Những “rào cản” trong công tác thi đua giáo dục

(Dân trí) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Người khởi xướng mà còn luôn theo sát và thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ở mọi ngành, mọi giới..

Thi đua là thể hiện lòng yêu nước, cho nên yêu nước thì phải thi đua. Thi đua tạo ra động lực để mọi người cùng cố gắng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Nói riêng trong ngành giáo dục, phong trào thi đua được cụ thể hóa thành Phong trào “thi đua Hai Tốt” – Dạy tốt và Học tốt. Một trong những tiêu chí hết sức quan trọng trong thi đua để đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và cao hơn là chiến sĩ thi đua, nhất thiết phải có sáng kiến kinh nghiệm. Bởi: Sáng kiến kinh nghiệm là sự đúc kết các kinh nghiệm giảng dạy của những giáo viên vừa có năng lực chuyên môn vừa có tâm huyết với nghề. Hay nói cách khác đây là đóng góp vào thành tựu chung của tập thể, của nhà trường và cao hơn là của ngành góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả  giáo dục. Tuy nhiên, việc đánh giá các sáng kiến kinh nghiệm hiện nay có nhiều vấn đề cần quan tâm:

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

- Phần lớn các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu, đánh giá đề tài sáng kiến kinh nghiệm là các tổ trưởng của các tổ chuyên môn, chủ tịch công đoàn cùng với Ban giám hiệu…thường là những người không sâu về lĩnh vực chuyên môn được xem xét, cho nên dấn đến sự đánh giá không đúng, thậm chí là lệch lạc; đánh giá dựa trên cảm tính, sự cả nể với những giáo viên dạy lâu năm, còn giáo viên trẻ thường bị hoạnh họe và coi thường. Vì vậy, việc đánh giá thiếu khách quan và không công bằng, hậu quả tạo sự phản cảm  sau đánh giá, làm suy giảm động lực thi đua.

 

- Chạy theo thành tích thi đua:

 

Theo tiêu chuẩn thi đua đã quy định, muốn trở thành chiến sĩ thi đua cấp cơ sở,nếu chỉ dạy giỏi thôi chưa đủ mà phải có sáng kiến kinh nghiệm. Chính vì vậy, không ít người đã cố gắng tạo ra sáng kiến kinh nghiệm bằng “mọi giá”, thâm chí  sao chép lệch lạc từ các nguồn khác nhau nhưng khi Hội đồng đánh giá vẫn cho điểm cao, vì không hiểu hoặc không thẩm tra nghiêm túc, thậm chí là thông qua dễ dãi vì tình cảm cá nhân họac vì căn bệnh thành tích, cần có  chiến sĩ thi đua cho đơn vị mình.

 

- Chưa xác định đúng vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp trong công tác thi đua. Bình thường, để xây dựng được một tập thể lớp vững mạnh, đoàn kết, cố gắng trong học tập và rèn luyện, thì bản thân người giáo viên chủ nhiệm phải  nắm vững mặt mạnh, mặt yếu và kết quả học tập, rèn luyện cũng như hoàn cảnh riêng của từng học sinh. Từ đó có hướng giáo dục thích hợp. Mặt khác, giáo viên chủ nhiệm cũng biết khá rõ kết quả dạy cũng như uy tín của các giáo viên dạy trong lớp do học sinh phản ảnh. Tuy nhiên, vì vô tình hay hữu ý mà khi thành lập Hội đồng thi đua ( thành phần: tổ trưởng các tổ chuyên môn, chủ tịch công đoàn, ban giám hiệu), người ta quên mất vai trò các giáo viên chủ nhiệm, do đó thiếu tiếng nói công tâm được phản ánh từ cơ sở (đơn vị là lớp học).

 

Sự đóng góp của giáo viên trong các hoạt động chung của trường: bồi dưỡng học sinh giỏi đạt tỉ lệ cao, thao giảng... cũng là yếu tố quan trọng để xem xét chiến sĩ thi đua hay lao động tiên tiến, nhưng chưa được Hội đồng quan tâm đúng mức, cho nên việc xem xét vấn đề chưa toàn diện và thiếu khoa học, vì vậy việc đánh giá còn thiếu khách quan. Điều đó không những gây ra sự thiệt thòi đối với những giáo viên đã cố gắng phấn đấu, có đóng góp đáng ghi nhận trong một năm học, mà việc làm chiếu lệ nặng về cảm tính trong công tác thi đua còn làm triệt tiêu động lực thi đua.

 

Những vướng mắc nói trên đã trở thành những rào cản không nhỏ, gây ảnh hưởng lớn đến phong trào thi đua cũng như sự cố gắng phấn đấu của các giáo viên, đặc biệt là các giáo viên trẻ. Đấy cũng “rào cản” đối với cuộc vận động “mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.   

 

Tô Văn Quy

GV trường THPT Lê Thành Phương – Tuy An – Phú Yên

 

LTS Dân trí - Trước đây, ngành giáo dục vốn là một trong những lĩnh vực hoạt động có phong trào thi đua sôi nổi mang tên Phong trào “Thi đua Hai tốt”, với đơn vị dẫn đầu nổi tiếng là trường cấp II Bắc Lý (Hà Nam) đã được Bác Hồ biểu dương và khen ngợi.

 

Tiếc rằng phong trào thi đua của ngành giáo dục những năm gần đây không được duy trì đúng ý nghĩa; không ít nơi bị sa vào cách làm hình thức, không đem lại kết quả thiết thực. Căn bệnh “thành tích” chưa được khắc phục triệt để cũng là nguyên nhân làm lệch lạc ý nghĩa đích thực của phong trào thi đua.

 

Tìm ra nguyên nhân của hiện trạng này là cần thiết nhằm chấn hưng phong trào thi đua trong ngành giáo dục, một lĩnh vực hoạt động có vị trí “Quốc sách hàng đầu”. Bài viết trên đây đóng góp một số ý kiến về những “rào cản” đáng quan tâm trong việc xem xét những danh hiệu thi đua của các trường học.

 

Diễn đàn Dân trí mong tiếp tục nhận được những ý kiến trao đổi về chủ đề này, nhất là ý kiến của những “người trong cuộc”.