Tài xế ô tô "biểu diễn" drift trước Nhà hát Lớn đối diện hình phạt nào?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo luật sư, tội gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt đến 05 triệu đồng khi bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phạt tiền đến 50 triệu đồng, phạt tù đến 07 năm khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như đã đưa tin, rạng sáng ngày 17/4, xe ô tô nhãn hiệu Nissan, màu trắng, BKS 30H-694.04 do một nam thanh niên điều khiển tốc độ cao, rú ga, drift xe nhiều vòng quanh bùng binh trước Nhà hát lớn, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn cho người tham gia giao thông.

Danh tính nam thanh niên điều khiển xe ô tô trên là Nguyễn Ngọc Thắng, sinh năm 1984, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Tài xế ô tô biểu diễn drift trước Nhà hát Lớn đối diện hình phạt nào? - 1

Hình ảnh chiếc ô tô drift trước Nhà hát Lớn (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, drift xe là một kỹ thuật phổ biến được các vận động viên đua xe thực hiện trên các chặng đua hoặc biểu diễn chuyên nghiệp. Đây là một môn thể thao đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao, những màn drift khi được thực hiện thành công luôn rất đẹp mắt, tuy nhiên nếu có gì đó sơ sẩy, nó có thể dẫn tai nạn và thương vong.

Tại Ả-Rập Xê-út, drift xe bị coi là phạm tội hình sự thay vì chỉ là vi phạm luật giao thông như trước đây. Theo đó, tài xế bị bắt khi drift lần đầu sẽ bị tịch thu phương tiện một tháng và nộp phạt 2.700 USD.

Hình phạt của lần thứ 2 sẽ là tịch thu phương tiện 3 tháng, nộp phạt 5.400 USD cùng việc tài xế ngồi tù từ 6 tháng đến một năm. Đến lần thứ 3, phương tiện sẽ bị tịch thu từ 1 đến 5 năm và cứ khi bị bắt thêm một lần thì tiền phạt sẽ tăng gấp đôi.

Hành khách và người xem cũng không thể thoát tội. Nếu bị bắt gặp, những người này sẽ phải nộp 400 USD và tịch thu phương tiện 15 ngày nếu có.

Tại Việt Nam, pháp luật chưa có quy định chi tiết về việc xử phạt lái xe ô tô với hành vi drift xe nên việc ra lệnh bắt đối với tài xế này với tội danh Gây rối trật tự công cộng là có căn cứ và đúng theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Gây rối trật tự cộng biểu hiện qua các hành vi cụ thể như:

- Lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác;

- Hành vi phá phách hoặc làm ô uế các công trình, thiết bị nơi công cộng;

- Hò hét, tạo tiếng động gây ầm ĩ, đua xe máy trái phép...

Các hành vi gây rối trật tự công cộng được thực hiện ở những địa điểm như rạp chiếu phim, rạp hát, sân vận động, công viên, đường phố,... Ở đó, các hoạt động chung được diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên.

Như vậy, hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tội Gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt tiền đến 05 triệu đồng khi bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phạt tiền đến 50 triệu đồng, phạt tù đến 07 năm khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tài xế ô tô biểu diễn drift trước Nhà hát Lớn đối diện hình phạt nào? - 2

Thắng tại cơ quan công an (Ảnh: Công an cung cấp).

Trong đó, Điều 318 Bộ luật Hình sự quy định, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Khung tăng nặng của tội này là bị phạt tù từ 02 - 07 năm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Phạm tội có tổ chức;

- Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

- Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

- Xúi giục người khác gây rối;

- Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

- Tái phạm nguy hiểm.