Từ vụ thi môn địa lý "lạ": "Tôi năm nay 60 tuổi vẫn làm được 80% đề này"

Bảo Khang

(Dân trí) - Dù đã kinh qua kì thi tốt nghiệp THPT, Đại học cách đây hàng chục năm, nhiều độc giả cho rằng mình vẫn giải được 80% đề thi môn địa lý, và không có chuyện đề khó.

Mặc dù kỳ thi THPT Quốc gia 2023 đã kết thúc, thế nhưng, câu chuyện xung quanh đề thi các môn vẫn còn nhiều tranh cãi, đặc biệt ở môn địa lý.

Cụ thể, đề thi môn địa lý THPT Quốc gia năm nay, các câu hỏi phần Atlat không ghi rõ số trang, chỉ ghi tiêu đề. Thí sinh muốn biết trang Atlat đó nằm ở đâu phải tra mục lục khiến nhiều thí sinh loay hoay, nhiều thầy cô bộ môn ngạc nhiên khi xem đề.

Được biết, trong các năm thi từ 2017-2022, các câu hỏi phần Atlat luôn ghi rõ số trang, thí sinh không cần nhớ cũng có thể tra ra câu trả lời. Chính điều này đã khiến nhiều độc giả đặt câu hỏi, liệu học sinh có đang học máy móc, học vẹt để lấy 'điểm thi?

"Đề không khó, lạ nhưng đòi hỏi tư duy linh hoạt"

Độc giả Quang Hop Lam: "Đề ra như thế không có vấn đề gì cả. Các bạn học sinh đang học máy móc và không có sự tư duy linh hoạt đó thôi. Đi học mà không biết cái đó ở đoạn nào chứng tỏ đều chỉ là học chống đối. Môn địa lý khi tôi đi thi cũng có câu dùng atlas nhưng tôi không dùng, tôi không bỏ thời gian ra ôn môn địa lý nhưng tôi vẫn được 6.5 điểm khi làm bài bằng vốn kiến thức tự học trong SGK. Vậy vấn đề ở việc các thầy cô hoặc các em đã bị học theo kiểu máy móc và thiếu linh hoạt, tư duy".

Cùng quan điểm trên, độc giả luu bang chau: "Đề này mà khó thì các cô dạy tủ với dạy mẹo à? Được cầm Atlat-tài liệu vào, còn đòi họ chỉ cho tận chỗ để tra, thì lấy đâu ra tư duy, logic, mà chỉ là con vẹt thôi".

"Đề này khó chỗ nào? Tôi thực sự không thấy khó, học kiểu mọt sách chỉ trang nào lật trang đó thì mới thấy khó thôi. Nên hạn chế cách dạy và học vẹt, rập khuôn", độc giả Nam C38.

Độc giả Nguyễn Thu Hằng: Bản thân em là một học sinh thì em thấy đề khá dễ, kiến thức nằm trong chương trình học. Nếu mà kêu đề này quá khó thì chỉ có thể là không học thôi ạ".

Độc giả DO MINH TIEN chỉ ra những câu dễ ăn điểm: "Tôi thấy đề thi năm nay khá dễ dàng, khá sát thực tế, thậm chí không cần học cũng có thể làm được, tư duy và logic là làm được.

Ví dụ câu 1, ven biển thường hay có bão, chọn ngay đáp án C, câu 44, Đắc Nông và Kom Tum không có sân bay, Đắc Lắk có sân bay Buôn Mê Thuật, Lâm Đồng là Liên Khương, Gia Lai là Pleiku, 3/5 tỉnh Tây nguyên có sân bay.

Câu 51 trồng cao su nhiều ở Đông Nam Bộ, chọn Bình Phước, các tỉnh Miền tây không có, quá dễ. Hoặc như câu 58, Thanh Hóa giáp Lào chọn luôn, 3 tỉnh Đồng Bằng Sông Hồng dĩ nhiên là không có đường biên giới, mất 3 giây cho 1 câu".

