Thói xấu cần sửa

Những năm gần đây trong xã hội ta, thấy xuất hiện ngày càng nhiều những thói xấu trong nếp sinh hoạt cũng như cách ứng xử thiếu văn hoá, cách ăn nói bỗ bã, thô tục, mất hết sự nhuần nhị và trong sáng của tiếng Việt...

Tôi xin mạo muội nêu ra những thói xấu mà dường như ai cũng biết nhưng coi thường và chưa thực lòng muốn sửa.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

1. Mọi người có thói quen vứt rác bừa bãi. Tật xấu này hầu như phổ biến, từ các thành phố cho đến các vùng nông thôn. Ngay ở trung tâm của Thủ đô, như khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng không tránh khỏi tật xấu này. Những người khách ngoạn cảnh ở đây cứ “hồn nhiên” vứt bừa bài vỏ hạt dưa, giấy kẹo, giấy bọc kem, que kem ra mọi nơi, mọi chỗ, mặc dù quanh hồ cứ cách khoảng chừng 20 mét lại có một thùng rác.

 

2. Hái hoa bẻ cành, giẫm đạp lên thảm cỏ trong công viên, phá hoại cảnh quan của môi trường, làm thương tổn cái đẹp của thiên nhiên. Chuyện đó thường xảy ra trong những ngày nghỉ, nhất là các ngày lễ hội; còn xẩy ra phổ biến trong đêm giao thừa. Mọi người đều muốn mang lộc về nhà, nhưng lộc ở đây là gì? tại sao lộc lại ở cành cây? Chẳng qua là trên cành cây có lộc non nhú ra vào mùa xuân. Chỉ vì cái sự trùng hợp ngẫu nhiên của chữ " LỘC" mà người ta phá hoại thiên nhiên. Rồi đến việc ngắt hoa bẻ cành ở trong các lễ hội hoa đã trở thành phổ biến và lặp đi lặp lại ngay trên đất Thăng long ngàn năm văn hiến!

 

3. Thái độ ích kỉ, chỉ biết mình. Nếu không ích kỉ thì chắc hẳn không có hiện tượng  vứt rác bừa bãi, hái hoa bẻ cành ở các lễ hội hoa. Việc ích kỉ có liên quan tự nhiên với hai thói xấu trên và gây ra nhiều thói xấu khác. Những người có thói xấu này chỉ biết đến mình, đến nhà mình, còn không quan tâm đến môi trường công cộng. Ví như chỉ cần nhà mình sạch là được còn rác bẩn vứt ra ngoài đường, ra công viên thì không hề quan tâm. Thấy người già lật đật qua đường hay thấy người không may bị hoạn nạn không hề động lòng trắc ẩn và không  giúp đỡ. Tính ích kỷ tham lam đó cũng là nguyên nhân dẫn tới tham ô và tham nhũng...

 

4. Chuyện ăn nói bỗ bã, thỉnh thoảng lại đệm những chữ thật tục tĩu vào giữa câu nói đã trở thành “mốt” ăn nói của thanh thiếu niên và một số người tuổi trung niên thời nay. Rồi chuyện nói xấu người vắng mặt, hay chuyện “buôn dưa lê” cũng trở thành khá phổ biến. Điều này thể hiện rất lộ liễu và là chuyện hằng ngày, ai cũng thấy. không cần đến những công trình nghiên cứu, điều tra của các nhà khoa học. Nói xấu, buôn dưa lê xẩy ra rất nhiều ở những người có nhiều  thời gian rỗi mà không biết làm gì. Những người không nghề nghiệp hay ngồi tán chuyện ở quán nước vỉa hè, những người làm cơ quan nhà nước nhàn rỗi việc, cả những sinh viên lười học… họ đều là những đối tượng có khả năng thể hiện tật xấu này nhiều nhất.

 

Trên đây là một số thói xấu khá phổ biến của người Việt Nam ta, vậy cần làm gì để khắc phục những thói xấu đó? Trong phạm vi hiểu biết của một cá nhân, tôi xin đóng góp một số ý kiến:
 

Ông cha ta thường nói “Dạy con từ thủa còn thơ”. Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục thế hệ trẻ từ cách ăn nói đến nếp sống, uốn nắn những thói hư tật xấu ngay từ lúc còn nhỏ và người lớn phải là tấm gương sáng cho chúng học tập. Tôi đã từng thấy những cặp vợ chồng đưa con đi chơi công viên, con đòi hái hoa cũng chiều theo ý con. Những đứa trẻ như vậy khi lớn lên thành thanh niên đưa người yêu đi dự lễ hội hoa tất nhiên chúng dễ dàng ngắt hoa để tặng người yêu của mình.

 

Vì vậy, giáo dục đạo đức và nếp sống có trách nhiệm, có ý thức là một nhiệm vụ cần được coi trọng đối với mọi gia đình cũng như mọi nhà trường, từ mẫu giáo đến đại học.

 

Đây còn là trách nhiệm của các đoàn thể, các tổ chức xã hội; của các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là.Đài Truyền hình và Đài Phát thanh có phạm vị hoạt động cũng như đối tượng phục vụ bao trùm cả nước. Tôi rất mong các cơ quan thông tin đại chúng đóng góp tích cực vào việc phê phán những thói hư tật xấu bằng nhiều thể loại báo chí và văn nghệ thu hút được nhiều người xem, nhiều người đọc, đem lại hiệu quả thiết thực về dục đạo đức, nhân cách và nếp sống cho nhiều đối tượng khác nhau.

 

Để việc đó trở thành hiện thực thì cần phải có sự  quan tâm chỉ đạo và đầu tư của nhà nước cho các cơ quan thông tin đại chúng để triển khai rộng rãi việc thực hiện chủ đề giáo dục đạo đức và nếp sống bằng các chương trình và thể loại thích hợp với những đối tượng khác nhau, nhất là nhi đồng và thanh thiếu niên.

 

Bên cạnh giáo dục ý thức thì tôi thiết nghĩ cũng cần phải có những chế tài xử phạt thật nặng cho những người có hành vi xấu ở địa bàn công cộng như vứt rác, hái hoa bẻ cành, đi xe trong công viên; phạt nặng cả những kẻ ăn nói tục tĩu, khạc nhổ bậy bạ và phóng uế ở địa bàn công cộng. Công việc xử phạt có thể giao cho công an, cảnh sát, bộ đội, và lực lượng an ninh địa phương. Cần tiến hành đồng loạt và quyết liệt như xử phạt vi phạm an toàn giao thông hay không đội mũ bảo hiểm.

 

Tôi hy vọng rằng bằng những biện pháp trên đây, chúng ta sẽ từng bước đẩy lùi được thói hư tật xấu, xây dựng môi trường văn hóa trong nếp sống cũng như cách ứng xử của người Việt Nam ta.

 

Thạc sỹ Nguyễn Anh Hai

 

LTS Dân trí - Nhận diện đúng những thói xấu có tính phổ biến của dân mình để từ đấy có thái độ đoạn tuyệt với những thói xấu đó thì đấy là dấu hiệu đáng mừng trong quá trình xây dựng nếp sống văn minh của xã hội hiện đại.

 

Những thói xấu được nêu ra trong bài viết trên đây cùng những biện pháp khắc phục được tác giả đề xuất là những đóng góp đáng quan tâm.

 

Mong rằng các cơ quan có trách nhiệm quản lý về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an ninh cũng như mọi gia đình, mọi người dân hãy dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục đạo đức và xây dựng nếp sống văn minh ở mọi nơi mọi lúc, nhất là ở những địa bàn công cộng.