Ai “hưởng lợi” từ niềm say mê cuồng nhiệt?

(Dân trí) - Vé xem một trận bóng đá bằng cả tháng lương của một công nhân trong khu công nghiệp. Bằng giá của 5 tạ thóc của người nông dân và bằng 2/3 lương của một công chức nhà nước. Có điều gì bất ổn ở đây? Và ai là người “hưởng lợi” từ niềm say mê cuồng nhiệt này?

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 
Suốt từ một tháng qua, sự kiện CLB Arsenal sang Việt Nam thu hút quá lớn sự quan tâm của dư luận. Những CĐV yêu bóng đá chân chính nói chung và các fan hâm mộ Arsenal nói riêng háo hức được gặp mặt những thần tượng của mình. Đó có thể là sự kiện mang lại niềm vui cho người hâm mộ Việt Nam, nếu như giá cả thực sự phải chăng.

Nhưng như nhiều nhà làm bóng đá từng nói, không có “món ngon” nào lại rẻ cả. Ban tổ chức trận đấu ngay lập tức đã phát hành vé với số tiền có thể nói là quá sốc với người hâm mộ Việt Nam. Các mệnh giá vé được phát hành gồm 1,5 triệu/vé, 1 triệu/vé, 700.000/vé và 400.000/vé, lớn hơn rất nhiều so với lần Olympic Brazil đến Việt Nam năm 2008.

Theo như Phó chủ tịch VFF Nguyên Lân Trung, đó là mức tiền vừa phải nếu so sánh với việc người ta dốc cả hàng triệu đồng để xem các ca sỹ nội biểu diễn. Đúng là vé xem một đội bóng hàng đầu nước Anh thì không thể rẻ, nhưng mức giá vé “khủng” như hiện nay thực sự quá sức với người hâm mộ. Trong lần trả lời Dân trí chiều ngày 8/7, ông Trung còn cho biết Eximbank, HAGL đã phải chi đến 45 tỷ đồng để mời Arsenal sang Việt Nam và họ chấp nhận bị lỗ ở thương vụ này.

Theo ước tính, số tiền bán vé mà BTC thu về được khoảng hơn 30 tỷ đồng và hai nhà tài trợ cũng không thu được bất kỳ thêm một hợp đồng quảng cáo nào. Nhưng khi mỗi đơn vị được phép kinh doanh 11 tấm bảng quảng cáo trên sân, thì Eximbank, HAGL có lỗ theo như lời xác nhận của ông Trung vẫn còn là câu hỏi cần Liên đoàn Bóng đá trả lời minh bạch.

Có thể không khó nhận thấy, việc lỗ hay lãi của hai đơn vị này trong việc đầu tư cho Arsenal sang Việt Nam vẫn chưa có lời lý giải thích hợp và nhìn vào tình hình hiện tại, chỉ có khán giả mới là người chịu thiệt thòi nhất với mức giá vé khủng khiếp.

Tất nhiên, những hình thức sử dụng tấm vé trận Arsenal với đội tuyển Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Người thì hâm mộ Arsenal thực sự, người thì chờ đợi mua vé rồi bán lại hoàn toàn có thể thu lãi được từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/vé, người cần phải có một hay nhiều đôi vé nhằm phục vụ cho những quan hệ riêng. Sau buổi bán vé cho khán giả, hiện tượng phe vé đã tràn ngập bên ngoài và mức giá được đội lên gấp đôi, gấp ba. Nhiều khán giả không may mắn đành phải sở hữu tấm vé bằng hình thức bị “cắt cổ”.

Những phe vé cũng không ngần ngại “ôm” một lượng lớn vé bởi họ hiểu rõ, số lượng 12.000 vé bán ra không đáp ứng hết nhu cầu của khán giả.

Ở Thái Lan, nạn phe vé cũng xuất hiện nhưng nếu như giá vé trị giá 1,5 triệu thì mua ngoài cũng chỉ đến 1,7 triệu là cùng, trong khi ở Việt Nam có thể lên đến 3 triệu. Đáng buồn khi niềm vui và khao khát quá lớn của người dân lại bị những kẻ cơ hội tận dụng.

Một người bạn nước ngoài của tôi khi biết câu chuyện đã phải thốt lên “Ôi người Việt Nam giàu quá”.

Liệu người Việt Nam có thực sự giàu có, khi nhìn vào tình hình kinh tế khó khăn của đất nước như hiện nay? Và ai là người “hưởng lợi” từ niềm say mê đến cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá Việt Nam?... Câu hỏi xin gửi lại cho các nhà tổ chức.

 

Kim Anh

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!