Sao có cách quản lý như vậy ở môi trường trí thức?

Tôi rất rất đồng tình với <a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/Vi-sao-toi-danh-tu-bo-nghe-day-hoc/2008/7/244026.vip"> ý kiến của bạn Nguyễn Thanh Mai</a> trên Diễn đàn Dân trí. Cũng là giảng viên trẻ đã 3 năm của một trường Đại học lâu năm tại Hà Nội, nhưng tôi không thấy gắn bó và rất buồn về cung cách quản lý ở đây.

Tôi không hiểu cơ chế quản lý của trường đại học này như thế nào mà mỗi khi một thầy giáo được cất nhắc lên vị trí trưởng bộ môn là có cách điều hành riêng, mang nặng tính chủ quan và áp đặt. Hình như cứ ai lên “sếp” là y như rằng coi văn phòng bộ môn là nhà của mình, bắt nhân viên kê lại đồ đạc, mua tranh ảnh trang trí sắp xếp theo ý mình; Ít khi thấy bàn bạc tập thể hoặc chỉ hỏi “chiếu lệ” rồi lệnh cho mọi người làm theo ý riêng; Không thấy những quy định quản lý được đóng góp ý kiến một cách dân chủ và có tính thuyết phục đối với mọi người.

Nhiều lúc chúng tôi chán nản chẳng muốn tới bộ môn nữa. Thầy trưởng bộ môn cứ nêu ra quy định này, quy định nọ của  nhà trường hoặc của Bộ Giáo dục để đe nẹt, bắt lỗi cán bộ trẻ trong khi chính thầy cũng làm sai, không gương mẫu thực hiện những quy định đó. Khi cán bộ trẻ hỏi lại việc làm sai của thầy thì thầy mắng: "Mày không được soi tao, tao có thể làm sai nhưng chúng mày không được sai".

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Thầy dạy thì bỏ giờ, ăn cắp tiết của sinh viên tại chức nhưng cán bộ trẻ làm như thế thì thầy chửi cho trong cuộc họp bộ môn như hát hay. Nào là chúng ta phải coi trọng kỷ luật giảng dạy, cán bô trẻ coi thường, chưa nghiêm túc trong nghề nghiệp. Thầy lại nói "Cán bộ nhiều tuổi, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, khi đi dạy tại chức có thể lồng ghép các kiến thức, nên có thể dạy nhanh, về sớm. Nếu cán bộ trẻ cũng làm như thế có nghĩa là ăn cắp giờ...".

Trong bộ môn không ai dám cãi lại thầy vì cán bộ có tuổi về hưu sợ thầy không phân lớp đi dạy, trong khi cán bộ trẻ sợ thầy thù thì cả đời khốn khó, không mở mày mở mặt lên được. Sinh hoạt Seminar kiến thức thì coi như “liveshow” của thầy. Thầy thích nói gì thì nói, ai nói ngược lại thì thầy cho rằng ngu không hiểu gì, quát nạt khiến không ai dám bảo vệ ý kiến của của mình.

Nói đến chuyện dạy tại chức thì thật bi hài. Trong cùng một thời gian thầy có thể dạy liền 4 lớp trong 10 ngày, đều học tối. Bao gồm 1 lớp ở Cẩm Phả, một lớp ở Hạ Long, một lớp Uông Bí, và Đông Triều cùng ở Quảng Ninh. Chẳng hiểu thầy phân thân ra dạy kiểu gì. Thế nhưng khi nhìn bảng điểm thì rất ít sinh viên phải thi lại, hầu như đạt hết.

Thật lòng bây giờ, tôi đã rất chán nản, chỉ mong  kiếm được một chỗ làm việc mới ở nơi khác hay đi du học để thoát khỏi cái môi trường mang danh là môi trường trí thức mà sao gia trưởng ngột ngạt thế! Và tôi chắc chắn rằng nhiều cán bộ trẻ ở trường này cũng có ý nghĩ như tôi nhưng còn ngại ngần chưa muốn nói ra vì nhiều lý do khác nhau.

Trung Thực


LTS Dân trí - Bộ môn là nơi trực tiếp quản lý và cũng là nơi sinh hoạt chuyên môn của mọi cán bộ thuộc lĩnh vực chuyên môn đó. Việc chăm lo xây dựng nền nếp quản lý của các trường đại học nên bắt đầu từ việc quan tâm xây dựng các bộ môn.

Bài viết trên đây nói lên nỗi niềm tâm sự của một cán bộ giảng dạy trẻ tuổi sinh hoạt trong một bộ môn của một trong những trường đại học đầu ngành, lâu năm của Hà Nội . Cung cách quản lý theo kiểu gia trưởng của bộ môn này có thể không phải là phổ biến ở nhiều trường đại học. Nhưng dù sao cần có sự lắng nghe và kiểm tra xem những ý kiến phản ảnh đó có đúng sự thật không. Đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên nhằm đưa hoạt động quản lý của các trường đại học đi vào đúng quỹ đạo cần thiết, thể hiện đúng chính sách trọng dụng trí thức như tinh thần Hội nghị Trung ương 7 vừa mới họp đã nêu rõ.

Trong lúc điều kiện kinh tế của đất nước chưa cho phép bảo đảm được đầy đủ về mặt vật chất thì cũng tạo ra được sự thoải mái về mặt tinh thần, khuyến khích cán bộ trẻ phát huy hết năng lực và có điều kiện để thăng tiến. Chỉ có như vậy thì cán bộ trẻ mới có thể yên tâm công tác lâu dài ở các trường đại học, kế tục sự nghiệp của các thầy lớp trước, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ trí thức cho đất nước trong thời kỳ mới đang cần phát triển nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng.