Nam sinh tử vong ở bể bơi trường học: Hiệu trưởng có phải chịu trách nhiệm?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo luật sư, sự việc xảy ra trong giờ học và trong khuôn viên trường nên nhà trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; thậm chí, vấn đề trách nhiệm hình sự cũng có thể được xem xét.

Vụ việc thương tâm vừa xảy ra tại Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam khiến 1 nam sinh lớp 9 tử vong khiến dư luận xót xa và phẫn nộ về sự tắc trách của thầy giáo môn bơi lội Trần Lâm T. (24 tuổi). Hiện người này đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông bắt tạm giữ để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Câu hỏi được đặt ra là với hành vi gây hậu quả nghiêm trọng của thầy giáo như vậy thì trách nhiệm của nhà trường tới đâu? Về khía cạnh pháp luật, nhà trường có liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật và với gia đình học sinh không?

Nam sinh tử vong ở bể bơi trường học: Hiệu trưởng có phải chịu trách nhiệm? - 1

Khi tổ chức dạy bơi, việc quan trọng nhất là cần đảm bảo an toàn cho học sinh, có nội quy và có sự giám sát chặt chẽ của các giáo viên (Ảnh minh họa).

Luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng văn phòng luật Đồng đội, Đoàn luật sư TP HN cho biết, theo tinh thần của Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đã nêu rõ: người đứng đầu cơ quan tổ chức phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong hoặc có thương tích.

"Như vậy, sự việc xảy ra trong giờ học, và trong khuôn viên nhà trường nên nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh", luật sư Tiền khẳng định.

Về trách nhiệm hình sự, luật sư cho rằng cơ quan điều tra có thể sẽ xem xét yếu tố có "lỗi" thiếu trách nhiệm thông qua việc làm rõ những vấn đề liên quan như chất lượng giáo viên phụ trách dạy bơi: là giáo viên chính thức của nhà trường hay giáo viên được nhà trường thuê về để dạy bơi cho học sinh; trình độ của giáo viên; quy trình tuyển dụng/hợp đồng thuê của nhà trường, nội quy quy chế khi học bơi tại bể bơi nhà trường;

Về chất lượng hồ bơi: có đảm bảo đúng tiêu chuẩn, trong hồ bơi có được lắp đặt phao cứu sinh, hệ thống cấp thoát nước trong hồ bơi, chỗ nước sâu nguy hiểm có được đặt biển cảnh báo, hệ thống camera của nhà trường…

Cơ quan điều tra sẽ xác minh lấy lời khai của những người liên quan, xem xét đầy đủ các yếu tố thuộc về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà trường. Nếu đầy đủ yếu tố thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hiệu trưởng nhà trường về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chứ không riêng gì thầy giáo giảng dạy trực tiếp bộ môn.

Khi tai nạn xảy ra trong trường học hoặc trong giờ học, người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng

Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, căn cứ Điều 89 Luật Giáo dục 2015: "Nhà trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, quy tắc ứng xử; chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường, bảo đảm an toàn cho người dạy và người học; thông báo về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ".

Theo quy định nêu trên, nhà trường có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người dạy và người học. Vì vậy, khi tai nạn xảy ra trong trường học hoặc trong giờ học, người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng.

"Sự việc nam sinh lớp 9 tử vong đuối nước xảy ra trong giờ học, trong khuôn viên trường học, do tài sản, vật dụng của trường gây ra thì nhà trường sẽ phải có trách nhiệm, bởi đây là thời điểm nhà trường đang có trách nhiệm trông coi cũng như quản lý học sinh", luật sư Xuyến khẳng định.

Nhà trường sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định".

Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, tình hình đuối nước trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước.

Tuy nhiên, mỗi năm vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Vì vậy, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.

Bởi vậy những năm gần đây, các tỉnh thành phố đều có kế hoạch phổ cập bơi lội cho học sinh ở bậc tiểu học với mục đích tăng cường và đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em nâng cao sức khỏe, hoàn thiện kỹ năng sống để trẻ tự bảo vệ mình và phòng tránh tai nạn đuối nước.

Khi tổ chức dạy bơi, việc quan trọng nhất là cần đảm bảo an toàn cho học viên, có nội quy và có sự giám sát chặt chẽ của các huấn luyện viên, cần thiết sẽ bố trí cả nhân viên y tế để xử lý tình huống khẩn cấp. Các huấn luyện viên phải là những người có trình độ và có bằng cấp chuyên sâu về bơi lội từ bậc trung trở lên.