Nên duy trì GVCN và tiết sinh hoạt lớp ở ĐH, CĐ?

Có thể nói, ở nhà trường phổ thông, nhờ có giáo viên chủ nhiệm và tiết sinh hoạt lớp cuối tuần nên đã kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc cũng như biểu dương và phát huy nhiều mặt tốt của học sinh. Còn ở các trường chuyên nghiệp và ĐH thì sao?

Theo qui định hiện hành thì giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trường phổ thông được tính thêm 4 tiết trên tuần. Thế nhưng các lớp thuộc trường chuyên nghiệp, trung học, cao đẳng, đại học, với quan điểm cho rằng học sinh, sinh viên đã lớn, đã biết cả rồi nên cũng chẳng cần giáo viên chủ nhiệm cũng như những tiết sinh hoạt lớp nữa. Do đó, vai trò GVCN cũng như tiết sinh hoạt ở đây chỉ mang tính chất hình thức.

Tuy vẫn bố trí GVCN và tiết sinh hoạt lớp cuối hoặc đầu tuần nhưng thầy cô giáo thường bận công việc này, nọ, không đến dự và giao cho cán bộ lớp chủ trì, triển khai, đánh giá, nhận xét... Trao cho cán bộ lớp làm thì cũng chỉ được vài ba buổi đầu, lớp dự đông đủ và nghiêm túc còn sau đó thì lỏng lẻo dần, chỉ họp  dăm ba phút là xong.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thế hệ tôi học ĐHSP Qui Nhơn, khóa 1992-1996, và thế hệ đứa cháu gọi tôi bằng cậu ruột, hiện đang học năm thứ tư trường ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh, cả gần một năm trời trông đợi ghê gớm mà vẫn chưa biết mặt mũi của thầy cô giáo chủ nhiệm mình như thế nào.

Thậm chí, có trường không cần đến GVCN và không bố trí tiết sinh hoạt lớp, hễ có việc đột xuất, quan trọng gì đó thì lớp tự đứng ra dàn xếp, nếu không xử lí được thì trình báo lên khoa, trường.

Kể cả nhiều lãnh đạo, cán bộ của khoa, ban, trường cũng thờ ơ, chẳng mấy mặn mà, quan tâm đến công tác này. Dẫu biết rằng, ở bậc chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT vẫn có qui định về GVCN và GVCN được tính 150% của 220 tiết chuẩn, tương ứng với 830.000 đồng trên năm.

Ở trường chuyên nghiệp, phần nhiều học sinh, sinh viên ta có đạo đức tốt, chăm ngoan, cố gắng, phấn đấu trong học tập, nghiên cứu.

Song bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên sa sút về ý thức và đạo đức, với các biểu hiện như: ham chơi, bỏ học thường xuyên, nhờ người học, thi hộ, sa đà vào cờ bạc, rượu chè, đề đóm, cá độ bóng đá, sinh hoạt thiếu lành mạnh, hay gây gỗ đánh nhau, trộm cắp...

Nhiều sinh viên trong số đó cứ trượt dài sai phạm này đến sai phạm khác, tới khi bị nhà trường buộc thôi học hoặc bị cơ quan pháp luật bắt giam thì lớp mới biết, gia đình mới hay. Đến cái nước đó thì còn gì nữa, đã quá muội màng rồi.

Giá như nhà trường có sự quản lí chặt chẽ, biết quan tâm và tổ chức tốt tiết sinh hoạt thông qua GVCN thì chắc chắn đây sẽ là một biện pháp giáo dục hiệu quả, kịp thời, ngăn cản được không ít trường hợp sinh viên đang dính, chìm trong sai phạm... có nguy cơ nhận các hình thức kỉ luật như trên.

Đối tượng học sinh, sinh viên chuyên nghiệp đa số xa nhà, thiếu sự giám sát của bố mẹ, lại là lứa tuổi thích làm theo ý mình, dễ sa ngã, hấp thụ cái xấu, cái hư hỏng... Đây chính là lý do nên bố trí GVCN và tiết sinh hoạt trong tuần, nhằm góp phần giúp cho học sinh, sinh viên có lối sống nề nếp hơn, chăm học hơn, ít vi phạm kỉ luật, ít sa vào các tệ nạn xã hội, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

Tất nhiên, phải thay cách làm, cách tổ chức, không nên khoán trắng cho GVCN, hoặc GVCN khoán trắng cho cán bộ lớp như nhiều trường đã, đang làm mà cần vạch ra chương trình, nội dung sinh hoạt cụ thể, thiết thực cộng với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết cao của người thầy trong tiết sinh hoạt ấy.

Đỗ Tấn Ngọc

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Sơn Tịnh - Quảng Ngãi
 
LTS Dân trí - Bài viết trên đây phản ảnh đúng tình hình ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Vai trò của GVCN không được coi trọng cũng như việc coi nhẹ sinh hoạt ở lớp đã dẫn tới tình trạng quản lý lỏng lẻo; một số học sinh, sinh viên thiếu tinh thần tự giác học tập và sinh hoạt bừa bãi không được góp ý kịp thời, ngày càng bị sa sút nghiêm trọng, đến khi  bị đuổi học thì bạn bè trong lớp mới biết. Những trường hợp như vậy thật đáng tiếc; nếu có sự góp ý kịp thời để ngăn chặn từ xa, thì có thể không dẫn tới kết cục đáng buồn đó.

Vì vậy, các cấp quản lý giáo dục cũng như các trường đại học, cao đẳng và THCN nên xác lập rõ vai trò của GVCN cũng như nội dung tiết sinh hoạt hằng tuần ở lớp sao cho có ý nghĩa thiết thực, trành tình trạng  buông lỏng quản lý học sinh, sinh viên.