Nạn lạm thu đầu năm học vẫn tiếp diễn!

Nhiều năm nay, cứ vào đầu năm học mới, lại nổi cộm lên vấn nạn … thu các khoản “tự nguyện”, ngoài học phí, khiến cho nhiều phụ huynh học sinh phải lo lắng và bức xúc.

Năm học này vẫn tiếp diễn vấn nạn đó nhưng với tính chất, mức độ, các khoản đóng góp nhiều hơn, gần như phổ biến ở khắp mọi nơi.

Đối với các phụ huynh khó khăn thì áp lực tâm lí - tài chính càng thêm nặng nề, khi các khoản tiền đóng góp mang tiếng là tự nguyện lên đến mấy triệu đồng.

Mặc dù đã lên tiếng nhiều, cấp quản lý giáo dục hứa sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhưng tình trạng lạm thu các khoản ở các trường học vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Vậy nguyên nhân từ đâu, làm nảy sinh vấn nạn lạm thu tiền của phụ huynh và có chiều hướng ngày càng trầm trọng?

Trước hết, nhiều nhà trường, ban giám hiệu bây giờ tiêm nhiễm thói đua đòi, bắt chước.

Thấy Ban giám hiệu trường này điều khiển được Hội cha mẹ học sinh tích cực ủng hộ, vận động, hô hào cho các khoản đóng góp, để rồi mua sắm được cái nọ cái kia... Ban giám hiệu trường khác cũng đứng ngồi không yên, bắt đầu tìm kế sách để làm được tương tự như vậy.

Nhằm đạt mục đích, tạo thuận lợi cho mình, nhất là thông qua các khoản thu ngoài qui định, lãnh đạo nhà trường khôn khéo khi chỉ định, lựa chọn ban đại diện, hội CMHS. Thường là những con người có điều kiện kinh tế khá giả, chỗ thân tình, tư tưởng phóng khoáng, đặc biệt là biết nói sao làm vậy.

Xét cho cùng, thì Hội CMHS bây giờ, hầu hết là "tay chân" của lãnh đạo các trường, chỉ giỏi vận động, thu tiền của phụ huynh. Cũng có thành phần Hội CMHS muốn làm "mát lòng" cán bộ, thầy cô bằng cách gợi ý góp đóng, mua sắm nọ, kia cho nhà trường...

Mặt khác, chúng ta nhận thấy rằng, do nhận thức, hiểu biết về các khoản thu, khoản đóng góp cho nhà trường của một bộ phận phụ huynh, Hội CMHS, còn hạn chế nhiều.

Anh là phụ huynh, ban đại diện, anh phải biết và hiểu các khoản nào nhà trường và hội phụ huynh được phép thu, các khoản nào nhà trường và hội phụ huynh không được phép thu. Hơn nữa, tinh thần đấu tranh của phụ huynh, ban đại diện cha mẹ nhiều nơi còn yếu, sớm cam chịu chấp nhận, buông xuôi, " dĩ hòa vi quý".

Nếu như, phụ huynh, Hội cha mẹ hầu hết cương quyết, phản đối đến cùng trước những khoản thu vô lý, trái qui định thì liệu các nhà trường có dám thu hay không?

Ban đại diện, Hội CMHS mà mạnh, dám đấu tranh, bảo vệ  quyền lợi chính đáng cho đông đảo phụ huynh học sinh thì không ít phụ huynh có hoàn cảnh còn khó khăn đỡ khổ biết mấy. Đấy mới thực sự là việc cần làm, thiết thực của Hội CMHS.

Tại sao nhiều lãnh đạo nhà trường, Hội phụ huynh lại sốt sắng, nhiệt tình với các khoản đóng góp tự nguyện này của phụ huynh? Liệu hiệu trưởng, Hội trưởng Hội CMHS có kiếm chác, tư lợi trong việc này không?

Nhiều đơn thư tố cáo, sự vụ xảy ra gần đây, liên quan đến môi trường giáo dục, cho thấy  hiệu trưởng nhà trường, Hội CMHS có dấu hiệu tiêu cực, ăn chia đến các khoản thu, nhất là các khoản thu ngoài qui định.

Bởi vì, các khoản thu ngoài không thuộc giấy tờ, sổ sách, ít ràng buộc về mặt pháp lý, nên một số cá nhân nhà trường và hội phụ huynh dễ bề lợi dụng kẽ hở, tạo ra những khoản thu chi mập mờ, thiếu minh bạch để hòng trục lợi cá nhân.

