Nghịch lý giáo viên trẻ hưởng lương cao hơn giáo viên thâm niên

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Con số "9 năm" trong thông tư 08 mới đây của Bộ Giáo dục đang khiến hàng trăm giáo viên đứng trước cảnh về hưu nhưng lương vẫn ba cọc ba đồng.

Thời điểm Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, nhiều giáo viên, đặc biệt là những giáo viên có thâm niên đã nỗ lực hoàn thành xong chương trình đào tạo cử nhân theo chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho giáo viên theo thông tư 08/2023/TT- BGDĐT và yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học từ năm 2014 đến trước năm 2019, đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ 30/8/2023.

Thực tế chiếu theo quy định này, có những giáo viên 28 năm làm nghề, chờ gần 9 năm để nhận lương bậc đại học vẫn có thể "hụt". Trước những thông tin trên, nhiều bạn đọc Dân trí đã gửi comment (ý kiến bình luận) chia sẻ với những "ấm ức" trên của các nhà giáo.

Nghịch lý giáo viên trẻ hưởng lương cao hơn giáo viên thâm niên - 1

Giáo viên làm giám thị tại một buổi thi (Ảnh minh họa: Hoàng Chung).

Để sống được bằng lương, chờ quá nửa một đời người...

Độc giả Sen Nguyễn: "Bầu đến tháng sinh em cũng vẫn thi tốt nghiệp đại học... có bằng rồi mà vẫn chồng chất khó khăn. Thông tư 08, nhất là số năm giữ bằng đại học áp dụng từ thời điểm này nó rất là phi lí".

Độc giả Hằng Hoàng Thị: "Điều kiện phải có bằng đại học đủ 9 năm trở lên rất bất cập, ảnh hưởng tới chế độ lương của rất nhiều giáo viên, nên thay bằng 9 năm có bằng đại học là được. Nhiều giáo viên tâm huyết, yêu nghề, thành tích giảng dạy cao mà chỉ vì những quy định ngặt nghèo này không được tăng lương sẽ dẫn đến nhiều người nản và có tâm lý muốn bỏ việc".

Đồng quan điểm trên, độc giả Bùi Thị Huyền: "Nếu chỉ dựa vào số năm bằng cấp thì khi đó nhiều giáo viên đã nghỉ hưu rồi, vậy những thành tích đạt được trong thời gian công tác còn ý nghĩa gì nữa?".

"Nhiều giáo viên đã phải vừa công tác, cống hiến, vừa thu xếp thời gian, công sức đặc biệt là tiền bạc để đi học là một điều vô cùng khó khăn. Đặc biệt giáo viên các môn âm nhạc, thể dục, lịch sử , địa lí... thường có mức lương thấp, không có thu nhập thêm, lớp đại học thì không phải lúc nào cũng có, đây đều là những hạn chế mà các giáo viên đều đã phải vượt qua. Cần có cơ chế phù hợp với những giáo viên thâm niên, yêu nghề", độc giả Ng.Vân.

Độc giả Oanh Hoàng Kim: "Hy vọng Bộ Giáo dục có thể thay đổi để giáo viên yên tâm công tác. Giáo viên cứ đi làm, làm việc hết mình, có nhiều đóng góp mà không được ghi nhận, luôn phải chịu thiệt thòi thì họ sẽ nản và bỏ việc là điều tất nhiên".

Độc giả Nguyễn Thị xiêm chia sẻ: "Em cũng đã có bằng đại học 9 năm rồi mà từ năm 2012 đến nay tỉnh Bắc Ninh cũng chưa có đợt thi hay xét thăng hạng nào cho giáo viên, quả là thiệt thòi cho giáo viên như em quá".

Theo độc giả Thanh: "Bằng đại học chỉ nên áp dụng cho giáo viên mới tuyển tính từ năm 2019, còn trước năm 2019, giáo viên có bằng cao đẳng dạy THCS, đại học dạy cấp 3, trung cấp dạy Tiểu học là theo đúng luật của Quốc hội và hiến pháp quy định nên không thể áp dụng luật 2019 vào được. Việc thăng hạng thì các giáo viên hạng cao hơn liệu có giao cho làm các nhiệm vụ khó khăn hơn không?".