Độc giả Hoàng Thủy Tiên đưa ra quan điểm rằng nên dừng việc thi trắc nghiệm vì dạng đề này hạn chế khả năng tư duy logic của thí sinh:

"Mình hoàn toàn đồng ý về việc nâng cao độ khó của đề, và nếu có thể, với tư cách là thí sinh đã trải qua 2 lần thi THPT thì mình nghĩ nên tách riêng thi để tốt nghiệp và thi để vào đại học. Hơn nữa nên dừng việc thi trắc nghiệm hoặc 20% trắc nghiệm cũng được vì hình thức thi trắc nghiệm sẽ hạn chế rất nhiều khả năng tư duy logic của các em, đề tuy rộng nhưng khả năng logic của các em rất hẹp.

Hình thức trắc nghiệm còn làm các em khoanh lụi, khoanh bừa, dùng mẹo trong quá trình làm bài. Nói chung là Bộ nên cân nhắc tách riêng 2 kỳ thi và trở về hình thức tự luận".

Từ vụ thi môn địa lý lạ: Tôi năm nay 60 tuổi vẫn làm được 80% đề này - 1
Từ vụ thi môn địa lý lạ: Tôi năm nay 60 tuổi vẫn làm được 80% đề này - 2
Từ vụ thi môn địa lý lạ: Tôi năm nay 60 tuổi vẫn làm được 80% đề này - 3
Từ vụ thi môn địa lý lạ: Tôi năm nay 60 tuổi vẫn làm được 80% đề này - 4

Đề thi môn địa lý trong kỳ thi THPT Quốc gia 2023.

"Giáo viên và học sinh nên thoát khỏi cách học cũ"

Trái ngược hoàn toàn với quan điểm học sinh kêu đề khó, giáo viên kêu đề lạ, nhiều độc giả cho rằng, đề thi môn địa lý hay, thực tế, phân loại được học sinh.

Độc giả I'm not Shrimp: "Em là khóa 2k5 (2005) vừa thi xong đây ạ. Bản thân em thấy đề nó rất là dễ luôn ạ. Nếu chịu khó 1 tuần tầm 2-3 tiết ôn về kỹ năng atlat hay biểu đồ là có thể làm ngon lành rồi ạ".

Độc giả Dương Hải: "Mình thấy đề dễ mà. Mặc dù đã thi đại học hơn 10 năm nhưng mình thấy mấy câu Atlat thậm chí không cần dùng Atlat vẫn làm được; riêng 4 câu về biểu đồ cũng khá dễ (3 câu đầu thì cần tính toán thêm, riêng câu biểu đồ về cơ cấu thì nghĩ ngay đến dạng biểu đồ hình tròn, cột, miền). Nhìn qua thì thí sinh làm bài ở trên cũng phải được 8 - 9 điểm".

Độc giả Hữu Tin Nguyen: "Đề thi quá dễ, tôi năm nay 60 tuổi rồi mà còn làm được 80%".

Theo độc giả Thinh Tran Hong: "Đề thi hay. Đề thi yêu cầu sự hiểu biết không phải học vẹt. Đòi hỏi học sinh và giáo viên phải thoát khỏi cách học cũ phải đổi mới sáng tạo. Nên tiếp tục ra đề như vậy".

"Đề thế này là ok, tại sao giáo viên lại dạy theo kiểu đáp án trang nào, kiến thức chứ có phải học tủ đâu. Nên chăng giáo viên và học sinh nên thay đổi cách dạy và học", độc giả Nguyen Thanh Tinh.

"Các môn thi nên ra đề kiểu tương tự để học sinh có cái nhìn tổng quan, học đi đôi với hành. Tránh kiểu dạy dỗ giáo viên bây giờ quá đi vào lý thuyết suông và học thuật", độc giả Thuong Co.

Độc giả Tuan Do cho rằng: "Thực tế các thầy cô, học sinh ở ta vẫn đang dạy và học môn địa lý theo lối mòn, theo "dạng đề" nên nhiều người sẽ cho là đề khó. Trong khi, nếu được thực tế, thực hành nhiều, thì sẽ nhận định đề này hay và mang tính tư duy. Vậy điều muốn nói ở đây là nên thay đổi cách dạy và học môn địa lý".