Bạn đọc viết:

Nhà nông và “cơn bão” làm thuê

(Dân trí) - Nếu như ở thành phố, cơn sốt về giá cả là tiêu điểm trong những ngày gần đây thì tại những vùng nông thôn cơn sốt “làm thuê” cũng trở nên nóng bỏng không kém...

Phân chia nhân khẩu
 
Người người, thậm chí nhà nhà đổ xô về thành phố làm thuê khiến nông thôn giờ đây dường như chỉ còn là “địa bàn” của người già và trẻ nhỏ.
 
Nhà nông và “cơn bão” làm thuê - 1
Bạch Thị Thu Thiên cùng với hai bạn Hà Thị Liên và Bùi Thị Thái đang đứng trước bến xe buýt để chờ ông chủ ra đón.
 
Nhà bốn khẩu, ba người xa nhà làm thuê là trường hợp của gia đình anh Đinh Văn Hậu và chị Hà Thị Quế (xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Anh chị có hai người con thì nay chỉ còn cô con gái 19 tuổi ở nhà chăm sóc vườn tược, cậu con trai mới 17 tuổi, chưa học xong cấp III cũng theo bố mẹ xuống thành phố làm phụ hồ.

Anh Hậu nói: “Nhà tôi chỉ có 4 sào ruộng, 0,5ha chè và chăn nuôi thêm ít lợn, gà. Trước đây thì còn có thể chắt bóp, dành dụm nhưng bây giờ thì hoàn toàn không thể. Chị tính, thời tiết thì khắc nghiệt khiến lúa gạo mất mùa triền miên. Dịch bệnh cũng thường xuyên hoành hành làm cho vật nuôi chết dần mà không thu lợi được gì. Đã gần như không có thu nhập mà giá cả cứ tăng vùn vụt, đến tiền mua gạo ăn chúng tôi còn không có”.

Vậy là theo nhiều người trong làng, anh chị quyết định xuống thành phố làm thuê. Anh làm thợ xây, chị phụ bếp, nấu nướng cho cả đội, còn cậu con trai chưa có nhiều kinh nghiệm thì xách vữa. Công việc có khi còn nhàn hạ gấp nhiều lần ở nhà và mỗi tháng trừ tiền ăn, sinh hoạt anh chị còn gửi về khoảng hơn bốn triệu đồng cho cô con gái cất giữ và thuê mướn người cấy gặt.
 
Anh Hậu còn cho biết, hiện giờ ở quê anh đa phần chỉ còn lại người già và trẻ con. Những người ở vào độ tuổi lao động thì đều về thành phố làm thuê (hầu như đều làm về xây dựng), hiếm có gia đình làm nông nghiệp nào mà còn đầy đủ nhân khẩu ở nhà. Thậm chí có người còn đem theo cả con nhỏ vào tận miền Nam, cả năm mới về thăm nhà được một lần. Cuộc sống ở những vùng nông thôn như quê anh vốn đã trầm lắng, nay lại càng buồn tẻ hơn.

Đổ về thành phố
 
Chưa khi nào phong trào ra thành phố làm giúp việc lại trở nên "sôi động" như lúc này ở nhiều vùng quê, nhất là với những phụ nữ tầm trung tuổi từ khoảng 35 đến 55. Với họ, giúp việc nhà, trông trẻ là công việc khá nhẹ nhàng, không mất tiền thuê nhà ở, tiền ăn, hàng tháng vẫn có thể gửi về cho chồng con từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Vì vậy, họ chấp nhận cuộc sống xa nhà để có thể kiếm thêm thu nhập.

Chị Bùi Thị Hường ở Tân Sơn (Phú Thọ) đang trông con cho một gia đình ở thành phố Việt Trì. Bốn cô con gái của chị đều đã xây dựng gia đình. Còn hai vợ chồng làm mấy sào ruộng cũng an nhàn nhưng thu nhập thì không đủ chi tiêu. Anh Hùng, chồng chị thì thường xuyên đau ốm nên không thể xa nhà làm việc như những người đàn ông cùng quê khác. Vậy là chị quyết định tự mình kiếm tiền lo chi tiêu, thuốc thang cho chồng. Vì làm cách nhà chỉ khoảng 80 km nên cứ hai tuần chị Hường lại bắt xe về thăm nhà một lần.

Còn chị Đinh Thị Hoan, 48 tuổi, quê ở xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đang làm giúp việc cho một gia đình ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Tôi gặp chị khi chị đang trên đường từ bến xe Mỹ Đình về nhà chủ. Chị Hoan cho biết, lương của chị mỗi tháng là 1,8 triệu đồng. Số tiền này, nếu ở nhà có khi phải mất tới ba bốn tháng may ra mới kiếm được.

Tôi gặp em Bạch Thị Thu Thiên cùng với hai người khác là Hà Thị Liên và Bùi Thị Thái cũng trạc tuổi nhau, đang đứng trước bến xe buýt để chờ ông chủ ra đón. Đây là lần đầu ba cô gái dân tộc Mường (Kim Bôi – Hòa Bình) xa nhà xuống thành phố làm trong một xưởng đóng bao bì ở Tân Lập, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Theo như lời Thiên thì ở quê em hiện nay có khá nhiều người xa nhà làm thuê. Công việc được người dân chọn làm cũng khá đa dạng.

Thiên cho biết, lương mỗi tháng của em là 1,6 triệu đồng (đã trừ tiền ăn và tiền ở). Để lại chút tiền tiêu vặt, còn lại em có thể gửi về cho gia đình hơn một triệu đồng một tháng. Với số tiền ấy, bố mẹ em sẽ bớt phần nào chật vật trong chi tiêu. Để kiếm được khoản tiền đó, Thiên tiết lộ em đã quyết định nghỉ học cho dù chỉ còn nửa kỳ nữa là tới kỳ thi tốt nghiệp cấp III.

Nguyên nhân khiến Thiên bỏ học cũng chẳng có gì mới mẻ hay bất ngờ, mà chỉ vì trước "tình thế cấp bách" về tiền bạc thì đó là sự lựa chọn duy nhất mà một người chị cả như Thiên có thể làm được. Thiên nghỉ học được ba tháng thì quyết định xuống Hà Nội làm thuê theo sự giới thiệu của người chị họ. Với em, để kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình thì dù phải bỏ học cũng cam lòng.

Bình thường, đời sống của người dân nông thôn đã gặp muôn vàn khó khăn. Nay, những biến động phức tạp của thị trường khiến việc kiếm sống càng trở nên nan giải. Thu nhập từ nông nghiệp không đủ để họ trang trải chi tiêu đang ngày một đắt đỏ. Và việc phân phối bớt nhân khẩu về thành phố làm thuê là giải pháp được nhiều gia đình chọn lựa trong tình thế này. Có như vậy, nguồn thu nhập của cả gia đình sẽ được cải thiện, đồng thời chi tiêu hàng ngày cũng được giảm bớt phần nào.
Hà Lệ