Mong lắm Ngày được đứng trên bục giảng!

(Dân trí) - Sắp tới 20/ 11 rồi, mình lại ngậm ngùi, khi nào mới được thanh thản và hạnh phúc đứng trên bục giảng đúng với nguyện ước của mình để vào dịp Ngày Nhà giáo VN lại được học trò hát tặng bài “Bụi phấn”.

Bạn đọc Luong Nghiem Chinh:

Đọc bài " Nỗi niềm của những thầy cô..."dự bị" " trên Diễn đàn Dân trí, mình cảm thấy nhẹ lòng, vì có nhiều sự đồng cảm. Bản thân mình cũng đã là giáo viên dạy toán tại 1 trường THPT, và giờ thì đang trong cảnh giáo viên "dự bị". Mình may mắn hơn một số bạn trong bài viết vì mình đã là gia sư từ khi là sinh viên năm nhất, nên đến giờ mình vẫn có thể đi dạy thêm, không cần làm trái nghề. Ra trường, mình xin về huyện dạy hợp đồng với mức lương 450 nghìn đồng/ tháng, không bằng lương của thời sinh viên. Mình không đi làm, xin dạy tư thục, 1 năm trời với mức lương 1triệu 58 nghìn đồng / tháng.Mình thương lũ học trò trường tư, học kém, phải đóng tiền nhiều, mình dạy chúng bằng cả sự nhiệt thành của giáo viên mới ra trường, đầu tư cho một số em học khá mà không cần nhận thù lao. Mình vui vì không dạy chúng nữa nhưng chúng vẫn thường xuyên liên lạc và kể cho mình nghe chuyện học hành, chuyện thầy cô, trường lớp, chúng sắp tốt nghiệp cấp 3 rôì.Dạy được 1 năm học, mình chán kiểu quản lý của trường tư thục tại địa phương, hầu như kiến thức bị mất dần vì trường chỉ toàn học sinh kém, năng lực không được phát huy. Mình ngậm ngùi chia tay trường, bỏ lại lũ học trò mà mình đang vực dậy.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Mình đi học quản lý giáo dục. Nhờ tâm huyết, nhiệt tình và dạy có chất lượng nên mình được giới thiệu đi gia sư. Lương cũng đủ chi tiêu ở Hà Nội, và đi học. Giờ có bằng quản lý giáo dục rồi mà vẫn chưa thể xin được việc. Mình có dự định học tiếp cao học quản ly giáo dục. Tuổi còn trẻ, đầu tư cho việc học sẽ không phí.

Sắp 20/ 11, mình ngậm ngùi, khi nào mới được thanh thản mà tự hào và hạnh phúc khi mỗi Ngày Nhà giáo VN lại được học trò hát tặng bài Bụi phấn. Thèm lắm, mong lắm!

Bạn đọc Nguyễn Thị Thủy:

Tôi cũng là 1 sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm ngoại ngữ được 5 tháng rồi. Tôi rất thích làm giáo viên dạy tiếng Anh, nên tôi đã quyết định về quê để mong được vận dụng những gì đã học vào cuộc sống. Với sức học của mình, xin vào các trung tâm ở Hà Nội với tôi là một chuyện dễ dàng (tôi đã đi dạy trung tâm từ năm thứ 3 đại học), nhưng với quê tôi, sao muốn làm giáo viên lại khó đến thế. Chạy vạy mãi mới có một đầu mối để xin việc, nhưng câu trả lời là "nếu em có bằng giỏi, tôi sẽ nhận em ngay, còn em chỉ có bằng khá thì mất khoảng 130 triêu". Tôi nghe xong hoảng quá, chẳng dám xin xỏ gì nữa. Nhiều lần định lên Hà Nôi làm nhưng còn bố mẹ nên lại thôi. Cuối cùng tôi quyết định mở một vài nhóm học tisng Anh và dạy ở nhà , kiếm thêm tiền sống qua ngày. Tôi quá sợ với “chế độ” tuyển chọn giáo viên ở quê tôi. Không trường nào cho biết có chỉ tiêu để tuyển và nếu có thì theo “chế độ phong bì” như đã nói và giống như nhiều địa phương khác. Không biết nộp hồ sơ vào đâu, cũng không có tiền để chạy chọt. Học 4 năm đại học ra, chẳng có cơ hội để khẳng định mình trên bục giảng. Thật là nỗi buồn khôn nguôi đồi với những “người thầy…dự bị!”.

