Thi mô phỏng sát hạch lái xe: Lái xe phanh bằng chân, sao thi lại dùng tay?

PV

(Dân trí) - Ngoài những ý kiến ủng hộ, nhiều người phản đối với việc áp dụng phần mô phỏng vào bài thi sát hạch. Họ cho rằng bài thi này cần bị loại bỏ và tăng thêm số giờ lái trên thực tế cho học viên.

Trong năm 2023, lượng người đăng ký đào tạo lái xe ô tô tại TPHCM tăng đột biến, các trung tâm sát hạch phải tăng cường mở nhiều khóa thi mỗi tháng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, theo thống kê tới tháng 11, có tới gần 120.000 người đã thi trượt sát hạch lái xe.

Theo nhiều học viên, việc Cục Đường bộ Việt Nam đưa thêm bài thi mô phỏng với 120 tình huống khiến việc sở hữu giấy phép lái xe nay trở nên vô cùng khó khăn. Làm phép so sánh, nhiều người đùa vui rằng thi giấy phép lái xe hiện nay còn "khó hơn thi đại học".

Trước thực trạng trên, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ trước việc siết chặt quy trình cấp giấy phép lái xe nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như an toàn cho những người tham gia giao thông. Ngược lại, không ít ý kiến lại cho rằng việc áp dụng bài thi mô phỏng là không cần thiết, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

Thi mô phỏng sát hạch lái xe: Lái xe phanh bằng chân, sao thi lại dùng tay? - 1

Học viên đang học phần cabin tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi (Ảnh: An Huy).

"Càng thi khó, bằng lái càng chất lượng chứ sao?"

Theo luồng quan điểm ủng hộ, độc giả Vo Quang Trung bình luận dưới bài viết Người thi sát hạch giấy phép lái xe ở TPHCM than khó hơn thi đại học : "Tôi thấy thi bằng lái ô tô nghiêm, chặt là đúng đắn. Một thời gian bị buông lỏng, chất lượng không tốt gây tai nạn nhiều, bức xúc dư luận. Chỉ có đề nghị là đề bài không nên theo kiểu đánh đố và thiết bị thi cử phải đạt chuẩn, không đánh trượt người thi vì lỗi của thiết bị".

Chung quan điểm, độc giả Hà Chiến viết: "Khó hơn thì đại học là đúng rồi vì liên quan tới an toàn giao thông và sinh mạng con người. Thi đại học trường top thì mới đáng kể, còn mấy trường thiếu chỉ tiêu không đủ học sinh mà học. Thi bằng lái xe mà ví với đại học thì khập khiễng quá".

"Tham gia giao thông thực tế không những khó mà còn nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Bởi vậy, sát hạch càng kỹ thì càng giảm được những người kỹ năng và ý thức kém tham gia giao thông", người dùng Phong PT bày tỏ ý kiến.

"Khó lên vì hiện ngoài đường rất nhiều ô tô rồi, càng ít người đỗ càng tốt. Nước ngoài họ đào tạo cả năm, đi rất nhiều loại đường và xử lý rất nhiều tình huống, người học hiểu cả hoạt động của ô tô rồi nên khi lấy bằng họ mới thành thạo được", một ý kiến tới từ độc giả Quang Tran.

Trong khi đó, đánh giá vấn đề dưới góc nhìn của một người lái xe lâu năm, anh Truong Nguyen Ngoc cho rằng việc áp dụng bài thi mô phỏng là rất cần thiết, bởi nếu xử lý sai tình huống trên máy thì có thể rút kinh nghiệm trên thực tế, nhưng nếu sai lầm trên thực tế thì không còn cơ hội để sửa chữa.

"Theo kinh nghiệm của người lái xe lâu năm, tôi nghĩ nên áp dụng chặt chẽ hơn để người thi chịu khó học và hiểu. Mô phỏng rất tốt vì trường hợp sai trong mô phỏng, có thể rút kinh nghiệm cho lần thi tiếp theo và có thể xử lý tốt sau khi có bằng lái, thay vì phải trả giá cho trải nghiệm thực tế. Trước đây, bằng lái quá dễ lấy vì được tạo nhiều điều kiện. Bởi vậy, có rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do sự thiếu hụt kỹ năng và hiểu biết", độc giả này bình luận.

"Phải tổ chức, giám sát thi thật thì mới hạn chế được những tai nạn giao thông trên đường. Trước đây bằng lái cấp một cách ồ ạt, rồi còn hiện tượng ghi danh mua bằng, rất láo nháo, lộn xộn. Phải đào tạo người cầm vô lăng có ý thức khi tham gia giao thông, có đạo đức khi ngồi sau tay lái chứ không thể cấp bừa, cấp ẩu được", chủ tài khoản Accountant Athena Cruise viết.

Cũng bày tỏ sự ủng hộ, anh Muoi Tran Van cho rằng việc áp dụng thêm bài thi mô phỏng không chỉ giúp cải thiện chất lượng người được cấp bằng mà còn giảm thiểu đáng kể tiêu cực trong việc cấp phép. Bởi vậy, cần tiếp tục áp dụng, đẩy mạnh hình thức thi như hiện nay.

