Vụ kỷ luật học sinh đánh bạn dã man còn thiếu công minh

Vừa bàng hoàng khi xem video clip học sinh (HS) nữ đánh đập, sỉ nhục bạn trước sự vô cảm của những bạn xung quanh, chúng tôi tiếp tục lại “sốc” với “phán quyết” của nhà trường về các HS có liên quan trong vụ việc nói trên.

Nạn nhân bị kỷ luật nặng hơn thủ phạm?

 

Báo Dân trí ngày 10/3/10 mô tả về cảnh quay trong video clip: “Giữa “thanh thiên bạch nhật”, một nữ sinh bị một bạn nữ khác dùng tay túm tóc, kéo lê và liên tục dùng chân đạp thẳng vào mặt, ngực. Thậm chí, cuối clip, nạn nhân còn bị xé áo. Nữ sinh hành hung còn xa xả văng tục”.

Sự việc gây chấn động dư luận, đến mức Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu các Sở GD-ĐT báo cáo về bạo lực học đường và đề nghị các cơ sở giáo dục phối hợp với lực lượng công an để ngăn chặn bạo lực học đường.

Sau đó, lực lượng công an vào cuộc điều tra mới phát hiện chân tướng sự việc. Chỉ vì bạn vô tình dẫm lên chân mình, mà một nữ sinh đã gọi người đến “xử” bạn để “dằn mặt”, rồi tổ chức quay video, tung lên mạng để sỉ nhục bạn.

Thế nhưng, sự việc đã được nhà trường xử lý chưa thỏa đáng khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Hai HS Vũ Ngọc Diệp (người trực tiếp đánh) và Chu Minh Huyền (người thực hiện quay video) phải chịu hình thức kỉ luật “nặng nhất”: Hạ hạnh kiểm, thử thách trong vòng một năm. Mỗi tuần phải viết một bản kiểm điểm, có chữ kí của phụ huynh, nếu vi phạm sẽ bị đuổi học. Nhà trường gọi đó là “án treo” đuổi học.

Như vậy, rút cục, hai HS đã đánh đập, sỉ nhục bạn chỉ bị hạ hạnh kiểm (không hiểu là hạ từ mức nào xuống mức nào, nếu chỉ là Tốt xuống Khá hay Trung bình cũng nên?), không hề bị đình chỉ học một ngày nào.

Việc mỗi tuần viết một bản kiểm điểm cũng rất hình thức, tưởng nặng, hoá ra nhẹ tênh. Chỉ cần mất vài phút, đưa bố mẹ kí là xong.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ngạc nhiên nhất khi thấy người bị đánh, bị sỉ nhục nặng nề là em Nguyễn Quỳnh Anh lại bị kỉ luật cảnh cáo toàn trường, hạ hạnh kiểm xuống loại yếu và thử thách một năm!

Hai HS ngồi xem cũng bị khiển trách, hạ hạnh kiểm, và thử thách trong vòng một năm. Nếu tách riêng ra, hình thức kỉ luật này là hợp lý, cho dù các em có thể biện hộ là sợ bị trả thù. Nhưng so với mức kỉ luật của những HS trực tiếp đánh, quay video thì mức “án” mà các em chỉ ngồi xem phải chịu là quá nặng. 

Bàn về tính pháp lý và đạo lý của sự việc

Trước hết, xin các thầy cô trong Hội đồng kỉ luật trường THPT Trần Nhân Tông hãy đọc lại những quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT liên quan đến việc đánh giá về đạo đức và kỉ luật HS. 

Khoản 4, Điều 4 (Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm), Quy chếĐánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông” (Ban hành kèm theo Quyết định số 40/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo):

 “Loại yếu: nếu có một trong những khuyết điểm sau đây:

a) Có sai phạm với tính chất nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần trong việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, được giáo dục nhưng chưa sửa chữa;

b) Vô lễ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của giáo viên, nhân viên nhà trường;

c) Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử;

d) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn hoặc của người khác; đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội;

đ) Đánh bạc; vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma tuý, vũ khí, chất nổ, chất độc hại; lưu hành văn hoá phẩm độc hại, đồi truỵ hoặc tham gia tệ nạn xã hội”.

Như vậy, hành vi của hai HS Vũ Ngọc Diệp (người trực tiếp đánh) và Chu Minh Huyền (quay video) đương nhiên phải bị xếp hạnh kiểm loại yếu, chứ không thể kỉ luật bằng hình thức “hạ hạnh kiểm”. Bởi vì như chúng tôi đã phân tích, nếu hạ hai bậc thì có thể từ loại Tốt xuống Trung bình.

Và hành vi của HS Nguyễn Quỳnh Anh không vi phạm quy định nào nói trên để bị xếp hạnh kiểm loại yếu.


Điều 42, “Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học” Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày  02/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ:

“Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây:

- Phê bình trước lớp, trước trường;

- Khiển trách và thông báo với gia đình;

- Cảnh cáo ghi học bạ;  

- Buộc thôi học có thời hạn”.