"Ngày ngày còn phải lo cơm áo gạo tiền, sức lực, tinh thần đâu mà cống hiến cho nghề giáo?"

Độc giả Nhat Vu: "Mong báo Dân trí nói lên tiếng nói của cả giáo viên THPT, tốt nghiệp ĐH chính quy dạy THPT chỉ được phân hạng III cũ, còn người về dạy THCS được phân hạng II cũ vì trên chuẩn khi đó và bây giờ được chuyển sang hạng 2 mới, còn giáo viên THPT vẫn là giáo viên hạng III như cũ vì hạng của giáo viên THPT không có gì thay đổi. Vậy giáo viên THPT thiệt thòi hơn nhiều giáo viên dạy THCS mặc dù công việc tính chất phức tạp hơn".

Cảm thấy xót xa cho những người làm nghề giáo, độc giả Linh Lương viết: "Nghề giáo được coi là nghề cao quý của xã hội, thế nhưng cuộc sống của họ lại khốn khó trăm bề khi phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi trong thời kì bão giá giữa thủ đô. Áp lực công việc, áp lực cuộc sống quá nặng nề.

Việc học lên đại học trong khi phải lo cho cuộc sống với họ không phải dễ. Với mong muốn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và cải thiện đồng lương nhưng với tình hình như bây giờ thật khiến người ta lạnh lòng. "Có thực mới vực được đạo", khi cuộc sống khốn khó, ngày ngày phải lo cơm áo gạo tiền thì sức lực tinh thần đâu mà hết mình cống hiến cho sự nghiệp.

Mong sao các cấp lãnh đạo thấu hiểu để họ những con người ươm mầm cho đất nước, thế hệ tương lai của chúng ta sống được bằng đồng lương chính nghĩa, xứng đáng với công sức, thời gian mà họ bỏ ra".

Độc giả Thu Nguyễn chỉ ra sự bất cập: "Đó là sự thiệt thòi nhất của giáo viên. Tại sao năm 2020 chỉ 6 năm biên chế + 1 bằng ĐH mà năm 2023 lại yêu cầu 9 năm bằng ĐH? điều này không công bằng với các nhà giáo!".

Độc giả Trang Le băn khoăn và đưa ra sự so sánh: "Không hiểu quy định này đưa ra để nhằm mục đích gì, ai sẽ được lợi bởi quy định này, hay chỉ đưa ra vu vơ vậy thôi? Yêu cầu của Bộ còn không bằng của 1 công ty, công nhân nghỉ ốm nằm viện cũng chẳng bị mất quyền lợi như của giáo viên".

Trước bất cập của thông tư 08, nhiều người cho rằng, không chỉ giáo viên THCS mà cả viên tiểu học, thông tư 08 đang cào bằng gây thiệt thòi cho giáo viên có thâm niên công tác. Cùng có bằng cấp, cùng trình độ năng lực, thậm chí năng lực thành tích tốt hơn… nhưng nhiều giáo viên "gạo cội" lại xếp hạng thấp hơn những giáo viên trẻ.

Những giáo viên thâm niên từ 10 năm, 20 năm, 30 năm với nhiều thành tích cao, bề dày kinh nghiệm và sự cống hiến cho nền giáo dục nước nhà vốn rất thiệt thòi vì khó thăng hạng. Và nếu được cũng chỉ có thể lên được bậc cao hơn so với hạng cũ một chút chứ không có cơ hội được đi đến hết bậc và không được nhảy mấy bậc như giáo viên trẻ.

 

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT "Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT , 02/2021/TT-BGDĐT , 03/2021/TT-BGDĐT , 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập" ra ngày 14/4/2023 quy định viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) và giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Trong đó, định nghĩa "tương đương" được quy định là thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng III từ thời điểm đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục  2019, tức từ thời điểm có bằng cử nhân đại học.