Nên xem xét lại kỷ luật đối với thầy Bình

Chúng tôi bất ngờ khi được biết thầy Võ Hải Bình, giáo viên phạt một học sinh “thụt dầu” 100 cái, đã bị Hội đồng kỉ luật trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) đề nghị hình thức buộc thôi việc.

 Là giáo viên, chúng tôi cũng không đồng tình với hình phạt học sinh của thầy Võ Hải Bình. Tuy nhiên, với vi phạm ấy mà thầy Bình bị đề nghị buộc thôi việc thì chúng tôi nghĩ rằng hình thức kỉ luật đó quá nghiêm khắc, cần được xem xét lại để đảm bảo có lý, có tình.

 

Trước hết, nguyên nhân xảy ra tình huống phạt xuất phát từ học sinh. Em Lê Anh Tuấn đã vi phạm kỉ luật trong giờ học, cười đùa, chọc ghẹo bạn. Nếu học sinh chăm ngoan, không giáo viên nào lại kỉ luật các em cả.

 

Và khi giáo viên thông báo sẽ ghi vào sổ đầu bài (đúng quy định), thì chính các em học sinh vi phạm kỉ luật đã lựa chọn hình thức phạt “thụt dầu”. Thầy Bình cũng cho biết, do chương trình nặng, bài khó, buộc giáo viên phải tận dụng thời gian để truyền thụ kiến thức. Việc học sinh gây mất trật tự trong giờ học khiến cho giáo viên không thể hoàn thành chương trình, ảnh hưởng đến kết quả học tập của cả lớp.          

 

Thứ hai, em Lê Anh Tuấn đã thực hiện xong hình phạt, và mấy ngày sau vẫn đi học bình thường. Nếu như trong quá trình em “thụt dầu” mà quá mệt, xin nghỉ nhưng thầy không cho và ép buộc em làm cho xong thì đó là tình tiết tăng nặng. Nhưng em đã thực hiện xong hình phạt và về chỗ học bình thường.

 

Như vậy, bản thân thầy Bình không hiểu được hậu quả của việc vận động quá mức, và nghĩ rằng học sinh bị phạt chỉ hơi mệt một chút chứ không sao. Khi cho học sinh thụt dầu, thầy Bình không ngờ được hậu quả đối với sức khỏe học sinh, và không hề có ác ý. Thầy Bình không có ý định và không trực tiếp xâm phạm thân thể học sinh.  

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thứ ba, sau khi biết em Lê Anh Tuấn phải nhập viện, thầy Bình đã tỏ ra hối hận, đã đến viện thăm hỏi, xin lỗi em và gia đình. Bản thân em Lê Anh Tuấn và gia đình cũng nhận biết được lỗi bắt đầu từ hành vi của mình và hiểu được tình cảm của thầy nên không giận thầy, sẵn sàng thông cảm, bỏ qua cho thầy.

 

Mẹ em Lê Anh Tuấn coi sự việc như là một tai nạn, một điều không hay xảy ra ngoài ý muốn đối với gia đình và thầy giáo.

 

Thứ tư, nhiều thầy cô trong nhà trường và ban giám hiệu đều nhận xét rằng thầy Võ Hải Bình là một nhà giáo giỏi, đạo đức tốt, ứng xử đúng mực. Sự việc này xảy ra chỉ là một hành động bột phát nhất thời. Tập thể lớp 11A8 cũng đã có văn bản gửi Ban giám hiệu nhà trường, đề nghị nhà trường có sự nương nhẹ trong kỉ luật để khỏi mất một thầy giáo giỏi, nhân hậu.

 

Trong khi xử lý kỉ luật, nếu hành vi tái phạm sẽ có tính chất tăng nặng và ngược lại. Nếu vi phạm lần đầu, trong một tình huống có phần lỗi của nạn nhân thì rất đáng lưu ý xem xét giảm nhẹ.

 

Thầy Võ Hải Bình là một nhà giáo có thâm niên giảng dạy gần 30 năm, hiện gia đình thầy đang gặp khó khăn, con chỉ mới một tuổi, vợ đang nghỉ việc. Vì vậy, nếu thầy bị buộc thôi việc sẽ làm gia đình thầy mất chỗ dựa, không còn đường sinh sống.  


Theo “Luật Cán bộ công chức” năm 2008, khi công chức vi phạm tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý theo 6 hình thức sau đây:

 

 a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc. (Điều 79). Như vậy, hình thức buộc thôi việc là mức kỉ luật cao nhất, cuối cùng, chỉ áp dụng đối với những công chức phạm lỗi rất nghiêm trọng, có tính chất nguy hiểm, hoặc tái phạm nhiều lần, xét thấy không thể sữa chữa.        

 

Như đại thi hào Nguyễn Du đã viết “Ngoài thì là lý song trong là tình”, kính đề nghị tập thể sư phạm, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh trường THPT Lê Quý Đôn và Sở Giáo dục-Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có sự cân nhắc, khoan dung trong khi xem xét hình thức kỉ luật đối với thầy Võ Hải Bình.               

 

Những giọt nước mắt của người Thầy khiến lòng ai cũng day dứt, xót xa. “Thương người như thể thương thân”, nhân ái, khoan dung là truyền thống, là đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam.                 

 

Xin đừng đẩy một giáo viên đã gắn bó gần 30 năm với sự nghiệp giáo dục vào con đường cùng. Xin hãy cho thầy Bình một cơ hội để sữa chữa sai lầm của mình.

 

                                                                                 Văn Hiệp

 

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Việc thi hành kỷ luật một người là đụng chạm đến danh dự, nhân phẩm của người đó. Điều này rất hệ trọng, cho nên cần phải cân nhắc xem xét nhiều mặt; đặc biệt đối với Thầy giáo, càng cần xem xét kỹ lưỡng hơn, đừng làm điều gì trái với lương tâm và đạo lý truyền thống luôn kính trọng và đề cao vai trò Người Thầy.

 

Đối với trường hợp cụ thể của thầy Võ Hải Bình, chúng tôi đồng tình với sự phân tích và kiến nghị của tác giả bài viết trên đây. Thầy Bình vốn là giáo viên toán lâu năm, giỏi chuyên môn và có đạo đức tốt, chỉ vì muốn nâng cao hiệu quả giờ học đã thực hiện việc phạt những học sinh mất trật tự. Việc phạt đó là đúng, nhưng vì chiếu cố đề nghị của học sinh mắc khuyết điểm không muốn ghi tên vào sổ đầu bài mà muốn nhận hình thức phạt đã dẫn tới hậu quả không ngờ (không ngờ đối với cả thầy và trò). Sau khi xảy ra sự cố, Thầy Bình lại tỏ ra rất ân hận về hành động xử phạt không đúng của mình đối với học sinh.

 

Chỉ vì mắc một khuyết điểm như vậy mà buộc thầy Bình phải thôi việc thì quả thật  không thấu tình đạt lý. Mong rằng Trường THPT Lê Quý Đôn cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cân nhắc kỹ lưỡng hơn để có một hình thức kỷ luật phù hợp với sai phạm của một thầy giáo.