Như vậy, theo quy định hiện hành, không có hình thức kỉ luật nào là “án treo” đuổi học cả. Còn việc nếu HS tái vi phạm sẽ bị kỉ luật ở mức cao hơn , không cần thiết phải nêu ra trong quyết định kỉ luật, vì đã có văn bản quy định. Cũng như không có hình thức kỉ luật buộc HS viết bản kiểm điểm mỗi tuần. Không lẽ một trường THPT có thẩm quyền “sáng tạo” ra các hình thức kỉ luật, không có trong quy định của Bộ GD-ĐT?

Trong hình thức “Buộc thôi học có thời hạn”, theo quy định tại Quyết định số 1118/QĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục ngày 2-12-1987, mục “Quy định về khen thưởng và kỉ luật học sinh” nêu rõ:

“4. Đuổi học một tuần lễ:

-Học sinh đã bị cảnh cáo toàn trường nhưng còn tái phạm, gây ảnh hưởng xấu.

-Phạm các khuyết điểm sau dù chỉ là lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng làm tổn thương nhiều đến danh dự của nhà trường, thầy cô giáo và tập thể như: trộm cắp, trấn lột, gây gổ đánh nhau, có tổ chức và gây thương tích…”.

Hành động đánh bạn, sỉ nhục, quay phim và phát tán trên mạng là vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ nhà trường có HS vi phạm bị ảnh hưởng, mà phạm vi tác động có thể nói là trong toàn ngành giáo dục, thậm chí ra ngoài nước.

Khi quyết định không đuổi học (dù chỉ 1 tuần), Hội đồng kỉ luật nhà trường cho rằng hành động của những em đó không ảnh hưởng gì đến nhà trường, đến thầy cô? Xin nói thêm chính Diệp là người đã đạp lên đầu Quỳnh Anh.  

Hàng trăm hàng nghìn người xem video clip đều bàng hoàng, phẫn nộ. Nhiều người rơi nước mắt xót xa cho em HS bị bạn hành hạ, trước những con mắt vô cảm, và ngay giữa ban ngày.

Thế nhưng rốt cục, chính em HS bị đánh đập, sỉ nhục đó lại phải chịu mức hình thức kỉ luật tương đương, và có thể nói là nặng hơn cả những HS đã hành hạ mình một cách tàn nhẫn.

Em Nguyễn Quỳnh Anh có lỗi gì? Đó là “không thật thà, thành khẩn khai báo với cơ quan chức năng”(?!). Xin thưa, chỉ vì em không muốn thêm một lần bị sỉ nhục, xấu hổ và còn sợ bị trả thù tệ hại hơn cho nên mới che dấu việc mình bị đánh. Em đã giải thích là “không muốn làm to chuyện” và “sợ bố mẹ lo lắng”. Đây cũng là tâm lý thường tình của nhiều người.

Thế nhưng em lại bị kỉ luật nặng hơn cả người đã đánh đập, sỉ nhục mình. Em Quỳnh Anh bị cảnh cáo, còn những HS đánh đập, sỉ nhục bạn tàn tệ thì không?

Là một giáo viên và quan tâm đến sự việc nổi cộm này trong ngành giáo dục, chúng tôi rất bất bình về quyết định kỉ luật bất công đối với HS Nguyễn Quỳnh Anh! 

Theo những cán bộ điều tra, thì không chỉ có Quỳnh Anh mới “không thành khẩn khai báo”. Báo Dân trí ngày 15/3 phản ánh chính Vũ Ngọc Diệp mới là người “chối tội” đến cùng. Mà đúng ra “tội danh” này phải dành cho thủ phạm mới hợp lý. Thế nhưng không hiểu sao “tội danh” này lại được bỏ qua, không được tính để xử lý kỉ luật HS này.  

Không hiểu các thầy cô trong Hội đồng kỉ luật đã suy nghĩ gì khi quyết định những hình thức kỉ luật như vậy? Trong mấy tiếng đồng hồ “làm việc căng thẳng”, có lẽ các thầy cô không có dịp đọc lại những văn bản, quy định hiện hành? Lẽ nào các thầy cô không hiểu, không thông cảm với tâm lý HS? Sao thầy cô không thử đặt mình vào vị thế cha mẹ, người thân của HS bị đánh để xót thương, phẫn nộ?       

Việc ra quyết định kỉ luật tuỳ tiện như vậy được biện hộ với lý do muôn thuở: tính “nhân văn”, “cho các em một cơ hội”, “sợ các em hư hỏng”…Vậy xin hỏi công bằng cho người bị hại ở đâu? “Nhân văn” với kẻ phạm pháp chính là vô cảm với nạn nhân. Thiết nghĩ không nên vì tâm lý sợ HS hư hỏng mà có hành động đồng loã, khuyến khích cái xấu.    

