Quản lý bằng hộ khẩu, vẫn là tư duy cũ

(Dân trí) - Điều đầu tiên cho thấy quản lý hộ khẩu của nước ta khác với các nước trên thế giới, đó là ở nước ta công an được giao nhiệm vụ quản lý hộ khẩu. Và do đó ngành công an cũng là ngành soạn thảo dự Luật cư trú.

Ở các nước dân chủ, công an, cảnh sát chỉ làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm, còn quản lý cư trú là thuộc cơ quan hành chính nhà nước. Ở nước ta có quan điểm từ trước thời đổi mới, là ngành công an có nhiệm vụ “phòng” tội phạm, nên có một số lĩnh vực quản lý hành chính do công an đảm nhiệm, để “phòng” tội phạm. Với quan điểm đó, rất dễ biến một nhà nước dân chủ trở thành một “nhà nước cảnh sát”.

 

Ở Nhật, việc quản lý cư trú là thuộc chính quyền cấp quận, huyện. Ở Nhật không có cấp phường như ở Việt Nam, nên nhân dân đỡ được một cửa hành chính. Cảnh sát Nhật không quản lý cư trú. Cảnh sát Nhật chỉ bí mật theo dõi sự cư trú của người bị tình nghi để phát hiện tội phạm.

 

Tất cả công dân Nhật và người nước ngoài cư trú ở Nhật nếu không vi phạm pháp luật, thì đều được tôn trọng nhân phẩm, không bị đặt dưới bất kỳ sự quản lý hành chính về cư trú nào của cảnh sát. Cảnh sát Nhật không có quyền quản lý hành chính cư trú đó. Tất cả các nước dân chủ phát triển khác như Mỹ, Anh, Pháp, Singapore… đều như vậy.

 

Các nước phát triển không có cả Chứng minh thư. Muốn chứng minh mình là ai, công dân các nước đó dùng Hộ chiếu, hoặc Giấy phép lái xe, hoặc đơn giản là tự khai. Một công dân lương thiện, không vi phạm pháp luật thì không bị buộc phải chứng minh mình là ai, không bị buộc phải cung cấp thông tin về đời tư cho cảnh sát. Đó là chuẩn mực của các nước dân chủ, văn minh, tôn trọng người dân.

 

Giao cho cảnh sát làm nhiệm vụ quản lý hành chính, có nghĩa là đặt toàn bộ nhân dân lương thiện dưới sự nghi ngờ phạm tội của cảnh sát. Đó là hình ảnh của một “nhà nước cảnh sát”, và là sự xúc phạm đến nhân phẩm của người dân lương thiện. Nhân dân ở các nước dân chủ không cho phép có điều đó.

 

Những ngày gần đây, Quốc hội của ta thảo luận nhiều đến chính sách quản lý hộ khẩu, đến dự thảo Luật cư trú do ngành công an soạn thảo. Quan điểm của ngành công an thể hiện trong dự thảo Luật cư trú cho thấy ngành công an vẫn giữ quan điểm cũ, chưa đổi mới, và có nhiều mâu thuẫn.

 

Theo báo chí ở trong nước, ngành công an đưa ra quan điểm vẫn giữ sổ hộ khẩu vì: “Điều kiện hiện nay SHK vẫn rất cần thiết để quản lý, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phục vụ cho các chính sách quan trọng khác của Nhà nước, như thống kê, điều tra dân số, quy hoạch đô thị, bố trí dân cư, tổ chức bầu cử, đăng ký nghĩa vụ quân sự, thực hiện bảo hiểm xã hội...”.

 

Có thể thấy rõ phần lớn các nhiệm vụ nêu trên liên quan đến hộ khẩu thì không thuộc nhiệm vụ của ngành công an. “Thống kê dân số, quy hoạch đô thị, bố trí dân cư, tổ chức bầu cử, bảo hiểm xã hội…” là những công việc nằm ngoài chức năng của ngành công an. Vậy tại sao lại giao cho ngành công an quản lý cư trú, hộ khẩu?

 

Trước năm 1996, cảnh sát giao thông cũng đã từng được giao nhiệm vụ tổ chức thi và cấp Giấy phép lái xe. Tức là cảnh sát giao thông “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vừa cấp Giấy phép lái xe, vừa kiểm tra Giấy phép lái xe. Sau khi Chính phủ có Nghị định 36/CP về an toàn giao thông đường bộ năm 1996, chức năng tổ chức thi và cấp giấy phép lái xe mới được chuyển sang cho ngành Giao thông, theo đúng thông lệ quản lý hành chính của các nước. Ngành giao thông tổ chức thi và cấp Giấy phép lái xe cũng có nhiều tiêu cực, nhưng không bị tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nên việc phòng chống tội phạm trong công tác thi và cấp Giấy phép lái xe được dễ dàng, thuận lợi hơn.

