Văn hóa công sở: Cần có những chấn chỉnh kịp thời

Ngày 2/8/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg về ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Đây là sự thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính nhà nước mà Đảng và Nhà nước ta đề ra. Tuy nhiên, trong thực tế việc triển khai quyết định này, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn đến.

Những điều trông thấy…

Phải khẳng định rằng: trong thời gian gần đây, nhiều cơ quan công sở được đầu tư xây dựng mới hoặc được sửa chữa, nâng cấp đã trở nên khang trang, sạch đẹp; công năng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị. Các công sở được trồng cây xanh, có vườn hoa, cây cảnh đã làm cho khuôn viên công sở không còn vẻ thô cứng mà trở nên thân thiện, gần gũi với môi trường và người dân. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cũng thể hiện tính chuyên nghiệp cao, tận tình phục vụ người dân, cơ quan, tổ chức đến làm việc, liên hệ công tác… Những đổi thay đó là rất đáng ghi nhận.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn những điều trong thấy “chướng tai, gai mắt” ở một số công sở. Đầu tiên là các biển tên cơ quan. Mặc dù Quy chế quy định: “Bộ nội vụ hướng dẫn thống nhất cách thể hiện biển tên cơ quan”, nhưng xem ra quy định cũng chỉ để quy định. Vì thực tế chúng ta dễ thấy, các biển tên cơ quan được thiết kế nhiều hình mẫu, đặt, gắn một cách khá tùy tiện. Biển tên cơ quan đủ màu sắc, kích cở khác nhau, có thể nói tùy “ghu” thẩm mỹ, tùy khả năng kinh phí và …tầm quan trọng của cơ quan đó. Các kiểu kiến trúc và mầu sắc có thể nói đủ mầu sắc và kiểu cách khác nhau, có thể nói là “tân - cổ giao duyên”; Việc bố trí phòng làm việc thì “tùy”, mỗi phòng mỗi cách, mỗi nơi mỗi kiểu, chưa tính đến yếu tố tạo thuận lợi cho nhân dân đến làm việc. Trên bàn làm việc, ít thấy biển ghi họ tên, chức danh cán bộ, công chức. Vẫn còn hiện tượng đun, nấu trong phòng (chủ yếu là nấu nước để pha trà). Thậm chí một số nơi vẫn còn hiện tượng lập bàn thờ, thắp hương trong phòng làm việc.

Các công sở hầu hết đều có ban hành các quy chế văn hóa hoặc quy chế hoạt động, song hình như quy định chỉ là để có quy định. Vào một số cơ quan công sở, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh các nam cán bộ, công chức phì phèo thuốc lá, ngồi quanh ấm trà vào mỗi buổi sáng để tán chuyện gẫu; rồi những chị em tụm ba, tụm bảy ngồi “buôn dưa lê” bên bàn hạt dưa, trái cây trong giờ hành chính…thậm chí vẫn còn hiện tượng một số cán bộ mặt còn đỏ phừng phừng vì bia, rượu. Quy chế quy định bắt buộc CBCC khi thực hiện nhiệm vụ phải đeo thẻ công chức, nhưng khi vào các công sở, ít khi được nhìn thấy việc này. Việc ứng xử của CBCC cũng là một điều đáng bàn. Vẫn còn hiện tượng CBCC hướng dẫn, giải thích công việc một cách lòng vòng, khó hiểu, gây ức chế cho nhân dân. Thái độ làm việc một số CBCC còn miễn cưỡng, gây phiền hà, chưa thật sự nhiệt tình tiếp dân và phục vụ nhân dân.

Cần những chấn chỉnh kịp thời

Chúng ta đang tiến hành xây phong trào văn minh công sở. Đây là việc làm cần thiết để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của nền hành chính quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế. Mục đính là đảm bảo tính chuyên nghiệp nghiêm túc và hiệu quả ở mọi khâu hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng đội ngũ CBCC, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, việc xây dựng phong trào này không nên dừng ở mức quy định rồi…để đó, mà phải tiến hành kiểm tra, giám sát để chủ trương đó thực sự đi vào cuộc sống, đạt kết quả thiết thực.

Quốc hội đã thông qua Luật cán bộ công chức và sẽ có hiệu lực thi hành trong nay mai. Theo đó, sẽ có đề án thành lập lực lượng Thanh tra công vụ, nhằm chấn chỉnh các hoạt động xung quanh việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ hành chính nhà nước. Trong đó, có chú trọng đến vấn đề văn hóa công sở. Đây là định hướng đúng và cần thiết nhằm cải thiện hơn nữa bộ mặt các công sở, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Hơn thế nữa, nó góp phần vào việc thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện. Trong khi chờ luật cán bộ, công chức cò hiệu lực thi hành, mỗi chúng ta cần phải luôn ý thức trong việc xây dựng công sở thành các công sở thực sự văn hóa. Để làm được điều này, trước tiên, người đứng đầu cơ quan phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng văn hóa nơi công sở thành cơ quan văn hóa. Xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cơ quan. Các cơ quan công sở cần ban hành quy chế văn hóa một cách rõ ràng, có tính khả thi cao; có bản cam kết của mỗi phòng ban, đơn vị trực thuộc, có kiểm tra, tổng kết, đánh giá định kỳ.

Từ khi Chính phủ ban hành Quyết định 94/2006/QĐ-TTG, ngày 27/4/2006 về phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006-2010 đến nay.  Qua hơn hai năm triển khai thực hiện quyết định này, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định trong việc cải cách hành chính nhà nước. Những kết quả đó khẳng định tính đúng đắn của chủ trương, chính sách này. Để thúc đẩy hơn nữa công cuộc này, cần phải thực hiện nhiều giải pháp khác nữa, mà một trong những giải pháp đó là việc thực hiện có hiệu quả Quyết định số 129/2007/QĐ-TTG về ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước  đã đề ra./.

                                                                   Cao Quốc Kỳ
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum

LTS Dân trí - Công sở là nơi thường xuyên tiếp xúc và giải quyết công việc hằng ngày của người dân. Vì vậy, từ việc xây dựng nền nếp hoạt động của công sở cho đến thái độ tiếp dân, phong cách làm việc có tân tình và có tính chuyên nghiệp hay không đều ảnh hưởng rõ rệt đến hiệu quả công việc.

Tình hình hoạt động của công sở tuy đã được cải thiện nhưng nhiều người dân sau những lần đến công sở vẫn phàn nàn nhiều về thủ tục hành chính còn nhiêu khê (như việc sang tên nhà đất); thái độ tiếp dân còn thiếu nhiệt tình chỉ dẫn đến nơi đến chốn, v.v.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân cũng như yêu cầu của quá trình hội nhập, các công sở cần đây mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính cũng như thực hiện nghiêm túc Quy chế văn hóa công sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.