Pháp luật là công cụ để răn đe, ngăn ngừa tội phạm. Pháp luật cần được hiểu như khuôn phép, điển chế, không được tuỳ tiện “vận dụng”, thay đổi. Giống như thanh chắn lề đường, nếu đi loạng quạng là bị chặn lại ngay, bất kì đó là ai. Nếu một người đi ra ngoài lề không bị chặn, sẽ khiến những người khác nghĩ muốn đi sao cũng được. Bàn về tính nghiêm minh của luật pháp, người Trung Quốc có câu “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (Giết một người làm muôn người phải sợ).   

Nếu như trường nào cũng tuỳ tiện “sáng tạo” ra những hình thức kỉ luật như trường THPT Trần Nhân Tông, thì trật tự giáo dục sẽ hỗn loạn. Không phải chúng tôi khắc nghiệt với những HS đánh bạn nói trên, mà chúng tôi xót xa cho HS bị xúc phạm nhân phẩm nghiêm trọng.

Chúng tôi đồng ý với ý kiến của ông
Mai Sĩ Nhật, Trưởng Phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT Hà Nội là vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự. Nhưng về mặt dân sự cần có mức xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe.     

Hiện nay, những hành vi đánh đập, xúc phạm đến nhân phẩm và quyền tự do thân thể cá nhân thường được xử lý theo kiểu nương nhẹ. Nhiều người đánh đập gây thương tích cho người khác nhưng chỉ cần xin lỗi và bồi thường chi phí y tế. Có chuyện hơn chục người đánh đập tàn nhẫn, gây thương tích cho người khác phải bồi thường 2,7 triệu đồng tiền thuốc men, chia đều tính ra mỗi người chỉ phải trả chưa đến 300 nghìn đồng. Xử lý như thế chẳng khác gì khuyến khích người khác đánh nhau.   

Tổn thất về tinh thần, nhân phẩm hầu như không được tính đến, trong khi đây mới là tổn thất lớn nhất, khó cân đo đong đếm. Một cái tát, bị ảnh hưởng về sức khoẻ không đáng là bao, nhưng tổn thất về tinh thần thì không lường hết được!  

Nhưng ở ta, hình như điều này chưa được chú trọng. Phải chăng đây là một nguyên nhân khiến cho tình trạng sử dụng bạo lực, hành hạ người khác ngày càng gia tăng? Chỉ vì những lí do vu vơ, người ta có thể đánh đập, gây thương tích, sỉ nhục, hành hạ người khác…Rất nhiều vụ HS tổ chức đánh đập bạn, thậm chí hành hung cả thầy cô giáo ngay trên bục giảng. Nhiều HS khi vi phạm đe doạ bạn không được tố cáo hay can ngăn, nếu không sẽ bị “xử”. Và chúng đã nói là làm!   

Báo chí đưa tin nhiều về những vi phạm như bắt giữ người trái phép, trói người quẳng ra đường, tổ chức đánh đập, xé quần áo, cắt tóc người khác…Còn việc xâm phạm thân thể người khác ở các mức độ khác nhau thì xẩy ra như cơm bữa, không thể đếm xuể. Cha mẹ đánh đập tàn tệ con cái, chồng đánh đập vợ được một số người coi như “bình thường”.

 Vì những kẻ vi phạm không phải quá lo về hậu quả, nếu như chưa đến mức xử lý hình sự!

Chúng tôi cho đây là “lỗ hổng” không nhỏ về phương diện pháp lý, rất cần được bổ cứu để ngăn chặn tình trạng bạo lực đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng.

 

                Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Thực hiện kỷ luật đối với học sinh có mục đích là giáo dục những em mắc khuyết điểm và cũng là bài học chung cho các bạn khác để không mắc phải những khuyết điểm như thế. Nhưng muốn đạt được mục tiêu đó thì trước hết cần sự công minh, xử lý kỷ luật phải đúng với mức độ khuyết điểm. Nhưng rất đáng tiếc là vụ kỷ luật vừa qua đối với những học sinh đánh bạn theo kiểu côn đồ, lại còn quay cảnh  đánh đập dã man đó và tung lên mạng để thỏa chí làm nhục bạn. Vậy mà vụ xử lý kỷ luật lại không rạch ròi trong việc phân biệt người bị hành hạ và kẻ hành hung, do đó đều bị kỷ luật ở mức độ gần giống nhau. Đấy chính là lý do khiến nhà giáo tác giả bài viết trên đây cũng như nhiều người khác phải tỏ thái độ bất bình về việc xử lý kỷ luật rất vô lý đó.

Mong rằng Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội xem xét lại vụ kỷ luật học sinh của Trường THPT Trần Nhân Tông nhằm bảo đảm tính công minh và ý nghĩa giáo dục đối với một vụ điển hình về sự tha hóa đạo đức thể hiện thành hành động mang tính côn đồ của một nhóm học sinh nữ hùa nhau đánh bạn tàn nhẫn, còn công khai đưa lên mạng khiến cho dư luận cả nước phải công phẫn và lên án!