những người có bằng cấp tại chức vì điều đó vừa trái với pháp luật vừa sai trong cách ứng xử theo kiểu “vơ đũa cả nắm”.

Suy cho cùng thì tấm bằng- dù là bằng tại chức- tự nó không có lỗi mà lỗi phát sinh từ cách thức tuyển dụng cán bộ, công chức.