Tránh xu hướng hình thức trong hoạt động giáo dục

(Dân trí) - Trước thềm năm học mới, Bộ GD-ĐT có chỉ thị số 4899/CT-BGDĐT ngày 4/8/2009“ về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2009 - 2010”.

Là một cán bộ trong ngành, xin được mạnh dạn đóng góp ý kiến về một số điểm nhận thấy có tính chất hình thức và chưa sát thực tế…

 

Xin được bàn về một số nội dung thuộc mục “1.3. Về phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Chỉ thị nói trên.

 

- Về việc tổ chức lễ khai giảng, chỉ thị viết: “Tổ chức lễ khai giảng năm học mới có cả phần “Lễ” và phần “Hội”: tổ chức “Lễ” trang trọng, tổ chức phần “Hội” với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian tươi vui, sinh động, tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới”.

 

Ý tưởng thì rất hay, song để thực hiện thành công không dễ. Các trường phải chuẩn bị, tập luyện mất thời gian, tốn kém... Nhất là học sinh (HS) vừa mới nghỉ hè, chưa tập trung được như đang học bình thường; mặt khác, nhiều trò chơi dân gian đã không tồn tại trong sinh hoạt hàng ngày của HS, việc tổ chức sẽ khó khăn. Các trường đông HS còn thêm nỗi lo về phòng bệnh cụm A (H1N1) và an ninh trật tự.          

 

Tổ chức khai giảng với quy mô như vậy, thời gian tập trung toàn trường sẽ kéo dài trong lúc bệnh cúm A (H1N1) đang có xu hướng lây lan mạnh thì e rằng sẽ bất lợi, nếu không may gặp thời tiết không thuận lợi thì khó mà thực hiện được.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Theo chúng tôi, lễ khai giảng nên tổ chức ngắn gọn, trang trọng, tạo điều kiện cho các em gặp gỡ, giao lưu với thầy cô, bạn bè, và mỗi trường, mỗi địa phương sẽ tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mà có cách tổ chức phù hợp.

 

 - Việc “Tổ chức “Lễ Tri ân và trưởng thành” cho học sinh lớp 12” cũng còn mang tính hình thức. Đến nay vẫn chưa biết sẽ tổ chức lễ này như thế nào, bao gồm những hoạt động gì? Ở góc độ một giáo viên (GV), chúng tôi thiết nghĩ nhà giáo cũng chỉ là một công chức, có nhiệm vụ giáo dục HS theo chuyên môn đào tạo và nhiệm vụ được phân công, và đã được trả lương.
 
Vì vậy, nhà giáo hay nhà trường không nên đặt ra vấn đề buộc HS phải biết ơn mình. Nếu các em biết ơn cha mẹ, thầy cô thì hãy thể hiện bằng cách cố gắng học tập, tu dưỡng cho tốt, hoặc hãy để các em thể hiện tình cảm ấy một cách tự nhiên, chân thành, không nên tổ chức theo lối hình thức. Đặc biệt là nhà trường, các GV không nên đứng ra tổ chức lễ này, vì làm thế chẳng khác gì tự mua quà để tặng mình.

 

- Chỉ thị nêu rõ “Mỗi địa phương (tỉnh, huyện) tuyên dương, khen thưởng 01 thầy giáo và 01 cô giáo được học sinh yêu quý nhất do học sinh và các tổ chức xã hội, các cựu học sinh tôn vinh”.
 
Việc làm này cũng còn nhiều bất cập, bởi vì mỗi địa phương có rất nhiều thầy cô giáo, nhưng HS chỉ biết rõ về những người trực tiếp dạy mình. Các cựu HS cũng chỉ biết về người đã dạy mình, các tổ chức xã hội nắm thông tin về GV cũng không đầy đủ.
 
Việc bình chọn do đó sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ gây tranh cãi. Cách làm này có gì đó tương tự như việc bình chọn các nghệ sỹ, hoa hậu, nhưng vì nhà giáo không phải là “người của công chúng” nên việc bình chọn sẽ phát sinh nhiều rắc rối.

 

- Chỉ thị còn nhắc đến việc các trường nhận chăm sóc các các công trình, di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng, các nghĩa trang liệt sĩ; Tổ chức thi hát dân ca, hát về ngành giáo dục.
 
Thiết nghĩ việc chăm sóc các công trình, di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng, các nghĩa trang liệt sĩ là nhiệm vụ của chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích. Các trường chỉ nên tổ chức phối hợp chăm sóc chứ không nhận chăm sóc như nhiệm vụ chính.
 
Việc chăm sóc cũng cần tổ chức sao cho có tác dụng giáo dục ý thức học sinh nhưng không ảnh hưởng nhiều đến thời gian học tập của HS. Việc tổ chức thi ca hát cũng cần tổ chức sao cho khỏi tốn kém, hoặc nặng về thành tích hơn thua.

 

Với chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, thiết nghĩ ngành giáo dục nên giảm bớt những hoạt động mang tính hình thức, tập trung vào những công việc thiết thực để thực hiện thành công nhiệm vụ năm học.

 

                                                                    Trọng Nghĩa

 

LTS Dân trí - Phấn đấu theo đúng chủ đề của “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, toàn ngành giáo dục cũng như mỗi trường có rất nhiều việc thiết thực cần làm, trước hết là tập trung sức lực của cả thầy và trò vào việc dạy tốt và học tốt ngay từ ngày đầu buổi đầu của năm học mới để thực hiện bằng được mục tiêu: nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Bỏ qua những hoạt động mang tính hình thức không cần thiết cũng chính là đổi mới quản lý để tập trung vào nhiệm vụ trung tâm của nhà trường là Dạy tốt và Học tốt.