Đây cũng là điều các bậc phụ huynh lo ngại nhiều nhất. Họ không tiếc tiền đóng góp cho con em, cho nhà trường nhưng chỉ sợ những đồng tiền của mình bỏ ra không được sử dụng đúng mục đích mà  rơi vào tư túi một số người.

Rất đúng, khi nhiều nơi, họ yêu cầu, nhà trường và Hội CMHS cần thiết công khai, minh bạch đầy đủ, rõ ràng các khoản thu tự nguyện.

Trách nhiệm quản lý các khoản thu trong trường học, tất nhiên thuộc về  cấp Phòng giáo dục, Sở giáo dục và cao nhất là Bộ giáo dục. Nhưng nói thật là, lâu nay, cấp quản lý ngành giáo đã "lực bất tòng tâm" không chỉ trong chuyện lạm thu mà còn trên nhiều phương diện quan trọng khác.

Cấp trên quyết liệt, mạnh mẽ thử xem. Trường nào lạm thu, thu những khoản không chính đáng, xử lý bằng cách cách chức hiệu trưởng, ban giám hiệu ngay tức khắc. Nếu trưởng phòng giáo dục không làm thì cách chức trưởng phòng. Nếu các giám đốc sở giáo dục thờ ờ, vô trách nhiệm, để cho cấp dưới tác oai, tác quái, thao túng, lộng hành thì cho giám đốc ấy nghỉ.

Chúng tôi thiết nghĩ, mỗi tỉnh thành, chỉ làm điển hình vài ba trường hợp thôi là mọi chuyện sẽ đổi khác, chuyển biến tích cực, tốt đẹp ngay.

Hằng năm, các trường học đều được cấp trên giao chỉ tiêu kinh phí cho mọi hoạt động dạy - học của nhà trường, dựa trên cơ sở thực tế về số lượng học sinh, giáo viên.... Kinh phí được rót về, cộng với phần thu học phí (trừ cấp tiểu học) được sử dụng, nhà trường đủ chi trả lương và các hoạt động khác.

Có những trường, không thu thêm những khoản ngoài qui định, chỉ chi tiêu cho gói kinh phí Nhà nước cấp, thế mà vẫn đủ, vẫn hòan thành tốt nhiệm vụ năm học.

Vậy tại sao, chúng ta không khen thưởng, biểu dương những đơn vị như thế? Trường làm đúng, trường làm sai về các khoản thu, chẳng lẽ như nhau, hòa cả làng? Gần đây, UBND thành phố Đà Nẵng có đưa ra mức trần cho các khoản thu tự nguyện của phụ huynh học sinh trên địa bàn thành phố.

Theo đó, mỗi học sinh nộp không quá 100.000 đồng trên năm, từng khu vực có mức thu khác nhau. Nhiều người cho đây là biện pháp hay để chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Nhưng theo tôi, qui định như TP Đà Nẵng, thì vô hình trung, ta chấp nhận và tạo điều kiện cho mọi trường đều thu các khoản tự nguyện, ngoài học phí.

Trong khi, nhiều nước trên thế giới, ở bậc phổ thông, họ đã không thu học phí hoặc giảm dần các khoản đóng góp của con em nhân dân, để tất cả học sinh đều được học hành, thì ở ta lại tăng học phí, tăng mức đóng góp của phụ huynh, cùng với nhiều khoản thu tự nguyện đến mức vô tội vạ. Đây thực sự là điều lạ đối với nền giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thanh Bình

            Quảng Ngãi

 

LTS Dân trí - Tình trạng lạm thu trong nhà trường vào đầu năm học đã diễn ra từ nhiều năm qua khiến cho dư luận xã hội bức xúc và bất bình. Nguyên nhân của tình trạng đó đã được tác giả bài viết trên đây nêu lên khá rõ.

Việc kéo dài tình trạng đó nói lên sự quản lý yếu kém và không kiên quyết của ngành giáo dục. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Sở GD-ĐT đều yêu cầu các trường niêm yết công khai các khoản thu bắt buộc vào đầu năm học, còn các khoản thu khác là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh, không được ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu trường nào không thực hiện đúng điều đó thì hiệu trưởng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Kiên quyết thực hiện nghiêm quy định như vậy thì chắc chắn tình trạng lạm thu sẽ giảm rõ rệt, tạo điều kiện tốt hơn cho việc củng cố nền nếp và kỷ cương của nhà trường.