1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Sau vụ quy hoạch tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu, Hà Nội ra "lệnh nóng"

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh.

Còn có tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý

UBND Thành phố (TP) Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 190/KH-UBND về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh các kết quả đạt được, lãnh đạo TP Hà Nội thừa nhận công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn còn một số tồn tại, bất cập cần phải khắc phục như: Tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc… còn chậm.

Ngoài ra, chất lượng một số đồ án quy hoạch có bất cập về cập nhật hiện trạng dự án, sử dụng đất, tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc, tính khả thi… dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch; việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ, thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch.

Sau vụ quy hoạch tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu, Hà Nội ra lệnh nóng - 1

Hà Nội yêu cầu không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh (Ảnh: DT).

Thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại nêu trên do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời, sâu sát, quyết liệt.

Bên cạnh đó, thể chế quản lý còn hạn chế, bất cập; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số nơi còn chưa cao, các quy định quản lý chưa đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả...

Đáng chú ý, theo UBND TP Hà Nội, công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp của các sở ban ngành TP với địa phương còn chưa chặt chẽ; việc kiểm tra, xử lý sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn có tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc chưa xử lý quyết liệt, dứt điểm.

Trước thực tế nêu trên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc, chấm dứt tình trạng vi phạm quy hoạch.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng yêu cầu củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý quy hoạch, kiến trúc từ TP đến cấp huyện, nâng cao chất lượng phục vụ trong công tác quy hoạch...

Hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư

Về nội dung cụ thể của Kế hoạch số 190, lãnh đạo TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, đảm bảo chặt chẽ, giữ định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch.

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng quy trình điều chỉnh quy hoạch, báo cáo UBND TP nhằm kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch, xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt.

Hà Nội cũng yêu cầu không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh.

Lãnh đạo TP cũng yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với các địa phương thanh tra, kiểm tra việc thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, tổng hợp các trường hợp vi phạm về quy hoạch; Nghiên cứu cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch không để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng kéo dài.

UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với các sở ngành, đơn vị, UBND quận huyện trong thực hiện chương trình, đề án, rà soát việc thực hiện các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc. 

"Thực hiện chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc; Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về kết quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn", văn bản của UBND TP Hà Nội nêu rõ.

Điều chỉnh chủ yếu là giảm bớt hạ tầng, tăng không gian ở

Trước đó, Dân trí đã đưa thông tin về những vi phạm về quy hoạch đường Lê Văn Lương, Tố Hữu... theo Kết luận số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng.

Theo đó, Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều nội dung như việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, không thuộc trường hợp được điều chỉnh, chỉ tiêu quy hoạch đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án phê duyệt trước, các đồ án quy hoạch phân khu cập nhật không đúng quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch, tổng mặt bằng không thuộc trường hợp được điều chỉnh, vi phạm Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, quá trình điều chỉnh quy hoạch không tuân thủ các quy định...

Trao đổi với Dân trí về những bất cập trong việc điều chỉnh quy hoạch vừa qua, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng quy định về điều chỉnh quy hoạch trong pháp luật vẫn còn thể hiện tính lỏng lẻo, việc thực hiện quy hoạch lại hay nể nang. 

Theo ông Võ, về nguyên tắc, phát triển phải dựa trên bản quy hoạch tạo nên lợi ích công cao nhất, lợi ích cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch thường bị biến dạng do ý định của người có thẩm quyền muốn chuyển lợi ích công thành lợi ích tư. Như vậy, buộc phải hình thành nhóm lợi ích để cùng nhau hưởng lợi ích tư chuyển từ lợi ích công sang do làm méo quy hoạch.

"Chúng ta lấy ví dụ như ở Trung Quốc, người ta có thể cũng còn những nhược điểm quản lý nhất định, nhưng họ rất coi trọng công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Ở đó, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch không được quyết định điều chỉnh quy hoạch mà phải là cơ quan cấp trên. Điều chỉnh quy hoạch cũng không dễ dàng gì, phải thỏa mãn rất nhiều điều kiện, trình tự thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cũng cực kỳ phức tạp. Cực chẳng đã, nhà đầu tư dự án mới đề xuất và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới cho phép", ông Võ nói.

Trong khi đó ở Việt Nam, theo chuyên gia, người phê duyệt quy hoạch được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch làm ra quy trình đều rất đơn giản, nhóm lợi ích cũng dễ hình thành. Điều chỉnh chủ yếu là giảm bớt hạ tầng, cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng môi trường và tăng không gian nhà ở, tức là giảm bớt tiền đầu tư không thu lợi và tăng lợi nhuận từ bán nhà ở. Chính vì vậy, nhiều dự án cuối cùng trên thực địa khác xa vời vợi so với bản quy hoạch đầu tiên được phê duyệt, khác xa "một trời một vực".

Từ thực tế đó, ông Võ cho biết, có thể thấy quy hoạch và dự án lần đầu tiên được phê duyệt thường khá đúng với quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, được tính toán dựa trên đầy đủ các yếu tố đã quy định.

Nhưng vì quy trình điều chỉnh quy hoạch khá dễ dàng nên quy hoạch bị thay đổi rất đáng kể, thậm chí có quy hoạch điều chỉnh cho đến khi đạt được tư lợi đủ lớn. Có thể thấy rõ "điều chỉnh quy hoạch" đang đóng vai một công cụ hữu hiệu để "vẫy vùng biến của chung thành của riêng"...