Bạn đọc Luong Khoai:

Em là sinh viên sư phạm ngoại ngữ Huế vừa tốt nghiệp được 5 tháng, hiện tại đang làm việc ở 1 công ty tư vấn du học. Thực sự mà nói em rất thích đi dạy, được đứng trên bục giảng, vì vậy em đã cố gắng đạt thành tích cao nhất,thi vào trường đỗ thủ khoa, tốt nghiệp ra trường cũng là thủ khoa chuyên ngành,em đã rất hy vọng sẽ có cơ hội trở thành giảng viên ngoại ngữ ngành tiếng Trung,tiếc thay trường lại không có chỉ tiêu tuyển, đi vào Quảng Nam,Đà Lạt và TPHCM tìm cơ hội cho mình, nhưng không quen biết ai để xin cả.Thấy buồn hơn khi một đứa bạn cùng khóa, học ngành phiên dịch nói rằng: “nếu mình muốn đi dạy thì chỉ cần ba nói cho 1 tiếng là đi dạy liền”. Thế mới biết “con ông cháu cha” sướng thật! Còn mình… Bao nhiêu ước mong, bao nhiêu cố gắng từ
thời ở mái trường thân yêu bỗng nhiên tan biến, hụt hẫng vô cùng; chịu thua người ta không vì học lực và tâm huyết  mà là  vì bố mẹ không làm to, không quen biết cũng không có cục tiền to để xin việc cho mình. Ra trường với bao lo lắng, lo rằng ba mẹ phải cực khổ nuôi mình, còn 3 đứa em, 2 đứa ĐH, 1 đứa cấp 3 nữa,em phải tìm việc trái chuyên ngành một tí để làm. 2 đứa em học ĐH, 1 đứa cũng theo ngành sư phạm mà chưa biết ra trường có việc không, 1 đứa rút kinh nghiệm từ em ra,dù thích theo ngành sư phạm nhưng không theo nữa mà học kinh tế. Mong rằng bộ giáo dục Việt Nam sớm có biện pháp tuyển dụng giáo viên, giảng viên có chọn lọc, ưu tiên về năng lực,để những người có tâm huyết theo nghề giáo được thực hiện giấc mơ cống hiến cho sự
nghiệp giáo dục của nước nhà. Tương lai không xa, nhiều thế hệ trẻ tài năng sẽ là nhân tài của đất nước, như lời Bác dạy: " Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người."

Cảm ơn tòa báo Dân trí đã có bài báo phản ánh đúng thực trạng “những nhà giáo…”dự bị” hiện nay.

LTS Dân trí - Tình trạng khá phổ biến hiện nay là những sinh viên tốt nghiệp đại học nói chung, nhất là ngành sư phạm, phải trầy trật tìm việc làm và chịu những bất công thật “đắng lòng” khi mới bước vào đời! Đấy thật sự là những bài học “phản giáo dục” đối với tuổi trẻ!

Không thể để kéo dài tình bất công trong việc tuyển chọn công chức nói chung và nhất là tuyển chọn đội ngũ giáo viên làm nhiệm vụ “trồng người” mà không lấy năng lực chuyên môn và đạo đức làm chính, lại dựa trên cơ sở “phong bì” và mối quan hệ “có đi có lại” thì không biết tương lai nền giáo dục nước ta sẽ đi đến đâu.

Thiết nghĩ việc tìm ra biện pháp để ngăn chặn tệ nạn này không khó, chỉ e rằng những người có trách nhiệm và có tiếng nói quyết định trong việc tuyển dụng cán bộ cho ngành giáo dục thiếu quyết tâm và thiếu gương mẫu.