Một sự cảnh tỉnh

Hoàng Hải Trung, học sinh lớp 7 Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột - Đắc Lắk đã treo cổ tự tử vì sợ không đạt được học sinh giỏi như lời cam kết với ba mẹ. Cái chết của em Trung gây chấn động dư luận, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh.

Lâu nay đã có nhiều vụ học sinh tự tử, trong đó có nguyên nhân vì áp lực học tập.                                                                    

 Tuy nhiên, những cái chết của các em chưa đủ để cảnh tỉnh người lớn. Nhiều người nghe tin một vụ học sinh tự tử, cứ nghĩ rằng đó là chuyện của nhà người khác, không liên quan đến mình. Ít ai có nhận thức rằng, nếu không biết cách giáo dục phù hợp thì con cái mình cũng có thể có những phản ứng tiêu cực, thậm chí có thể tìm đến cái chết như những đứa bé bất hạnh kia.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình học giỏi nên thúc ép các em cố học. Đối với những đứa trẻ hay trái tính trái nết thì dễ sinh ra hư hỏng, phản kháng lại sự áp đặt của cha mẹ. Còn những đứa trẻ ngoan hiền thường cắn răng chịu đựng, tuân theo chỉ đạo của cha mẹ, đến khi quá sức và thấy mình không làm được điều cha mẹ đòi hỏi thì tự tử để giải thoát. Các em cũng là nạn nhân của bệnh thành tích và ảo tưởng của người lớn.

Có một căn bệnh rất phổ biến là phần lớn cha mẹ đều nghĩ rằng con cái mình rất tài năng và sẽ vinh hoa phú quý. Không mấy ai chỉ mong con cái trưởng thành, có nghề nghiệp  bình thường và có cuộc sống hạnh phúc là đủ. Chưa kể chuyện tương lai, ngay bây giờ nhiều người đã  muốn vênh vang vì con mình học giỏi. Đôi khi, thành tích học tập của con cái như thứ trang sức, để cha mẹ tự hào với thiên hạ. Hóa ra cha mẹ chỉ thương bản thân, vì cái tôi của mình. Bởi vì nếu thực sự vì con cái, người ta sẽ có lối giáo dục khác, không tạo áp lực hay làm tổn thương đứa trẻ về tâm lý cũng như về thể chất. Cũng có nhiều bậc phụ huynh quá say mê về thành tích học tập của con cái, mà quên mất những giá trị khác còn cần thiết hơn, đó là hãy cho một đứa trẻ phát triển bình thường, thuận theo tự nhiên.

Căn bệnh thành tích trầm kha trong xã hội,  tồn tại khắp các lĩnh vực, nặng nề trong ngành giáo dục, len lỏi vào từng gia đình. Cả xã hội mất bình tĩnh chạy theo các loại thành tích tạo ra quán tính tập thể và ít ai thoát ly ra khỏi dòng chảy đó. Hãy cho con cái học và chơi bình thường, có một tuổi thơ hồn nhiên vui vẻ, có một cuộc sống tràn trề niềm vui. Đẩy các em vào sự căng thẳng học hành để rồi kiệt sức không còn phát triển về sau, hoặc học giỏi nhưng bị khuyết tật về tâm lý, tình cảm, đánh mất tuổi thơ thì phỏng có ích gì.
 
Lê Chân Nhân