Từ trường hợp Nhật ký Anne Frank nghĩ về Đặng Thùy Trâm

(Dân trí) - Khi cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được phát hành, nhiều bạn đọc đã ví nó với cuốn nhật ký được viết bằng tiếng Đức của của Anne Frank. Và điều đó hoàn toàn dễ hiểu.

Anne Frank sinh năm 1929 tại Frankfur (Đức), sống ở Hà Lan, và mất năm 1945 tại trại tập trung Bensen của Phát xít Đức, khi 16 tuổi. Cô gái Do thái nhỏ bé, yếu đuối đó chỉ để lại phía sau cuộc đời ngắn ngủi của mình duy nhất một cuốn nhật ký ghi lại những việc hàng ngày xảy ra xung quanh cô trong hai năm một tháng. Nhưng cô đã, đang và sẽ mãi mãi là một biểu tượng của khát vọng sống, của lòng yêu tự do, hoà bình, chống lại chiến tranh, nạn diệt chủng, bạo lực, bất công và kỳ thị.

Ngày nay cuốn Nhật ký của cô vẫn được đọc trên khắp thế giới, tên cô có trong mọi cuốn từ điển giải nghĩa, các cuốn phim, kịch về cô vẫn được mọi người xem, tên cô được tìm kiếm thường xuyên trên mạng internet, địa chỉ gia đình Frank ở Amstecdam (Hà Lan) vẫn được khách du lịch ghé thăm, bài hát “May it be” của ca sỹ nổi tiếng Enya vang lên trong phần cuối của bộ phim về cuộc đời cô vẫn luôn khiến trái tim chúng ta như bị bóp nghẹt và làm rơi lệ bao người mẹ mất con…

Anne Frank dường như vẫn còn sống ở một nơi nào đó trên hành tinh này…

 
Từ trường hợp Nhật ký Anne Frank nghĩ về Đặng Thùy Trâm - 1
Từ trường hợp Nhật ký Anne Frank nghĩ về Đặng Thùy Trâm
<:o:p>Khi cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được phát hành, nhiều bạn đọc đã ví nó với cuốn nhật ký được viết bằng tiếng Đức của của Anne Frank. Và điều đó hoàn toàn dễ hiểu.

Đặng Thùy Trâm cũng đã thành một biểu tượng cho mong ước được sống trong hòa bình của mỗi chúng ta.

Chúng ta cũng có những bộ phim truyện, phim tài liệu, truyện, ký… về cuộc đời người nữ bác sỹ Hà Nội đã sống, chiến đấu và hy sinh ở Quảng Ngãi đó.

Chắc chắn chúng ta có thể làm hơn thế.

 

Sau sự kiện 1000 năm Thăng Long, du lịch Hà Nội đang đứng trước một cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta chưa có thêm nhiều cái mới cho các tour du lịch đến Hà Nội.

Nhân trường hợp cuốn nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm chúng ta có nên đưa khách du lịch đến những địa chỉ đã từng là nơi chị Trâm sinh ra, lớn lên, từng theo học và chia tay người thân lên đường ra trận?

Những nơi đó sẽ khiến mọi người càng hiểu thêm về người con gái anh hùng và do đó càng hiểu thêm về Việt Nam, về Hà Nội.

Từ suy nghĩ đó tôi những muốn được nhìn thấy, một ngày nào đó, Nhà lưu niệm Đặng Thùy Trâm giữa thủ đô Hà Nội với nhiều hình ảnh và hiện vật trưng bày sinh động, khiến cho chúng ta càng thêm yêu cuộc sống hoà bình, càng thêm trân trọng những hy sinh mất mát của dân tộc mình, càng muốn cống hiến nhiều hơn cho nhân dân mình, Tổ Quốc mình.

Không bao giờ là muộn và là khó khăn đối với những việc như vậy.

Nhật ký của chị đã lưu lạc hơn ba mươi năm.

Còn nơi gia đình chị sống trước năm 1965 vẫn còn đó, trường Chu Văn An, trường Đại học Y vẫn còn đó, nơi chị yên nghỉ cùng đồng đội cũng không xa xôi gì… Những người thân của chị vẫn còn có thể kể lại những hồi ức về chị.

Ngoài những việc như thế chúng ta cũng có thể có những trường học mang tên chị Trâm như ngôi trường mà Anne từng học ngày nay là trường Trung học Anne Frank, chúng ta cũng có thể có quỹ Đặng Thùy Trâm để giúp đỡ những sinh viên nghèo trong học tập..v.v… và v.v…

Cũng như Anne Frank, trong mỗi chúng ta vẫn luôn sống mãi hình ảnh yêu đời của người con gái Hà Nội mang tên Thùy Trâm.

Và sẽ là có tội nếu chúng ta để mai một đi những ký ức về một thời đau thương nhưng anh dũng và vô cùng bi tráng, là thời mà thế hệ chị Trâm đã sống.

Nhà văn Hoàng Đình Long