Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

“Phớt lờ” cảnh báo, Sở GTVT Hà Nội tái cấp phép cho bến đò vi phạm

(Dân trí) - Cảnh sát đường thủy CATP Hà Nội đã cảnh báo, UBND huyện Phúc Thọ đề nghị xem lại việc cấp giấp phép cho bến đò Vân Phúc vi phạm quy định có hệ thống, nhưng Sở GTVT Hà Nội vẫn tự tin cấp giấy phép cho chủ đò coi thường tính mạng hành khách.

Như thông tin báo Dân trí đã đưa, thời gian qua người dân sống ở khu vực giáp ranh giữa huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) phản ánh, bến đò Vân Phúc được Sở GTVT Hà Nội cấp phép hoạt động vi phạm nghiêm trọng an toàn giao thông đường thủy khi không trang bị áo phao, phao cứu sinh, không hướng dẫn hành khách mặc áo phao khi xuất bến. Hàng ngày chủ đò vô tư chở hàng chục xe loại 4 chỗ, 7 chỗ, xe tải 3,5 tấn qua sông Hồng, mặc dù bến đò không có chức năng vận chuyển ôtô.
 
Bến đò Vân Phúc bị kết luận vi phạm trong suốt thời gian dài
Bến đò Vân Phúc bị kết luận vi phạm trong suốt thời gian dài

Ghi nhận tại bến đò trong nhiều ngày cho thấy, hành khách không được chủ đò Vân Phúc trang bị phao cứu sinh, không mặc áo phao theo quy định. Chỉ đến khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, nhắc nhở chủ đò mới treo phao cứu sinh, xếp áo phao vào vị trí để...chụp ảnh. Trong buổi ghi nhận hiện trạng ngày 28/2/2014, PV đã ghi lại được hình ảnh cán bộ Sở GTVT Hà Nội tận mắt chứng kiến chủ đò Vân Phúc vi phạm quy định an toàn giao thông đường thủy, trực tiếp hướng dẫn chủ đò sắp xếp áo phao để chụp ảnh rồi…cất đi nhưng chủ đò không bị nhắc nhở, hoặc xử phạt kịp thời.

Làm việc với PV Dân trí, thượng tá Nguyễn Văn Cương - Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) - Công an TP Hà Nội cho biết, bến đò Vân Phúc đã hết hạn vào ngày 15/1/2014. Sau khi hết hạn, bến đò Vân Phúc chưa được cấp giấy phép mới, nhưng hàng ngày chủ đò vẫn hoạt động lén lút. Hàng ngày bến đò Vân Phúc còn chở cả xe ôtô qua sông, mặc dù giấy phép cấp trước đó không có vận chuyển ôtô, đường dẫn xuống bến có cắm biển cấm ôtô.
 
Cán bộ Sở GTVT Hà Nội (áo trắng) trực tiếp chứng kiến bến đò vi phạm
Cán bộ Sở GTVT Hà Nội (áo trắng) trực tiếp chứng kiến bến đò vi phạm
ngày 28/2/2014, nhưng bến vẫn được nhận định đủ điều kiện cấp phép
 
Ngày 7/3/2014, PC68 đi kiểm tra thực tế tại bến đò Vân Phúc và lập biên bản, đình chỉ hoạt động của bến. Tuy nhiên, lãnh đạo PC68 cũng xác nhận sau khi đình chỉ hoạt động chủ đò Vân Phúc vẫn hoạt động “chui” khi không có lực lượng chức năng giám sát hiện trường. Sau những vi phạm có hệ thống của bến đò, PC68 đã thông báo tình trạng vi phạm đến Sở GTVT Hà Nội. Theo ý kiến của lãnh đạo PC68, thông thường khi cơ quan chức năng đã thông báo tình trạng vi phạm đến đơn vị cấp phép thì không được xem xét cấp giấy phép hoạt động mới. Nếu Sở GTVT tiếp tục cấp phép mà để xảy ra tai nạn, trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị cấp phép.

Cùng lúc, UBND huyện Phúc Thọ ký công văn số 180/UBND-QLĐT gửi báo Dân trí, thông báo việc thành lập đội thường trực gồm 42 cán bộ thuộc các phòng ban, chia thành 3 ca lập chốt trực 24/24 giờ tại khu vực bến khách Vân Phúc ngăn chặn chủ bến hoạt động lén lút. UBND huyện Phúc Thọ đề nghị Sở GTVT Hà Nội phối hợp với PC68, Đoạn Quản lý đường sông số 6 và chính quyền địa phương xử lý nghiêm minh trường hợp chủ đò cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, huyện Phúc Thọ cũng xác nhận bến đò Vân Phúc đã bị lập biên bản xử lý nhiều lần vì không thực hiện đúng nội quy giấy phép.

PC68 - Công an TP Hà Nội và UBND huyện Phúc Thọ đều khuyến cáo xem xét lại việc cấp phép cho bến đò Vân Phúc do những vi phạm nghiêm trọng, tồn tại suốt thời gian dài. Tuy nhiên, đơn vị cấp phép là Sở GTVT vẫn “bỏ ngoài tai”, tự tin cấp phép cho bến đò Vân Phúc hoạt động trở lại từ ngày 25/3/2014.
 
Công văn của huyện Phúc Thọ đã chỉ rõ những vi phạm của bến đò
Công văn của huyện Phúc Thọ đã chỉ rõ những vi phạm của bến đò
Vân Phúc, đồng thời khuyến cáo xem xét lại việc tái cấp phép

Trao đổi với các PV ngày 25/3/2014, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội xác nhận việc cấp giấy phép hoạt động mới cho bến đò Vân Phúc. Theo giải thích của ông Linh, lý do Sở GTVT cấp phép cho bến đò Vân Phúc hoạt động trở lại là bến đò đảm bảo đủ các điều kiện an toàn. Trước khi cấp phép, cán bộ của Sở đi kiểm tra và thấy chính quyền xã đã cho đổ 2 trụ bê tông ngăn chặn ôtô lên xuống nên việc cấp phép là đúng quy định, bởi trước đây bến bị dừng chủ yếu do chở ôtô sai quy định.

Những vi phạm của bến đò Vân Phúc đã tồn tại suốt thời gian dài, vì lý do này PC68 và UBND huyện Phúc Thọ mới đề xuất xem xét lại việc cấp phép để đảm bảo an toàn tính mạng cho hàng trăm lượt khách/ngày. Nhưng đến nay mọi khuyến cáo đều bị “bỏ ngoài tai” khiến dư luận đặt dấu hỏi về tính minh bạch khi tiến hành cấp phép hoạt động. Vì sao bến đò vi phạm vẫn được cấp phép khi PC68 và chính quyền địa phương đã có khuyến cáo? Câu trả lời xin nhường lại cho lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội!.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.

Ngọc Cương