“Bài toán” Phạm Thị Oanh - Cần một đáp số hợp lòng dân?

(Dân trí) - Việc chị Phạm Thị Oanh, làm đơn kêu cứu đã đặt ra một vấn đề mới trong vụ “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức. Đó là hành xử như thế nào với người vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, vừa là người có công, vừa là người có tội?

 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 
Trong đơn kêu cứu gửi Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị của chị Oanh và trình bày của chị  Hoàng Thị Nguyệt, việc tố cáo ban đầu gồm 5 người (Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định, Phan Thị Nam Đông, Phạm Thị Oanh, Nguyễn Thị Cường). Trong đó, chị Oanh là một mắt xích quan trọng vì chỉ có chị với tư cách kỹ thuật viên trưởng mới có điều kiện để đưa những phiếu xét nghiệm “nhân bản” làm chứng cứ cho việc tố cáo sau này. Tuy nhiên, do áp lực của gia đình và sự khống chế của lãnh đạo viện nên 2 chị đã rút đơn.

Khi vụ việc bị phanh phui, trong số hàng ngàn phiếu xét nghiệm “nhân bản” đó có 18 phiếu do chị Oanh ký. Như vậy về chứng cứ, việc khởi tố bị can đối với chị Oanh là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, lý giải về vụ việc này, chị Oanh cho biết: “18 trường hợp này là do lãnh đạo yêu cầu để bổ sung vào bệnh án nên tôi phải làm theo. Xét thấy việc làm trên không phù hợp với đạo đức nghề nghiệp nên tôi không làm nữa và chủ động thu thập chứng cứ để làm đơn tố cáo”.

Bài toán đặt ra giờ đây là sự cân nhắc giữa công và tội.

Về tội, án tại hồ sơ, 18 phiếu có chữ ký của chị Oanh thì chị Oanh phải chịu trách nhiệm.

Về công, nếu không có sự hỗ trợ của chị Oanh thì không thể có chứng cứ để đưa ra sự việc ra ánh sáng.

Nếu xét trên khía cạnh này, có thể thấy rõ những đóng góp của chị Oanh dù sau đó, chị bỏ cuộc. Điều này càng chứng tỏ sức ép của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức là rất lớn. Nó còn cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở đâu và bao giờ cũng rất gian nan, thậm chí khốc liệt, không phải ai cũng đủ dũng cảm để đi hết con đường của mình dù biết rằng đó là chân lý.

Luật pháp không thể tùy tiện nhưng cũng không phải là vô tình.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào có lợi nhất cho sự phát triển của xã hội bởi suy cho cùng, cốt lõi của luật pháp là để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Cụ thể ở đây là công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng đang rất cấp bách hiện nay sẽ được khích lệ rất nhiều nếu như có cách hành xử đúng với người tố cáo.

Thực tế cuộc sống có những việc đúng về lý nhưng không đúng về tình và ngược lại, có việc đúng về tình lại sai về lý. Trước những sự việc như vậy, cách hành xử không ngoan nhất là hợp lòng dân.

Do đó, tôi tin rằng những ý kiến các bạn gửi về cho chúng tôi chính là sự “hợp lòng dân” mà các cơ quan chức năng đang muốn lắng nghe.

Theo bạn, nên hành xử với trường hợp chị Oanh thế nào là “hợp lòng dân” nhất?

 
Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!