 

Việc giao cho ngành công an quản lý cư trú, vừa không đúng chức năng của ngành công an, vừa dễ bị tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Dự thảo Luật cư trú thấy nêu đã cố gắng giản tiện các điều kiện nhập hộ khẩu, rằng nếu người dân “nộp đủ giấy tờ cần thiết”, thì sẽ được giải quyết trong chỉ 15 ngày. Nhưng cái khó khăn nhất là làm thế nào để có đủ “giấy tờ cần thiết”?

 

Với các điều kiện đề ra, thì sẽ vẫn có nhiều người dân không thể có đủ “giấy tờ cần thiết”, và như vậy sẽ không thể có hộ khẩu. Hiến pháp đã quy định là công dân có quyền tự do cư trú, vậy còn những điều kiện gì nữa để được tự do cư trú? Nếu đưa ra các điều kiện để có “giấy tờ cần thiết” thì không còn “tự do cư trú” nữa.

 

Nước ta đã sống quá lâu trong cảnh tự do cư trú “có điều kiện”, nên khi nói đến tự do cư trú không có điều kiện ràng buộc nào cả, thì nhiều người cảm thấy khó hiểu, cho là như vậy xã hội sẽ loạn. Nhưng hộ khẩu như hiện nay có quản lý được cư trú đâu? Trên báo chí trong nước mới đưa tin, ngành thống kê dân số đã gọi sổ hộ khẩu là “Sổ chết”, vì nó không phản ảnh biến động dân cư.

 

Một người có hộ khẩu Hà Nội, vào Sài Gòn sinh sống, công tác cả 15 năm, nhưng vẫn giữ hộ khẩu Hà Nội, công an Sài Gòn không nắm được cư trú của người đó, công an Hà Nội cũng không nắm được cư trú của người đó. Một người ở nông thôn ra Hà Nội sinh sống cả nhiều năm, không thể có hộ khẩu Hà Nội, cả công an Hà Nội và công an ở quê người đó đều không nắm được cư trú của người đó.

 

Nghe nói Hà Nội sắp cấp cho người ngoại tỉnh một loại Thẻ cư trú nào đó. Đó là một tiến bộ của Hà Nội để giúp đỡ người tỉnh ngoài vào Hà Nội lao động, giải quyết tình trạng thiếu lao động cho Hà Nội. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì người có Thẻ cư trú đó vẫn không có hộ khẩu Hà Nội. Họ vẫn là công dân loại hai. Trên thế giới không có phân biệt công dân loại một, loại hai như thế. Đó là một sự bất bình đẳng không tồn tại trong xã hội dân chủ văn minh.

 

Trong dự thảo Luật cư trú còn có quy định về đăng ký tạm trú tạm vắng. Các vị đại biểu quốc hội của ta đã chất vấn thật là hay về quy định trói buộc này. Đây là một quy định làm cho xã hội có bầu không khí ngột ngạt. Không nên để nước ta bị mang tiếng là một “nhà nước cảnh sát”.

 

Người ta biết là kẻ tội phạm thì chẳng bao giờ khai báo tạm trú tạm vắng. Nếu có thì cũng chỉ là khai báo sai sự thật. Vụ án Năm Cam cho thấy các nhóm tội phạm từ Hà Nội, Hải Phòng vào Sài Gòn cư trú, gây tội ác, tranh cướp nhau địa bàn, hộ khẩu cũng như quản lý cư trú chẳng có tác dụng ngăn chặn tội phạm gì cả. Việc phá được vụ án Năm Cam có lẽ chẳng được nhờ từ chính sách hộ khẩu gì cả.

 

Một nước dân chủ cũng không thể cho phép công an đang đêm gõ cửa nhà dân để vào “kiểm tra hộ khẩu”. Công an của ta không hề bị bó tay, không thể vào nhà dân để điều tra vụ án nào đó. Nếu có đủ dấu hiệu trong nhà đó chứa chấp kẻ tình nghi, thì công an của ta đã được luật pháp cho phép ra lệnh có phê chuẩn của Viện kiểm sát để vào nhà dân kiểm tra. Còn việc lợi dụng chính sách quản lý hộ khẩu để đột xuất vào nhà dân “kiểm tra hộ khẩu” là một việc làm không đúng với quy định về quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân được ghi trong Hiến pháp.

 

Từ năm 1998, chính phủ Na Uy đã chi tiền giúp ta nghiên cứu một chính sách về cơ sở dữ liệu về dân cư. Không thấy dự Luật cư trú tiếp thu dự án đó như thế nào. Xóa bỏ hộ khẩu, chuyển sang tự do đăng ký cư trú, người dân được tự do cư trú ở bất cứ nơi nào mình muốn, giao cho chính quyền quận huyện quản lý cư trú, sẽ là một hướng mới tích cực để vừa khai thông thị trường lao động, vừa quản lý cư trú được chặt chẽ hơn, vừa tạo điều kiện để ta hội nhập được với thế giới.

 

Minh Tuấn

(Từ Tokyo)