Sữa nhiễm độc: Dấu hỏi về Trách nhiệm và Lương tri

Khi ATVSTP chỉ được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận "lấy lệ", và cơ quan công quyền vẫn ca điệp khúc về lực lượng mỏng, thẩm quyền hạn chế, thiếu sự phối hợp đồng bộ... thì người tiêu dùng chỉ còn biết trông chờ vào lương tri của nhà sản xuất...

Một xã hội không kiểm soát nổi đồ ăn thức uống cho con người, một xã hội hồn nhiên ăn, uống cho đến khi giật mình, hốt hoảng vì bên kia biên giới công bố đó là thức ăn bẩn gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí mang cái chết đến cho con người, lại nhằm đúng vào thế giới trẻ em, mầm non của dân tộc, xã hội đó sẽ đi về đâu? Phát triển kinh tế để làm gì?

 

Vụ sữa sản xuất tại Trung quốc bị nhiễm độc uống vào gây suy thận cho trẻ em đã làm cả thế giới xôn xao, đến giờ này những câu hỏi về con đường đi và sự hiện diện của loại sữa này trong thị trường Việt Nam và trong ngăn tủ lạnh của bao gia đình vẫn còn bỏ ngỏ gây hoang mang trong xã hội.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Sữa độc chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ về ATVSTP thiếu kiểm soát ở đất nước ta.

 

Trách nhiệm thuộc về ai?

 

Trách nhiệm đầu tiên có lẽ thuộc về cục ATVSTP - Bộ Y tế, bởi bất cứ thứ gì liên quan đến sự ăn, uống của con người muốn qua biên giới vào Việt Nam đều phải đi qua cửa ngõ đầu tiên là Cục ATVSTP. Chỉ khi nhà nhập khẩu đã đăng ký nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm và được Cục ATVSTP cấp giấy chứng nhận, sản phẩm đó mới được phép nhập về.

 

Khi vụ bê bối sữa độc bùng nổ ở Trung Quốc, người có trách nhiệm ở Bộ Y tế vẫn trả lời tỉnh bơ trên báo chí rằng "sữa melamine chưa phải là vấn đề của Việt Nam"; "chưa có sản phẩm sữa Trung Quốc nào nhập khẩu chính thức vào Việt Nam"...Trong khi đó, YiLi, một trong 22 nhà sản xuất có sản phẩm melamine đã được công nhận tiêu chuẩn chất lượng từ tháng 3 - 2008 chính tại Bộ Y tế! Sản phẩm YiLi tại Việt Nam cũng có melamine, chưa kể có tới 11 loại sữa xuất xứ Trung quốc khác cũng đã công bố tiêu chuẩn chất lượng, nhưng Bộ Y tế không nhớ bởi mãi mới...tìm thấy hồ sơ!!!

 

Câu hỏi đặt ra là những loại sữa nhập về từ Trung Quốc được cấp phép sao vẫn có độc chất? Và những loại sữa trôi nổi không nhãn mác sao vẫn cứ lọt qua biên giới và ngang nhiên bày bán tại thị trường Việt Nam?

 

Cho dù căn cứ trên những qui định nào thì trách nhiệm thuộc các cơ quan công quyền là Cục ATVSTP, Hải quan và Quản lí thị trường là trách nhiệm không thể chối bỏ.

 

Bên cạnh đó, vai trò của hội bảo vệ người tiêu dùng ở đâu trong vụ việc này, khi mà hầu như chưa thấy họ lên tiếng?

 

Trong tình hình nước sôi lửa bỏng hiện nay, các biện pháp đủ mạnh và khả thi để can thiệp vào tình hình hầu như chưa được đưa ra và triển khai. Cục ATVSTP không nhớ là đã cấp phép cho những loại sữa nào từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Cơ quan xét nghiệm loại sữa nào nhiễm độc thì kêu quá tải không đủ sức công bố nhanh để hướng dẫn người tiêu dùng...Và việc công bố công khai như Bộ Y tế đã hứa cũng hết sức nhỏ giọt.

 

Thiếu một người cầm cân nảy mực đảm bảo chỉ ra đích danh "ông lớn" sản xuất sữa nào của Việt Nam an toàn, bản năng phòng vệ của cộng đồng còn một lựa chọn duy nhất: nhịn sữa, tốt nhất là với tất cả các loại sữa, và sản phẩm từ sữa, bởi không ai biết phế phẩm từ sữa của các công ty nào không dùng sữa Trung Quốc.

 

Và lương tri ở đâu?