"Càng khó càng chất lượng bằng lái chứ sao? Nay thi thực hành có sự quản lý chặt chẽ qua hệ thống máy tính nên không thể thi hộ được, thế là phần nào đã chống được tiêu cực rồi", người này bình luận.

Thi mô phỏng sát hạch lái xe: Lái xe phanh bằng chân, sao thi lại dùng tay? - 2

Học viên đang học sa hình tại một trung tâm sát hạch giấy phép lái xe (Ảnh: Tường Nguyên).

Lái xe bằng chân, sao lại bắt thi bằng tay?

Bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ, việc áp dụng chương trình giảng dạy, đào tạo như hiện tại cũng vấp phải vô số sự phản đối. Nhiều người cho rằng việc thi mô phỏng là không thiết thực, gây lãng phí, tốn kém về thời gian, công sức và tiền của. Thay vào đó, nên tăng số giờ chạy trên đường nhằm tăng trải nghiệm thực tế và cải thiện kỹ năng "thực chiến", xử lý tình huống của các học viên.

Anh Minh Long Lê chia sẻ: "Đề nghị đưa mô phỏng vào giảng dạy, để học viên biết chứ không nên thi vì không sát thực tế. Trong số 120.000 người thi trượt sẽ có nhiều người bị mất đi cơ hội việc làm và các hãng xe vô tình cũng bị giảm doanh thu bởi hệ quả của việc đào tạo như này".

"Nên bỏ thi mô phỏng, dành thời gian rèn kỹ năng đi đèo, dốc, cua ngoặt, tập kỹ năng dồn số, xử lý tình huống bất ngờ trên đường trường, đèo, dốc đứng, xử lý trường hợp xe gặp sự cố, phanh đột ngột… Cứ học và thi trên mô phỏng, xa với thực tế, tốn kém chi phí học viên mà không hiệu quả. Phần thi mô phỏng thiếu sát thực, đánh đố, nên bỏ phần thi này", độc giả Quoc Linh phân tích.

Tương tự, anh Khiêm BG nêu quan điểm: "Kỹ năng lái xe là khả năng xử lý tình huống vô điều kiện, gần như là phản xạ tự nhiên được đúc rút từ thực tế vận hành. Nó là tập hợp phản xạ của nhiều giác quan như thính giác, thị giác, xúc giác… và phản xạ bằng chân chứ không phải căng mắt chờ tình huống rồi dùng tay gõ nút space. Chưa kể những tình huống giống hệt nhau nhưng cách bấm, thang điểm lại khác nhau.

Thay vì phí thời gian, tiền của, công sức cho phần thi này, nên tăng thời gian và số km thực tế bắt buộc trên đường lên hàng nghìn km đi. Như vậy tay lái sẽ cứng, kinh nghiệm thực tế tốt và khả năng xử lý cũng tốt hơn không?".

"Tôi thấy buồn cười khi lái xe thực tế thì xử lý các tình huống cơ bản bằng chân, nhưng khi thi mô phỏng lại bằng tay. Hài hước và thiếu thực tiễn", người dùng Hoàng Hóa Lê bình luận hóm hỉnh.

Còn với độc giả Binh Nguyen Thanh, anh cho rằng việc thi mô phỏng không khác gì một dạng trò chơi điện tử. Anh viết: "Một dạng trò chơi điện tử, nhiều người khó vượt qua được. Hơn nữa, giao thông Việt Nam khác và phức tạp hơn nên cứ cho chạy thực hành nhiều còn bổ ích hơn".

Chung quan điểm, người dùng có nickname Since 1990 tiếp lời: "Đây là trò chơi điện tử hành động mạo hiểm, là lối chơi "Được ăn cả, ngả về không" đấy, mô phỏng đâu mà mô phỏng. Cái này tập người chơi thói quen cực kỳ nguy hiểm, vì né điểm 5 nên chờ sát nút rồi mới xử lý. Còn không thì mạo hiểm ăn 5, trượt thì rớt. Cái này không phải mô phỏng, chỉ là kiểu trò chơi vượt bài thi, mọi người không nên xem nó như bài luyện lái xe, rất nguy hiểm".

"Không ở đâu mà chi phí để có bằng lái ô tô lại cao như Việt Nam, tổng chi phí để có bằng lái xe hiện nay ước tính phải lên đến 25 triệu đồng", "Nên cho trượt phần nào thi lại phần đó. Học sa hình mãi mà cứ trượt mô phỏng không được xuống sa hình như vậy, rất tốn kém và mất thời gian. Mỗi lần thi phải thuê xe vài tiếng chạy sa hình rất tốn tiền";

"Nên bỏ vì không sát thực, nên tăng lượng giờ lái lên là hợp lý nhất", "Máy móc, dập khuôn, thiếu thực tế. Mong các vị nghiên cứu kỹ, coi chừng lãng phí cho xã hội"… hàng loạt ý kiến phản đối khác được độc giả nêu ra với quan điểm chung là việc thi mô phỏng hiện nay thiếu thực tế, gây lãng phí, tốn kém về thời gian và tiền bạc của xã hội.

Hoàng Linh