 

Cầm bất kỳ tờ báo nào trên tay, hay nhấp chuột vào một tờ báo mạng nào, có lẽ bất kỳ người dân Việt Nam nào còn chút suy tư về thế cuộc không thể không động lòng vì nhan nhản các tít đập ngay vào mắt rằng ở chỗ ấy, nơi nọ hàng trăm công nhân, hàng chục em học sinh bị ngộ độc thức ăn, rồi đồ uống này, nguồn thịt kia, loại rau nọ có hàm lượng độc tố vượt ngưỡng cho phép...

 

Ngày nay với sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông và Internet, cái sự “ăn bẩn” chả dấu được ai ở tầm qui mô quốc gia. Vấn đề ATVSTP có thể được xem như hiện diện văn minh, đẳng cấp của một con người, một cộng đồng và rộng hơn là một dân tộc.

 

Nói quá lên, tôi nhìn bạn ăn thế nào, tôi biết bạn là ai?

 

Trong khi đó, bàn đến vấn đề ATVSTP của Việt Nam, người tiêu dùng lại nhận được điệp khúc muôn thuở từ các cơ quan công quyền: lực lượng quá mỏng, vừa thiếu lại vừa yếu; Thẩm quyền hạn chế, chế tài không đủ mạnh; Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; Trang thiết bị lạc hậu vì thiếu tiền; Phân cấp lỏng lẻo, chồng chéo...

 

Áp những lí do biện bạch này vào lĩnh vực nào cũng đúng, chỉ có người dân đang lao động cống hiến cho dựng xây đất nước là cam chịu thiệt thòi.

 

Điệp khúc ấy vô tình tiếp sức cho các nhà kinh doanh dịch vụ ăn, uống mặc sức kinh doanh trên sức khỏe con người.

 

Ở xứ ta, đâu đâu cũng thấy hàng ăn, quán uống tự phát mọc lên. Quán nào văn minh lắm thì chủ quán và nhân viên đi khám sức khỏe "lấy lệ" và được UBND phường cấp cho "văn bằng", gọi là “Đăng ký đảm bảo ATVSTP” và xem đó như là yếu tố của thực hành pháp luật.

 

Trong tình hình ấy, chúng ta chỉ còn cách đánh thức một thứ "xa xỉ", được gọi là “lương tri”, dù cách này không hợp nguyên tắc xây dựng xã hội pháp quyền.

 

Nói cách khác, người tiêu dùng  buộc phải vịn đỡ vào chiếc gậy “lương tri” của con người: lương tri của những người nông dân, công nhân sản xuất ra lương thực, thực phẩm, của các nhà kinh doanh, chế biến thực phẩm, và của những nhà đang ngày đêm suy nghĩ vận hành cỗ xe thương mại Việt Nam hội nhập với dòng chảy thương mại toàn cầu.

 

Và ngay mới hôm qua, ngày 29/9, Bộ Y tế kêu gọi trách nhiệm công dân của các doanh nghiệp, đề nghị họ tự mang mẫu sản phẩm sữa/ sử dụng nguyên liệu sữa đi xét nghiệm. Nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước cũng đang trông chờ vào "lương tri" của nhà sản xuất!

 

Trong lúc người tiêu dùng Việt Nam trông chờ vào lương tri thay pháp quyền, thì các nước, việc áp dụng nguyên tắc pháp quyền rất chặt chẽ và hiệu quả. Quy trình kiểm tra VSATTP của các nước này cực kỳ nghiêm ngặt, và bất kỳ quán ăn, nhà hàng nào vi phạm sẽ bị rút phép kinh doanh.

 

Và giải pháp?

 

Chưa nói đến quản lý ở tầm vĩ mô, vấn đề trước hết giải quyết ở cơ sở. Cách tốt nhất là Nhà nước dành tiền của dân để đầu tư mạnh mẽ cho chính quyền cơ sở - cơ quan Nhà nước gần dân nhất, biết rõ và lắng nghe rõ nhất hơi thở của cuộc sống để quản lí các vấn đề về ATVSTP nói riêng và các vấn đề liên quan đến cuộc sống con người.

 

Nếu trao quyền và nâng cao năng lực của trạm y tế xã, phường đủ mạnh để tham mưu và đại diện cho chính quyền cơ sở trong công tác quản lí, kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh, ăn uống, chế biến và phân phối sản phẩm thực phẩm, cùng với đó hiện đại hóa và đầu tư rộng rãi các cơ sở phân tích, xét nghiệm thực phẩm đủ khả năng đưa ra kết quả trong ngày thiết nghĩ sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt bảo vệ sức khỏe người dân.

 

Theo BS. Hòa Minh Tân
TuanVietNam